Nhật Bản bỏ Tết âm lịch như thế nào

Có một dân tộc Đông Á nhưng không đón Tết nguyên đán âm lịch, đó là dân tộc Nhật Bản.

Nhật dịp xuân mới âm lịch, mời độc giả nghe học giả Đỗ Thông Minh, một nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ sống rất lâu tại Nhật Bản cho biết một số điều xung quanh việc người Nhật bỏ Tết âm lịch hơn 100 năm trước đây.

Người dân Nhật đón năm mới dương lịch tại Đền Minh Trị, Tokyo. 1/1/2019.

Người dân Nhật đón năm mới dương lịch tại Đền Minh Trị, Tokyo. 1/1/2019.

Học giả Đỗ Thông Minh: Họ là một quốc gia Đông phương nên cũng có ngày Tết ta. Rồi tiếp xúc với phương Tây họ có thêm ngày nữa thành ra hai ngày Tết âm lịch và dương lịch như chúng ta vậy. Nhưng tới thời Minh Trị Thiên Hoàng, lên ngôi năm 1868, tức trước trận Mậu Thân của mình đúng một thế kỷ, nói vậy để dễ nhớ, và năm năm sau, tức 1872, với trào lưu đổi mới, canh tân để đuổi theo Tây phương, họ thấy hai cái Tết như vậy lộn xộn. Hồi đó người Nhật đã mạnh hơn mình nhiều trong chuyện giao dịch quốc tế, hết Tết tây rồi lại Tết ta, nó trở ngại, với lại hai cái giao dịch nó gần nhau quá, đâm ra nó phí thì giờ. Thế là người Nhật bèn đổi, nhập hai cái Tết làm một. Mà bây giờ cuộc sống của mình không còn ảnh hưởng mặt trăng nhiều nữa, nên cái âm lịch không còn ảnh hưởng nhiều mà vấn đề là hội nhập với trào lưu thế giới. Nhưng phong tục Tết họ không đổi, mà chỉ dời ngày thôi.

Cho tới ngày hôm nay vậy là người Nhật đã đổi 146 năm rồi. Trên lịch của Nhật chỉ còn ngày tây, và không còn người Nhật nhắc đến Tết ta nữa cả.

Kính Hòa RFA: Trong hơn 100 năm đó thì có khi nào người Nhật tiếc nuối những ngày tháng cũ đó không, vì ta biết họ cũng là một dân tộc rất trọng truyền thống?

Học giả Đỗ Thông Minh: Bất cứ quốc gia nào cũng có sự tranh chấp giữa mới và cũ. Thành ra ban đầu tôi nghĩ là người Nhật cũng tranh cãi dữ lắm. Như Việt Nam mình bây giờ mỗi năm tới Tết, thì cứ rộ lên chuyện có nên đổi hay không.

Một trong những người nêu ý kiến này là ông Võ Tòng Xuân. Ông học nông nghiệp bên Phi Luật Tân, nhưng có thời gian sang Nhật nghiên cứu trình luận án tiến sĩ về nông nghiệp. Ông cũng là đại biểu quốc hội, và có vài lần ông đưa vấn đề này lên. Nhưng dường như một số trí thức khác của Việt Nam cho rằng âm lịch nó đã thấm vào mình thì vậy nó mới có không khí Tết, chứ ăn tết dương lịch thì nó không có không khí tết. Mình còn đi đôi với nào là ông táo về trời, giao thừa, lễ lạt đủ thứ hết, mà đổi thì nó tréo cảng ngỗng, đổi sẽ khó.

Vấn đề ở đây là quán tính văn hóa. Nhật cũng biết điều đó, họ cũng rất bảo thủ chứ không phải không. Nhưng trước trào lưu đuổi theo Tây phương, để hòa nhập và tiến bộ, cho nên họ dứt khoát, mặc dù lúc đầu cũng có dư luận phản đổi dữ lắm.

Nhưng đã một thế kỷ rưỡi rồi, khoảng tám thế hệ rồi, người Nhật không còn ai quan tấm đến chuyện đó hết.

Kính Hòa RFA: Là một người Việt Nam, có kinh nghiệm với người Nhật, sống ở Nhật rất lâu năm, thì theo ông với tình hình Việt Nam hiện tại, xã hội Việt Nam hiện tại thì việc đổi sang một cái tết duy nhất là dương lịch thì chúng ta sẽ được lợi gì? Không lợi gì?

Học giả Đỗ Thông Minh: Đối với một vấn đề văn hóa lớn của dân tộc như vậy thì nó có nhiều cách nhìn, có lợi hay không lợi, và chúng ta có chứng minh của nước Nhật rồi. Vấn đề nhưng chúng tôi trình bày lúc nãy, đó là quán tính văn hóa. Bây giờ nếu mà hỏi thì chúng tôi nói rằng hai cái tết nó như vậy, nghỉ nhiều, mà trong thời gian nghỉ không giao dịch quốc tế được.

