Hàng chục gia đình điêu đứng vì Công ty “Việt Nhật” lừa đảo đi xuất khẩu lao động Canada
Đã nghèo còn bị lừa đi xuất khẩu lao động
Lặn lội từ vùng quê nghèo xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) xuống Báo Gia đình & Xã hội, bà Đặng Thị Thanh (SN 1969) tố cáo Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển dịch vụ Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) đã có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của bà.
Theo trình bày của bà Thanh, khoảng tháng 8/2013, khi con trai bà là Đỗ Xuân Hoàng (SN 1992) xuất ngũ về quê thì gia đình có nhu cầu cho con đi xuất khẩu lao động
ở nước ngoài.“Qua giới thiệu, bà Ngô Thảo Hoa, là Giám đốc Công ty Việt Nhật có gặp tôi mời đưa con đi làm việc ở Bang Ontario, Canada. Chị ta giới thiệu công ty mình làm ăn uy tín nhiều năm tại thị trường này, lương công nhân trả cao. Chí phí làm thủ tục xuất khẩu lao động là 350 triệu đồng, yêu cầu gia đình đặt cọc trước 84 triệu đồng. Khi làm xong mọi thủ tục và trước khi con tôi xuất cảnh, gia đình phải đóng đủ 350 triệu đồng. Chị Hoa hứa chắc chắn, chậm nhất đến tháng 4/2014, con tôi sẽ được đi xuất khẩu lao động sang Canada”, bà Thanh cho biết.
Bà Thanh kể thêm: “Vì tin tưởng vào những lời hứa của chị Hoa nên gia đình đã đi cắm sổ đỏ để có tiền đặt cọc. “Ngày 14/1/2014, tôi mang số tiền 84 triệu đồng đến trụ sở Công ty Việt Nhật ở Khu đô thị Mễ Trì Thượng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội để nộp. Ngoài ra, tôi phải đóng thêm 11,5 triệu đồng tiền học tiếng Anh cho con theo yêu cầu của chị Hoa. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình tôi mòn mỏi chờ đợi mà chẳng thấy phía công ty thông báo về việc đi lao động ở Canada như thế nào cả”.
Theo bà Thanh, sau hơn 1 năm chờ đợi không có kết quả, gia đình đã nhiều lần gọi điện nhưng chị Hoa từ chối nghe máy. Vì quá lo lắng khoản tiền rất lớn mà đến nay không biết như thế nào, chị Thanh đã hơn 10 lần xuống công ty để gặp chị Hoa nhưng đều bị tránh mặt, không tiếp. Khi bà Thanh đòi lại tiền đã đặt cọc thì chị Hoa lấy đủ mọi lý do để không trả.
Phiếu thu tiền học ngoại ngữ của Công ty Việt Nhật
“Mới đây, chị Minh, Kế toán của công ty bảo, nếu muốn lấy lại tiền đặt cọc thì công ty chỉ trả lại hơn 30 triệu đồng, khoản tiền còn lại trừ vào chi phí khác”, bà Thanh cho biết thêm.
Theo bà Thanh, vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên bà đã cầm cố sổ đỏ để vay ngân hàng 150 triệu đồng cho con đi XKLĐ. “Đến nay, con tôi vẫn loanh quanh ở nhà, còn khoản tiền đã vay ngân hàng thì chưa biết lấy đâu để trả. Nhà hoàn cảnh khó khăn, hi vọng cho con đi XKLĐ kiếm thêm thu nhập, ai ngờ nợ nần thêm chồng chất”.
“Báo chí làm việc thì lên gặp Tổng cục 1?”
Cùng chung hoàn cảnh với gia đình bà Thanh, anh Trần Minh Việt, trú tại xóm 6, xã Mỹ Hà, huyện Mỹ Lộc (tỉnh Nam Định), cũng “sống dở, chết dở” vì tin vào Công ty Việt Nhật khi đã đặt cọc tiền để đi XKLĐ.
Anh Việt cho biết, vì tin tưởng nên đã nộp 14 triệu đồng học ngoại ngữ, 84 triệu đồng đặt cọc và 50 triệu đồng bảo lãnh từ năm 2013. Chờ đợi quá lâu, anh Việt có gọi điện và đến tận công ty hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời “hãy chờ”.
“Lý do mà công ty đưa ra là do chính trị bên Canada bất ổn, đơn hàng lao động cho ngành nông nghiệp chưa có. Nếu anh muốn chuyển sang ngành xây dựng sẽ nhanh được đi hơn và phải nộp thêm 2000 USD.
Công ty bảo chuyển ngành phải nộp thêm 2000 USD, chúng tôi đồng ý ngay, kể cả là 5000 USD nhưng phải làm giấy cam đoan thì Công ty không đồng ý. Nguyện vọng của tôi chỉ muốn được đi XKLĐ để kiếm tiền trả khoản nợ mà mình đã vay, cũng như nuôi hai đứa con đang ăn học”, anh Việt trình bày.
Theo bà Đặng Thị Thanh, trong danh sách hơn 20 người học ngoại ngữ cùng con trai bà từ năm 2013 đến nay, chưa ai trong số này được đưa đi sang Canada như Công ty Việt Nhật đã cam kết. “Đến nay, có người đã nộp 130 triệu nhưng cũng không lấy được tiền và chúng tôi chưa được phía Công ty ký bất kỳ hợp đồng nào liên quan đến việc XKLĐ. Chúng tôi thật sự lo lắng về khoản tiền đã nộp vào công ty và cách trả lời vòng vo của bà Hoa”, bà Thanh bức xúc.
Để làm rõ thông tin hai chiều mà bạn đọc phản ánh, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội đã liên lạc với bà Ngô Thảo Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Nhật thì bà Hoa tỏ ra thái độ thách thức.
“Các anh muốn làm thế nào thì làm. Còn các anh thông tin không đúng sự thật thì lên làm việc ở Tổng cục 1 nhé”, bà Hoa trả lời.
Trả lời Báo GĐ&XH, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, từ năm 2010 đến nay, thị trường lao động ở Canada không được cấp phép bất kỳ đơn hàng nào.
“Ngoài ra, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển dịch vụ Việt Nhật không có trong danh sách những công ty được cấp phép đưa người lao động ra nước ngoài. Nếu có hiện tượng như báo phản ánh, người lao động nên trình báo lên cơ quan công an kinh tế”, đại diện Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho biết.
10 điểm khác biệt của giáo dục Nhật Bản khiến thế giới phải học hỏi
Trẻ em Nhật Bản hoàn toàn không phải tham dự các kì thi cho đến khi lên 10 tuổi vì họ tin rằng trước đó là thời gian để dạy trẻ về cách cư xử chứ không phải là kiến thức.