Nhật Bản “biếu” tiền, cho không hơn 8 triệu ngôi nhà nhưng không ai thèm lấy
Thậm chí, trong một số trường hợp, chính quyền địa phương còn cung cấp tiền trợ cấp cho những người sẵn sàng phá bỏ những ngôi nhà này và xây dựng nhà mới, theo The Japan Times.
Nhật Bản đang cho không 8,2 triệu ngôi nhà bỏ trống nhưng không ai lấy. (Nguồn: CNBC)
Theo đó, mặc dù nhiều ngôi nhà có mặt trên thị trường, nhưng chúng đều là “akiya”, có nghĩa là những ngôi nhà trống, không có người ở. Trong khi một số ngôi nhà này đang được cho đi thì một số khác đang được rao bán với giá chỉ 4 USD.
Hơn nữa, theo Business Insider, những người không sống tại Nhật Bản cũng có thể mua những ngôi nhà này mà không cần thị thực cư trú, mặc dù việc mua bán sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu như người đó cư trú tại Nhật hoặc ít nhất đã làm việc ở nước này.
Trong số những akiya này, nhiều ngôi nhà bị đổ nát vì bị xây dựng kém chất lượng trong thời kỳ bùng nổ nhà ở sau chiến tranh vào những năm 1960. Các ngôi nhà được xây với những nguyên vật liệu đúc sẵn này có tuổi thọ chỉ từ 20 đến 30 năm, theo tờ The Guardian. Một số trong số chúng còn được xây dựng trên vùng đất dốc, khiến chúng càng dễ xuống cấp hơn.
Nhưng có những lý do quan trọng hơn để lý giải cho việc tại sao không ai muốn mua những “akiya” này.
Dân số Nhật Bản đang bị thu hẹp. Các nhà nghiên cứu dự đoán Nhật Bản đã mất khoảng 16 triệu công dân trong hơn hai thập kỷ. Người dân nước này cũng đang có xu hướng già hơn, có nghĩa những người trẻ tuổi cố gắng mua nhà sẽ ít đi, đặc biệt là mua nhà ở khu vực ngoại ô hoặc nông thôn.
Đáng nói, hiện tượng này đang chuyển dần sang khu vực thành thị. Tờ The Japan Times cho biết, hơn 1 trong 10 ngôi nhà ở thủ đô Tokyo hiện đang trống.
Mặc dù nhu cầu về nhà ở tại các thành phố luôn luôn có, nhưng thị trường bất động sản tại Nhật Bản luôn khuyến khích việc phá hủy các tòa nhà. Nguyên nhân là bởi thuế tài sản của một ngôi nhà nhiều hơn gấp 6 lần so với một bãi đất trống.
Tuy nhiên, ở Nhật Bản, việc mua một ngôi nhà từng xảy ra một vụ giết người, tự sát hoặc có người ra đi trong cô độc được coi là một việc xui xẻo. Do đó, nhiều người muốn từ bỏ những ngôi nhà bị tẩy chay này hơn là mua chúng.
Một vài người môi giới nhà ở đã bỏ qua vấn đề mê tín này bằng cách thực hiện các nghi lễ và kết hợp phong thủy vào việc cải tạo lại ngôi nhà. Nhưng đối với nhiều chủ sở hữu, những ngôi nhà này đơn giản là không đáng để đầu tư.
Nguồn: Dân trí
Tại sao người Nhật Bản lại luôn cúi đầu?
Cái cúi đầu của người Nhật không chỉ đơn thuần là một cử chỉ giao tiếp mà nó còn trở thành một trong những nét đặc trưng nhất của nền văn hóa dân tộc, với những ý nghĩa sâu sắc và tinh tế.