Việt Nam lại có vấn đề giao thông rất là hỗn loạn, tai nạn lúc tết nhiều lắm.

Đón Tết âm lịch tại phố Tàu Yokohama. 2017.

Đón Tết âm lịch tại phố Tàu Yokohama. 2017. AFP

Thành ra nói về cái lợi thực dụng thì nên đổi, nhưng mà về mặt văn hóa thì phải có thời gian để chuẩn bị tin thần. Mà cái thay đổi này nó là quán tính văn hóa, nó là một khía cạnh trong nhiều vấn đề của người Việt. Tôi cho rằng nếu mà đổi được thì nó cũng là một cái kích thích để đổi nhiều cái tư duy, cái văn hóa khác.

Việt Nam mình thấy cái gì không lợi thì nên đổi, chứ nếu ôm khư khư cái quán tính văn hóa thì sự vươn lên của xã hội mình khó bắt kịp thế giới.

Kính Hòa RFA: Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, ví dụ như ở Mỹ, hai kỳ lễ Tạ ơn và Giáng sinh rất gần nhau. Và theo một số phân tích thì lễ lạt cũng là dịp mua sắm, kích thích kinh tế. Vậy nếu chúng ta giữ hai kỳ lễ Tết theo hướng đó thì sao?

Học giả Đỗ Thông Minh: Vâng chắc chắn. Như chúng tôi đã nói, một vấn đề lớn luôn có cái lợi, cái hại. Cái hại là nghỉ nhiều, sức sản xuất chắc chắn là xuống rồi, rồi tai nạn nữa. Nhưng mà kích thích nền kinh tế bằng mua sắm cũng có nữa.

Thì mình có kinh nghiệm Nhật Bản, họ cũng y như mình thôi. Ở Nhật vào dịp tháng năm họ nghỉ rất dài đến 10 ngày, với nhiều cái lễ dính liền nhau.

Vấn đề làm việc và nghỉ là một sự quân bình cho thương trường. Khi xã hội thay đổi thì sự sắp xếp, cơ cấu, bên sản xuất và bên tiêu thụ phải thích ứng. Giống như ngày xưa buôn bán trao tay, bây giờ online, internet hết.

Kính Hòa RFA: Hôm nay là đúng mùng một Tết âm lịch, đứng ở Nhật, một nơi bỏ Tết âm lịch lâu lắm rồi, ông có nhớ không khí Tết âm lịch Việt Nam không?

Học giả Đỗ Thông Minh: Thật ra bên Nhật vẫn có không khí Tết âm lịch vì có ba khu phố Tàu, Yokohama, Kobe, và Nagasaki. Và phố Tàu bên Nhật có đặc điểm là rất sạch sẽ. Nói đến phố Tàu ta nghĩ đến dơ, nhưng sống với Nhật thì không dơ được.

Họ là phố Tàu, họ ăn hai cái tết. Rồi một số người Nhật cũng vui chơi. Người Nhật đốt pháo bông vào mùa hè, còn Tết thì họ lắng mình với thiên nhiên, về quê thôi. Thành ra Tết thì âm thầm vắng lặng chứ không rộn ràng như mùa hè. Mùa hè đốt pháo bông lớn lắm. Đối với người Nhật thì Tết âm thầm thôi, nhưng nếu thích rộn ràng thì xuống phố Tàu.

Phố Tàu đón tết tây theo Nhật rồi làm tết ta luôn. Cộng đồng người Việt chúng ta hay cộng đồng người Hoa tại đất Nhật cũng ăn hai cái tết. Người Nhật chỉ một thôi.

Kính Hòa RFA: Tức là nhà của học giả Đỗ Thông Minh vẫn có bàn thờ gia tiên trong mấy này này phải không ạ?

Học giả Đỗ Thông Minh: Thực ra mình ở hải ngoại thì bàn thờ gia tiên không đến như vậy đâu, nhưng nhà mình có thờ ông cụ bà cụ chút xíu, tết có làm cái mâm chút xíu. Mà cộng đồng mình bên đây nhỏ lắm, có tổ chức Tết ta nhưng mà năm nay lại rơi vào thứ ba, không được nghỉ nên không làm lớn được.

Lâu rồi không có những hội Tết tưng bừng như ở Mỹ, mà chỉ có những nhóm nhỏ tụ tập tại nhà thôi. Rồi nó cũng trôi qua âm thầm, một ngày như mọi ngày.

Kính Hòa RFA: Rất cám ơn học giả Đỗ Thông Minh đã góp lời cho mùa xuân năm nay, kính chúc ông một năm mới, dù ở trên đất Nhật vẫn có một không khí tết như ở Việt Nam vậy.

Theo: rfa.org

Tags:
7 loài hoa thu hút khách du lịch ở Nhật Bản

7 loài hoa thu hút khách du lịch ở Nhật Bản

Nhật Bản có nhiều loài hoa đẹp nở quanh năm nên đang trở thành sự lựa chọn số 1 cho những tín đồ yêu hoa.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất