Nhật Bản: Công ty phát tiền thưởng cho nhân viên về nhà sớm
Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia làm việc nhiều nhất trên thế giới, với thời gian làm việc trung bình của mỗi người lên đến 9 tiếng/ngày. Đối với người Nhật, chăm chỉ làm việc và làm hết khả năng của mình vì sự phát triển của công ty. Đây được xem như là chuẩn mực của xã hội xuất phát từ văn hoá ngàn đời nay của người Nhật.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng làm việc quá sức dẫn đến tử vong và tự tử khiến dư luận Nhận Bản lo ngại, buộc Chính phủ phải có những biện pháp cải thiện tình hình này.
Vào tháng hai vừa qua, công ty quan hệ công chúng Sunny Side Up ra thông báo cho phép nhân viên có thể về nhà sớm vào mỗi thứ sáu cuối cùng của tháng, nhưng dường như không có một ai muốn rời khỏi bàn làm việc sớm hơn mọi ngày.
Ryuta Hattori, người đứng đầu bộ phận truyền thông của công ty cho hay: “Làm việc chăm chỉ đã trở thành một nét văn hóa của người Nhật.”
Vào mỗi thứ sáu cuối cùng của tháng, nhân viên sẽ được công ty khuyến khích về nhà lúc 15:00. Ý tưởng này mang tên “ngày thứ sáu có thưởng”, nằm trong các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản nhằm giải quyết tình trạng làm việc thêm giờ dẫn đến quá sức đang phổ biến trong các công ty hiện nay. Nghe thì dễ, nhưng việc thực hiện ý tưởng này không đơn giản chút nào!
Phát tiền thưởng cho những ai về nhà sớm
Chiến dịch “ngày thứ sáu có thưởng” bắt đầu được thực hiện vào tháng hai vừa rồi
Công ty của anh Hattori đẩy mạnh khẩu hiệu “Chúng ta hãy cùng làm việc vui vẻ!”. Anh cho biết: “Để khuyến khích nhân viên về nhà sớm hơn, chúng tôi phải đưa tiền thưởng cho họ.”
Nếu ai rời khỏi công ty lúc 15:00 vào ngày thứ 6 cuối cùng của tháng sẽ nhận được một khoản tiền thưởng 3.200 Yên hoặc 28$ (tương đương 600.000 đồng). Một vài người sẽ tranh thủ thời gian về sớm hiếm hoi đi chơi thể thao, số khác sẽ đến các quán rượu kiểu Nhật izakaya.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn không nỡ rời bàn làm việc sớm như vậy. Ý tưởng này nếu được áp dụng ở các nước khác thì có vẻ rất tuyệt vời, nhưng ở Nhật lại không như vậy.
Nền văn hóa làm việc chăm chỉ của Nhật
Nhiều nhân viên tại Nhật làm việc đến tận đêm, trung bình họ làm việc 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
“Tôi cũng muốn về nhà sớm lắm, nhưng không còn cách nào khác. Tôi buộc phải ở lại công ty làm việc. Ai dám ra khỏi công ty khi sếp mình đang làm việc chứ.”, cô Nomachi cho hay.
Parissa Haghirian, giáo sư tại Đại học Sophia ở Tokyo cho biết, đây là cảnh tượng đặc trưng của Nhật Bản, những người nhân viên buộc phải làm việc liên tục và thậm chí làm thêm giờ cho dù có được trả thêm tiền hay không.
Mọi người buộc phải làm việc quá sức một phần vì thiếu nhân lực. Haghirian nói: “Có một thực tế buộc người Nhật phải làm việc nhiều như vậy là bởi thiếu nhân lực. Nếu bạn làm việc tại môt công ty ít người, bạn không thể về nhà sớm được bởi không đủ người để hoàn thành công việc.”
Nhưng ảnh hưởng của nền văn hóa làm việc chăm chỉ của Nhật đạt đến mức đỉnh điểm buộc Chính phủ phải can thiệp. Hàng loạt cái chết liên quan đến làm việc quá độ, được gọi là “karoshi”, đã phơi bày nỗi ám ảnh kinh hoàng về làm việc quá sức tại Nhật.
Những quán mì ramen Nhật có giá bình dân khoảng 500 yên (tương đương 100.000 đồng)/1 bát, phục vụ cho những nhân viên muốn ăn nhanh sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Vụ tự tử của cô gái 24 tuổi Matsuri Takahashi, nguyên nhân là do làm việc quá sức, đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm việc quá độ tại Nhật. Được biết, cô Matsuri đã làm việc hơn 100 giờ trong tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Cô đã tự tử vào Giáng sinh năm 2015 và để lại lời nhắn cho mẹ: “Tại sao mọi thứ lại trở nên khó khăn với con như vậy?”.
Matsuri chỉ là một trong 2.159 nhân viên chết do làm việc quá sức tại Nhật. Vào tháng mười vừa qua, Chính phủ đã thống kê có hơn 1/4 các công ty tại Nhật buộc nhân viên phải làm thêm 80 giờ trong một tháng hoặc thậm chí hơn. Với tình hình như vậy, Chính phủ lo ngại những người này sẽ trở thành nạn nhân của “karoshi”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tìm cách giảm bớt khối lượng công việc của nước này, đồng thời khuyến khích người dân tham gia “ngày thứ sáu có thưởng” được chạy vào tháng hai vừa rồi.
Một vài công ty đã tích cực tham gia “ngày thứ sáu có thưởng” hai tháng sau đó. Tuy nhiên, “ngày thứ sáu có thưởng” tháng trước lại rơi vào ngày cuối cùng của năm tài chính Nhật Bản. Điều đó có nghĩa là nhân viên không thể nghỉ làm sớm bởi các công ty quá bận.
Không một ai rời khỏi bàn làm việc trước
Đêm đến, vẫn còn rất nhiều người đang làm việc tại những tòa nhà sáng đèn ở Tokyo.
Không ai về nhà trước khi mà đồng nghiệp của mình vẫn cặm cụi làm việc bên cạnh, vậy nên mọi người thường ở lại cho đến đêm muộn. Kể cả trong ngày “thứ sáu có thưởng”, điều này cũng không hề thay đổi.
Mặc dù Thủ tướng Nhật Bản đưa ra ý tưởng “ngày thứ sáu có thưởng” nhưng nó vẫn chưa thực sự có hiệu quả, thậm chí ngay tại văn phòng của ông.
Giống như hầu hết mọi người, nhân viên tại Tòa thị chính Kobe bắt đầu làm việc lúc 9:00. Tiếng chuông kêu lúc 13:00 báo hiệu giờ nghỉ trưa, nhưng hầu hết mọi người ăn trưa ngay tại bàn làm việc của mình. Tiếng chuông báo hiệu cuối ngày vào lúc 17:00, nhưng không có một ai có ý định ra về. Phải đợi đến tiếng chuông điểm 21:00 mới có người đứng dậy, tuy nhiên vẫn có nhiều người nán lại công ty đến khuya.
Thị trưởng Kobe Kizo Hisamoto hy vọng sẽ thay đổi được tình trạng này. Ông rất ủng hộ ý tưởng “thứ sáu có thưởng” và nỗ lực để giảm bớt khối lượng công việc.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho đến nay, có hơn 130 công ty thông báo họ sẽ tham gia ý tưởng ngày “thứ sáu có thưởng” này. Nhưng Chính phủ cũng không đảm bảo được liệu các công ty đó có làm như đã hứa và có cho phép nhân viên của họ nghỉ sớm hay không.
Tại công ty PR của Hattori, tiến độ công việc vẫn không giảm sút chỉ vì mọi người tan làm sớm hơn. Khi các đồng nghiệp của Hattori đi chơi thể thao hoặc đến các quán bar thì anh phải gánh khối lượng công việc của những người đó.
Tuy nhiên, vào tháng ba, toàn bộ văn phòng đã đóng cửa vào ngày “thứ sáu có thưởng”. Lần này, công ty không cần phải phát tiền thưởng để khuyến khích mội người về nhà sớm hơn. Mọi người cùng nhau uống rượu, xem phim hoặc đi làm đẹp.
Theo các phương tiện truyền thông tại địa phương, Thủ tướng đã rời văn phòng lúc 3 giờ chiều trong dịp cuối tuần vừa rồi. Đây là lần đầu tiên ông Shinzo Abe trở về nhà sớm như vậy kể từ kì nghỉ cuối cùng vào tám tháng trước.
Nguồn: Thời đại
9 quyền lợi quan trọng của lao động Việt Nam tại Nhật Bản
Nhật Bản là một quốc gia nổi biết với những luật lệ được quy định rất rõ ràng, chính xác. Con người nơi đây được cả thể giới biết đến đến với tính kỷ luật cao, sự chịu khó, cẩn thận trong công việc.