Đôi giày nhỏ của người Nhật và câu chuyện tặng cho người Việt

Dù không vô địch Asian Cup 2019 nhưng cuộc chạm trán giữa Nhật Bản với Việt Nam vẫn nóng hổi với câu chuyện về đôi giày nhỏ mà bóng đá Nhật Bản tặng cho cầu thủ Việt Nam.

Chúng ta đã nghe về câu chuyện được kể cách đây 60 năm, người Nhật khi sang Việt Nam giao lưu bóng đá đã tặng cho cầu thủ Việt Nam thuở ấy mỗi người một đôi giày thi đấu nhỏ tượng trưng. Đó là vật kỷ niệm đánh dấu mối quan hệ giữa 2 làng bóng. Khi đó, bóng đá Nhật Bản không bằng Việt Nam.

Chuyện diễn ra đã rất lâu nhưng mãi đến khi cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang và cựu thủ môn Phạm Văn Rạng gặp nhau mới kể lại thì nó mới trở thành giai thoại. Tuy nhiên, chưa ai từng thấy đôi giày nhỏ của người Nhật tặng khi đó hình thù như thế nào. Vì sao họ lại tặng đôi giày nhỏ?

Doi giay nho cua nguoi Nhat va cau chuyen tang cho nguoi Viet hinh anh 1

Danh thủ một thời Hồ Thanh Cang (trái) trở lại sân Thống Nhất. Ảnh: Lê Minh.

Gặp gỡ “con ngựa bất kham” Hồ Thanh Cang

Để có cơ hội chiêm ngưỡng đôi giày nhỏ từng đi vào câu chuyện lịch sử giữa hai nền bóng đá, Zing.vn tìm đến nhà cựu danh thủ Hồ Thanh Cang, chân sút một thời của bóng đá Việt Nam những năm 1950 và 1960. Ông là một trong số ít người còn lưu giữ những kỷ vật quý giá, không riêng gì đôi giày nhỏ.

Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang là một tay săn bàn nhưng ông không phải là một tiền đạo. Người thời ấy thường nói ông là một sát thủ trên sân bóng. “Tôi chạy gần như là khắp sân và ghi những bàn thắng quan trọng”, ông nói. Khi đó, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể nói rõ ràng về vị trí và sơ đồ.

Vì chạy không biết mệt, ghi bàn không ai cản nổi nên báo chí thời đó còn ví von Thanh Cang với biệt danh “con ngựa bất kham”. Hồ Thanh Cang khi đó dễ nhận ra với mái tóc bồng bềnh, lãng tử và dáng người luôn hướng về phía trước không lẫn vào đâu được.

Doi giay nho cua nguoi Nhat va cau chuyen tang cho nguoi Viet hinh anh 2

Ảnh tư liệu về cầu thủ Hồ Thanh Cang trong trận đấu trên đất Nhật Bản. Ảnh: Lê Minh.

Giờ đây ở tuổi 76, tiền đạo lừng lẫy một thời vẫn đều đặn ra sân mỗi tuần từ 1 đến 2 trận. Cựu cầu thủ của Hải Quan một thời tập trung một số người bạn và thường xuyên đá giao hữu và làm từ thiện. Ở tuổi gần 80, hiếm thấy có ai còn thi đấu như ông Hồ Thanh Cang. Ông nói: “Trừ khi gặp mấy đứa trẻ đá rát quá thì tôi xin ra thôi chứ bình thường mình vẫn thi đấu tốt nhưng vẫn phải lưu ý sức khỏe một chút”.

Còn chơi đá bóng, tất nhiên ông Cang không thể bỏ qua những thành tựu của bóng đá nước nhà dưới thời ông Park Hang-seo. Trận đấu giữa Nhật Bản với Việt Nam ở tứ kết Asian Cup 2019 vừa qua khiến ông hồi tưởng lại một phần ký ức trong quá khứ, về đôi giày và lần chạm trán Nhật Bản ở TP.HCM.

Doi giay nho cua nguoi Nhat va cau chuyen tang cho nguoi Viet hinh anh 3

Đôi giày nhỏ mà cựu danh thủ Hồ Thanh Cang còn lưu giữ. Ảnh: Lê Minh.

Đôi giày nhỏ và ý nghĩa của nó

Đã có những thứ thuộc về dĩ vãng, cũng có một phần hồi ức mà bản thân người đàn ông sinh năm 1943 không thể nhớ lại. Tuy nhiên, khi nhắc đến đôi giày nhỏ của người Nhật cũng như bối cảnh và ý nghĩa của nó thì ông Cang chưa bao giờ quên. Đôi giày được ông cất giữ khá kỹ trong tủ kính ở tầng 2.

Ông Cang trưng 2 đôi giày nhỏ trong tủ, một đôi đã cũ và một đôi còn mới. Ông khẳng định đôi màu xanh lá cây chính là vật mà đại diện bóng đá Nhật Bản đã trao tặng mình và đồng đội. Mỗi chiếc giày chỉ to bằng ngón tay cái, và đúng là nó rất nhỏ nếu so với một đôi giày thi đấu bình thường.

Vừa cầm, cựu danh thủ Hồ Thanh Cang vừa nói: “Hồi đó, người ta tặng mình làm kỷ niệm. Họ nói rằng lần này tặng mình đôi giày nhỏ nhưng lần sau khi trở lại, họ sẽ tặng cho chúng ta những đôi giày lớn hơn. Ý của người Nhật là sau này bóng đá của họ sẽ phát triển hơn, mạnh hơn như đôi giày to”.

Bóng đá Nhật Bản khi đó mới phát triển nên còn khá èo uột, không thể so với bóng đá Việt Nam. Trận đấu giao hữu trên sân Thống Nhất năm 1959 đó, Nhật Bản thua trắng 3 bàn.

Doi giay nho cua nguoi Nhat va cau chuyen tang cho nguoi Viet hinh anh 4

Việt Nam phải dừng chân ở tứ kết Asian Cup 2019 khi thua Nhật Bản 0-1. Ảnh: Thuận Thắng.

Nhưng rồi 60 năm trôi qua, đôi giày nhỏ mà người Nhật tặng ông Hồ Thanh Cang vẫn còn đó nhưng bóng đá Nhật Bản đã khác xưa rất nhiều. Dù người Nhật chưa bao giờ trở lại với những đôi giày lớn để tặng Việt Nam như lời nói nhưng bóng đá Samurai giờ đây đã lớn mạnh thực sự. Chính Nhật Bản lúc này mới là thế lực ở châu Á. Họ đã thực hiện được mục tiêu năm nào còn giao hữu thua Việt Nam.

Bóng đá Nhật Bản từng phải nhìn bóng đá Việt Nam để làm gương, thì giờ đây, Nhật Bản đã trở thành hình mẫu phát triển để bóng đá Việt Nam noi theo. Câu chuyện bóng đá cũng vì vậy mà trở nên thú vị. Giờ đây, những người xưa giờ không còn nhiều nhưng thấy bóng đá Việt Nam phát triển như năm vừa qua là tín hiệu mừng, lạc quan về một tương lai giống như bóng đá Nhật Bản.

Theo: news.zing.vn

Tags:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất