Nhật Bản sẽ đối mặt với nhiều "cơn gió ngược"
Quá nhiều thách thức kinh tế
Kinh tế Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược" trong năm 2019 khi nhu cầu xuất khẩu chậm lại, thị trường tài chính bất ổn và thách thức lớn nhất là tăng thuế tiêu thụ.
Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đang vận hành tốt. Xứ sở Mặt trời mọc có thể đã có một giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong thời kỳ hậu chiến với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau một thời gian tạm lắng do tác động bởi một loạt thảm họa tự nhiên xảy ra từ tháng 7-9.2018.
Thị trường việc làm phát triển mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, với tỉ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990, ở mức 2,5%.
Tuy nhiên, việc tăng thuế tiêu thụ từ ngày 1.10 từ 8% lên 10% có thể làm giảm đà tăng này. Việc tăng thuế giá trị gia tăng trước đó cũng đã khiến chi tiêu của các hộ gia đình giảm mạnh, khiến cho hoạt động kinh tế trở nên khó khăn.
Năm 1989, lần đầu tiên thuế tiêu thụ được đưa ra ở Nhật với tỉ lệ 3% và được nâng lên 5% vào năm 1997, động thái từng dẫn đến Đảng Dân chủ tự do cầm quyền phải chịu thất bại cay đắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm sau. Yếu tố này được cho là đã góp phần khiến kinh tế Nhật rơi vào tình trạng giảm phát suốt trong 15 năm.
Trở lại quyền lực năm 2012 với các chính sách kinh tế được vạch ra nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng suy thoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã tăng thuế lên 8% vào năm 2014 để giúp hỗ trợ cho chi phí ngày càng tăng trong việc cung cấp an sinh xã hội cho dân số ngày càng lão hóa.
Động thái này một lần nữa khiến người mua sắm thắt chặt hầu bao, đồng thời khiến lạm phát giảm xuống 0%. GDP lần đầu tiên giảm kể từ tài khóa 2009, thời điểm Nhật Bản vẫn quay cuồng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, xuất khẩu của Nhật lại giảm do nhu cầu giảm đối với các linh kiện sử dụng trong điện thoại thông minh như chất bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng, thậm chí có thể giảm hơn nữa do đồng yên tăng mạnh, khiến các sản phẩm giảm cạnh tranh ở nước ngoài.
Mặc dù chi tiêu kinh doanh vẫn mạnh nhờ lợi nhuận doanh nghiệp cao kỷ lục và sự bùng nổ các hoạt động xây dựng trước Đại hội thể thao Olympic Tokyo 2020. Song niềm tin giới kinh doanh lại suy yếu do sự bất ổn liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nhân tố khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu hồi tháng 10.2018.
Các nhà phân tích cho rằng những rủi ro tiềm ẩn như vậy đồng nghĩa với việc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) khó có thể áp dụng các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Dân số báo động tình trạng già
Theo tạp chí The Diplomat, chính quyền ông Abe đang phải vật lộn với khả năng có thể thiếu hụt tới 7,9 triệu lao động vào năm 2030, cùng với chi phí an sinh xã hội gia tăng do tình trạng dân số già.
Để duy trì dân số ở mức 100 triệu, theo lý thuyết, Nhật phải chấp nhận một con số khổng lồ khoảng 200.000 người nhập cư mỗi năm, và tỉ lệ sinh phải nâng từ mức 1,42 thành 2,07 vào năm 2030.
Mục tiêu thu hút 500.000 lao động nước ngoài vào năm 2025 được ông Abe đưa ra, đồng nghĩa với việc trong vòng 7 năm, mỗi năm Nhật Bản sẽ tiếp nhận trung bình 71.430 lao động. Thực hiện mục tiêu trên, ông Abe đã có hai điều chỉnh lớn trong quy định về lao động nước ngoài.
Dù bị đánh giá là một người bảo thủ, nhưng ông Abe đã phải ủng hộ chính sách mở rộng nhập cư đầu tiên của Nhật Bản và giải quyết các vấn đề kinh tế thông qua những cải cách chế độ lao động trong nước như khuyến khích phụ nữ lao động, ủng hộ việc những người nghỉ hưu tái ra nhập lực lượng lao động...
Sáng kiến về “Phụ nữ” được ông Abe công bố vào năm 2015 với mục tiêu ban đầu đầy tham vọng là đưa tỉ lệ nữ chiếm 30% các vị trí lãnh đạo trong mọi lĩnh vực vào năm 2020. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp đây là mục tiêu không thực tế, vì vậy đã phải giảm xuống còn 15% vào năm 2025.
Giáo sư đại học Waseda cũng cho rằng cùng với sự nổi lên của Trung Quốc và Đông Nam Á, Nhật Bản phải thực tế hơn và nhìn nhận thẳng thắn vấn đề là nước này cần lao động nước ngoài hơn là lao động nước ngoài cần Nhật Bản.
Đây là vấn đề sống còn và Nhật Bản phải học tập cách chấp nhận việc lao động nước ngoài nhập cư vĩnh viễn, nếu không nước này có nguy cơ bị cô lập và bỏ lại phía sau.
Nguồn: nhipcaudautu.vn
Mách TTS cách gửi đồ từ Nhật về Việt Nam vừa NHANH, vừa RẺ
Đồ Nhật luôn được đánh giá cao bởi chất lương tốt vì vậy mà TTS sang Nhật thường rất muốn mua đồ gửi về quê.