Người dân Nhật khóc tại phát biểu năm mới cuối cùng của Nhật hoàng

Nhật hoàng Akihito có bài phát biểu chúc mừng năm mới cuối cùng trên cương vị người đứng đầu hoàng gia Nhật Bản vào ngày 2/1/2019. Ông sẽ thoái vị vào tháng 4.

AFP dẫn thông báo của cung điện hoàng gia Nhật Bản cho biết khoảng 72.000 người đã xuất hiện để có cơ hội nhìn thấy lần cuối cùng bài phát biểu năm mới truyền thống của vị vua 85 tuổi.

Rất nhiều người tiếp tục đổ về khu vực này trong khi bài phát biểu đang diễn ra. Đã có người rơi nước mắt khi nghe bài phát biểu.

Akihito là vị hoàng đế đầu tiên trong vòng 200 năm qua thoái vị ở Nhật Bản. Lễ thoái vị sẽ diễn ra vào ngày 30/4, đánh dấu sự kết thúc triều đại Heisei (Bình Thành) kéo dài 30 năm.

Trước hàng nghìn người dân Nhật Bản, Hoàng đế Akihito phát biểu rằng ông "hạnh phúc vì được ăn mừng năm mới với các bạn dưới bầu trời trong xanh. Vạn tuế!".

"Tôi cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc của mỗi người dân đất nước ta và thế giới", Nhật hoàng phát biểu, ở bên cạnh là Hoàng hậu Michiko và các thành viên hoàng gia.

Nguoi dan Nhat khoc tai phat bieu nam moi cuoi cung cua Nhat hoang hinh anh 1

Nhật hoàng Akihito vẫy tay chào người dân trong bài phát biểu mừng năm mới cuối cùng trong triều đại của ông. Từ trái sang: Công nương Masako, Thái tử Naruhito, Hoàng đế Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Reuters.

Bài phát biểu năm mới của Nhật hoàng là một truyền thống diễn ra thường niên. Riêng trong ngày 2/1, hoàng đế sẽ xuất hiện tổng cộng 5 lần trước công chúng để đưa ra nhiều lời chúc tốt đẹp nhất có thể.

Một vài người trong đám đông hô vang "cảm ơn ngài rất nhiều" khi hoàng đế vẫy tay chào, trong khi những người khác thì đồng thanh hát quốc ca Nhật. Một người phụ nữ ở phía trước đã bật khóc.

Yume Nishimura, một sinh viên, nói rằng: "Tôi đến đây với mẹ mình để khắc vào tâm trí lần cuối cùng ngài ấy xuất hiện với tư cách là hoàng đế". Cô gái này cũng cho biết mình đã phải xếp hàng rất lâu để được vào bên trong khuôn viên cung điện.

"Tôi muốn nói với ngài ấy rằng chúng tôi hết sức trân trọng những việc mà ngài đã làm được cho đất nước", Yume trả lời phóng viên AFP.

Kazuo Iwasaki, một người cao tuổi có mặt tại buổi lễ, cho biết: "Tôi hy vọng ngài ấy có thời gian nghỉ hưu khỏe mạnh và thư thái bên cạnh Hoàng hậu Michiko".

Nhật hoàng Akihito gây sốc cho người dân Nhật Bản khi thể hiện mong muốn thoái vị của mình vào năm 2016, với lý do tuổi tác và sức khỏe không còn đảm bảo để có thể phục vụ đất nước một cách tốt nhất.

Con trai lớn của Nhật hoàng và Hoàng hậu Michiko, Thái tử Naruhito sẽ tiếp nhận ngai vàng Hoa cúc của hoàng gia Nhật một ngày sau lễ thoái vị của Hoàng đế Akihito. Thái tử Naruhito chuẩn bị bước sang tuổi 59 và sẽ trở thành người đứng đầu hoàng gia lâu đời nhất thế giới vào năm sau.

Ngôi vị hoàng đế là một chủ đề tương đối nhạy cảm ở Nhật Bản, cha của Nhật hoàng Akihito là Hoàng đế Hirohito bị gắn liền với hình ảnh nước Nhật trong Thế chiến 2.

Nhật hoàng Akihito đã làm rất tốt trong việc giữ một vai trò hiện đại, mang tính biểu tượng cho quốc gia trong khoảng thời gian sau Thế chiến 2. Những hoàng đế Nhật Bản trước đó, bao gồm cả Hirohito, đều được coi là á thần.

Trong một lần hiếm hoi bày tỏ cảm xúc trong sinh nhật lần thứ 85 của mình vào tháng trước, Nhật hoàng Akihito nhắc tới "vô số những mạng người" đã mất trong chiến tranh.

"Tôi cảm thấy thật sự an lòng vì triều đại Bình Thành kết thúc mà không có chiến tranh ở Nhật Bản", Nhật hoàng chia sẻ trong ngày sinh nhật.

Nguoi dan Nhat khoc tai phat bieu nam moi cuoi cung cua Nhat hoang hinh anh 2

Nhật hoàng và hoàng hậu đến thăm nạn nhân của thảm họa động đất và sóng thần tại Nhật Bản năm 2011. Sau khi thảm họa này diễn ra, Nhật hoàng và hoàng hậu có 7 tuần liên tục tới thăm các vùng bị nạn. Ảnh: Reuters.

Nhật hoàng Akihito dùng những chuyến công du và các bài phát biểu của mình để thúc đẩy quan điểm yêu hòa bình của hoàng gia Nhật, trái ngược với chủ nghĩa quân phiệt mà Nhật Bản theo đuổi dưới sự trị vì của cha ông trước năm 1945.

Hoàng đế Akihito cũng có nhiều nỗ lực để khiến cho hoàng gia Nhật Bản trở nên gần gũi hơn với người dân, ông thường xuyên đi thăm các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên.

Nguồn: news.zing.vn

Tags:
Dân Nhật vẫn không bỏ tục mừng năm mới truyền thống

Dân Nhật vẫn không bỏ tục mừng năm mới truyền thống

Dù đã chuyển sang mừng năm mới theo dương lịch hơn 100 năm, người Nhật vẫn giữ những nét truyền thống như dựng cây Kadomatsu đón Thần Năm mới, đi lễ chùa, treo bùa trừ tà Shimekazari,...

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất