Chuyện dở khóc dở cười của Việt Kiều: Dù đã trả hết tiền nhà thế quái nào vẫn còn vướng nợ ở Mỹ

Cô Phạm Thị Minh Trinh, cư dân thành phố Garden Grove cho biết mình “bị gạt” bởi cô đã trả hết tiền nhà khi mua, nhưng sau đó lại phát hiện ra căn nhà còn nợ ngân hàng số tiền $250,000.

Sự việc này đang được một số luật sư tham gia giải quyết. Tuy nhiên, như cô Trinh nói, “Đây là kinh nghiệm đau thương của người đi trước kể ra để cho người đi sau, nhất là những người ở Việt Nam mới sang, không rành luật lệ, sẽ không bị vấp như mình, đó là điều tôi suy nghĩ khi quyết định kể ra câu chuyện này.”

Ai là “agent”?

Cô Trinh sang Mỹ theo diện vợ chồng từ năm 2010. Tuy nhiên, do hai con riêng còn ở Sài Gòn nên thời gian cô ở Mỹ ít hơn ở Việt Nam, nên cô “không biết gì hết về luật lệ ở đây,” cô nói.

Năm năm sau, cô bảo lãnh được hai người con riêng sang đoàn tụ. Đây là thời điểm cô quyết định mua nhà “để mấy mẹ con ở cũng được hay cho thuê kiếm tiền cũng tốt.” Khi đó là Tháng 10, 2015.

“Qua bạn bè giới thiệu, tôi nhờ anh Tiến Dũng , là người mới có licence về mua bán nhà, giúp tôi tìm mua nhà. Tôi cũng có sự quen biết sơ sơ với anh Dũng. Tôi có nói tôi không biết gì hết về cách thức mua bán nhà ở đây nên mọi chuyện nhờ anh Dũng hướng dẫn, giúp đỡ. Anh Dũng nói tôi cứ yên tâm,” Trinh kể.

Trần Tiến Dũng là người mới có bằng “agent” một tháng trước khi làm người giới thiệu việc mua bán này, và làm việc dưới sự giám sát của văn phòng Superior Real Estate Group, Inc của ông Thomas Đào.

Theo giới thiệu của Dũng, Trinh đến xem và đồng ý mua một căn townhouse trên đường Pepperdine Lane, thuộc thành phố Garden Grove, do bà Stacy Trang-Anh Bùi đứng tên, với giá $350,000 và trả bằng tiền mặt. Căn nhà khi đó đang được cho người có “housing” thuê.

Tuy nhiên, từ khi đến xem nhà, rồi giao tiền, Trinh chỉ biết đại diện phía bán là cô Tina Trang Nguyễn.

“Lúc đó tôi hỏi anh Dũng chị Trang là chủ nhà hả, anh ‘ừ,” Trinh kể tiếp.

Trong khi đó, qua nói chuyện với phóng viên Người Việt, Dũng cho biết, “Tôi và chị Trang quen biết đã lâu, khi nghe tôi có bằng ‘agent’, chị Trang gọi tôi nói có một căn townhouse của bạn chị muốn bán, nếu ai muốn mua thì giới thiệu dùm.”

“Chị Trang có nói là ‘title’ của căn đó đang bị HOA (Homeowner Association) giữ vì chủ nhà còn thiếu tiền HOA nên chưa bán được. Chị nói Luật Sư Nguyễn Quốc Lân đang thụ lý hồ sơ đó để lấy lại ‘title’ cho chủ nhà,” Dũng kể với Người Việt.

Theo lời Dũng, “đúng lúc đó Trinh cũng muốn mua nhà đầu tư” nên anh giới thiệu căn đó cho Trinh và đưa Trinh đến gặp Trang.

Cô Tina Trang Nguyễn xác nhận với Người Việt rằng, “Tôi là người đại diện cho người bán nhà là chị Stacy Bùi.”

Cũng theo cô Trang, “Căn nhà đó có khúc mắc ở chỗ nó bị ‘foreclosured’ và chúng tôi nhờ Luật sư Nguyễn Quốc Lân lấy lại được, nên ‘title’ nhà đó đã ‘clean’ khi bán cho Trinh.”

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân cũng xác nhận với phóng viên rằng, “Tôi đại diện cho Tina Trang Nguyễn là chủ nhà của căn nhà này trước đó. Khi căn nhà bị HOA lấy do thiếu tiền ‘association’, tôi đại diện chủ nhà kiện HOA để lấy lại nhà.”

Theo lời Trinh, sau khi thỏa thuận giá cả và cách thức thanh toán, “chị Trang hẹn tôi hôm sau ra ngân hàng Wells Fargo trên đường Bolsa để chồng tiền.”

“Ngày đi chồng tiền, không có anh Dũng đi, vì anh nói bận việc nhà. Khi đến nhà băng, tôi có gọi cho anh Dũng, vì niềm tin tôi đặt ở anh, anh nói tôi cứ đi với chị Trang, cô ấy lo hết. Tôi hỏi đưa tiền cho chị ấy được không, anh nói được, không sao,” Trinh nhớ lại.

“Chị Trang nói do tôi giới thiệu Trinh đến nên nếu mọi chuyện mua bán suông sẻ thì tôi sẽ nhận được tiền gọi là ‘referral fee’. Và kể từ lúc đó Trang là người ‘take care’ Trinh trong mọi chuyện từ nhận tiền đến đưa đi làm giấy tờ. Trang là người đứng trung gian giữa người mua và người bán luôn. Khi đó tôi không có bất cứ giấy tờ hợp đồng nào với họ,” Dũng giải thích với phóng viên.

Tuy nhiên, Trang khẳng định, “Dũng là người agent dẫn Trinh đến giới thiệu mua nhà. Còn tôi là đại diện cho chị Stacy Bùi. Tôi hướng dẫn cho Trinh tại vì Dũng chưa rành việc.”

Mua nhà tiền mặt không qua “escrow”

Cũng theo Dũng, vì nghĩ là phần việc của mình đã xong, nên khi nghe hai bên làm giấy tờ mua bán, anh chỉ nhắc với Trang rằng “nhớ mở escrow đàng hoàng.”

Tiêu chuẩn của một giao dịch mua bán nhà là phải có sự tham gia của hai cơ quan bên ngoài, không phải bên bán, cũng không phải bên mua. Hai cơ quan này là “escrow” và “title.” Escrow là công ty đứng trung gian giữa người mua và người bán, làm công việc kế toán, giữ tiền của người mua, người bán, làm thủ tục để chi các khoảng tiền hợp lý cho hai bên, giữ tiền đặt cọc của người mua để làm thủ tục. Còn công ty title có nhiệm vụ tìm kiếm coi người chủ nhà còn có nợ gì liên quan đến căn nhà này không, rồi yêu cầu chủ phải trả nợ trước khi chuyển tên chủ quyền sang cho chủ mới. Mua nhà, dù trả bằng tiền mặt, vẫn cần qua hai công ty này.

Thế nhưng cuộc mua bán này đã không qua “escrow.”

“Trang nói với tôi và Trinh rằng, tiền Trinh sẽ bỏ vào ‘trust account’ của luật sư, luật sư sẽ dùng tiền đó trả nợ tiền HOA để lấy giấy tờ căn nhà về, phần còn lại sẽ chuyển cho chủ nhà, tức bạn của Trang là Stacy Bùi, để họ trả ‘pay off’ cho ngân hàng rồi sẽ chuyển title qua cho Trinh,” Dũng nhớ lại.

Cả Trinh và Dũng đều nói, “Khi nghe nói ‘trust account của luật sư’ thì ai cũng ngỡ là ‘trust account của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân’ vì Trang nói Luật Sư Lân đang thụ lý hồ sơ căn nhà đó.”

Trinh nói thêm, “không ai nói cho tôi biết ‘escrow’ là gì hết. Tôi cứ nghĩ như kiểu ở Việt Nam, là mình mua nhà, mình trả hết tiền cho người bán thì người bán đưa giấy chủ quyền nhà cho mình là xong.”

Trong khi đó, Trang cho rằng, “nhà này bán không qua escrow nhưng mỗi lần Trinh đưa tiền đều có ‘record.’ Chị Stacy vẫn ký giấy xác nhận có nhận đủ $350,000.”

Khi ra ngân hàng để giao tiền, Trinh kể tiếp, “Trang đưa cho tôi nguyên một cái sớ nói chuyển tiền cho người này người kia, số tiền là bao nhiêu, có cái thì chuyển thẳng từ tài khoản của tôi vào tài khoản của những người đó, có cái thì nói tôi mua ‘cashier check’ để chuyển, trong đó có chuyển một cashier check $30,000 cho Luật Sư Nguyễn Quốc Lân. Chị Trang cũng yêu cầu tôi đưa chị thêm gần $80,000 tiền mặt. Tổng số tiền cộng lại thì đủ $350,000.”

“Chị Trang yêu cầu sao tôi làm theo vậy. Sau khi giao tiền hết, thì chị Trang dẫn tôi lên city để làm giấy sang tên, đóng thuế gì đó. Tôi đâu có biết tiếng Anh, cũng không biết thủ tục gì hết. Thấy tờ giấy có tên mình đứng chủ nhà thì tôi yên tâm. Chị Trang nói hai tháng sau giấy ‘grant deed,’ ‘title’ chủ quyền gì đó sẽ gửi về nhà tôi,” Trinh kể.

Cũng theo lời Trinh, “chị Trang cũng đưa tôi đến gặp Luật sư Nguyễn Quốc Lân và giới thiệu tôi là người chủ nhà mới. Luật Sư Lân có đưa giấy gì đó kêu tôi ký vào.”

“Khi đó tôi nghĩ chắc Luật Sư Lân là người làm chứng giữa hai bên mua và bán, theo kiểu ở Việt Nam vậy,” Trinh nói.

Là người được nhắc đến trong vụ mua bán này, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân cho biết, “khi căn nhà này bị HOA lấy do thiếu tiền ‘association,’ tôi đại diện chủ nhà kiện HOA để lấy lại nhà. Khi lấy lại nhà thì tôi giúp lên ‘list’ bán. Trong quá trình đang lên list bán thì một người trong nhóm mà tôi đại diện có quen với cô Trinh Phạm, và họ thỏa thuận đồng ý bán. Tôi không biết chuyện đó. Tôi chỉ biết cô Trinh muốn mua căn nhà này, trả tiền mặt, pay off.”

“Việc tôi lấy lại nhà cho họ là xong công việc của tôi. Còn chuyện họ bán nhà đi để trả nợ hay gì là việc của họ, tôi không tham gia vào vụ mua bán này, vì nếu tôi làm thì tôi không làm vậy. Nhưng họ còn thiếu tôi ba chục ngàn tiền luật sư phí và một số chi phí khác. Khi họ bán nhà được thì họ phải trả tiền còn thiếu cho tôi. Do đó, tại sao trong số tiền bán nhà, họ có gửi cho tôi cái cashier check $30,000 là như vậy,” Luật sư Lân xác nhận

Căn townhouse ở Garden Grove cô Phạm Thị Minh Trinh mua bằng tiền mặt nhưng sau phát hiện còn nợ ngân hàng số tiền lớn. (Hình: Tina Đặng cung cấp)

“$350,000 của tôi đi đâu?”

An tâm, vui vẻ vì mua được nhà, mà nhà vẫn tiếp tục để cho “housing” thuê để có tiền hằng tháng, Trinh chờ đợi ngày giấy tờ nhà chính thức gửi về.

“Trong thời gian hai tháng đó, Trang ký cho tôi 2 cái check, mỗi cái $2,000, nói là tiền của người thuê nhà trả cho chị ấy, trong khi chờ chuyển qua tên tôi,” Trinh kể.

Trần Tiến Dũng, trong thời gian này, cũng nhận được tấm “personal check” $3,000 từ Trang, “đây là tiền ‘referral,’ tiền giới thiệu, chứ không phải tiền hoa hồng ‘commission’,” theo lời của Dũng.

Anh nói với phóng viên, “nhưng tôi nhận tiền này không phải tôi bỏ túi một mình, vì tôi làm việc dưới quyền anh Thomas Đào, cho nên tất cả tiền từ ‘real eastate’ ra, tôi đều phải đưa qua anh Thomas hết. Khi tôi mang check đó về cho anh Thomas thì anh ấy cũng nhận check, rồi cắt phần hoa hồng ra, xong ký một cái check của phía bên công ty, đưa lại cho tôi.” Thomas Đào là “broker” thuộc văn phòng Superior Real Estate Group, Inc., nơi Dũng Trần làm việc.

Trước mặt phóng viên và cô Tina Đặng, là người đại diện của Trinh, ông Thomas thừa nhận là có nhận tiền “referral” mà Dũng Trần mang về, vì “đó là qui định.”

Sau hai tháng chờ đợi không thấy giấy tờ nhà gửi về, Trinh gọi hỏi Trang thì được biết “tiền chuyển vô tài khoản ở ngân hàng Wells Fargo nhưng có vấn đề nên phải chờ.”

Trinh có đưa ra tờ “Promissory Note” (Giấy Nợ) nói “do Stacy Bùi ký xác nhận.” Trong đó cho biết bà Stacy đồng ý bán căn nhà với giá $350,000 và “Trinh Phạm đã trả đủ số tiền $350,000 vào ngày 25 Tháng Mười, 2015 bằng cách chuyển vào tài khoản ở ngân hàng Wells Fargo để chuyển đổi chủ quyền sang cho Trinh Phạm. Tuy nhiên, một vài sự rắc rối đã xảy ra trong quá trình giao dịch.” (Trích từ “Promissory Note”)

Cũng theo nội dung của tờ “Promissory Note” này thì đến ngày 15 Tháng Hai, 2016, bà Stacy sẽ trả hết số tiền còn nợ căn nhà.

Hiện tại, giấy tờ lưu trữ cho thấy, căn townhouse trên còn nợ ngân hàng $250,000 dưới tên Stacy Bùi, người đứng tên chủ quyền nhà là Phạm Thị Minh Trinh.

Nghĩ gì qua vụ buôn bán này?

Trần Tiến Dũng, người mà vai trò trong chuyện này vẫn còn là tranh cãi giữa bên mua và bên bán, nhìn nhận: “Đây là vụ đầu tiên của tôi trong lãnh vực này. Với tôi, đây là bài học lớn. Tôi nghĩ tất cả những cuộc mua bán nhà sau này của tôi đều phải theo đúng thủ tục thông thường, là qua ‘escrow,’ để đỡ nhức đầu.”

Trong vai trò là người “broker” của Dũng, ông Thomas Đào, thuộc văn phòng Superior Real Estate Group, Inc., ở lần đầu tiên khi phóng viên Người Việt gọi đến hỏi về câu chuyện này, cho rằng: “Tôi chưa biết đến chuyện này, đây là lần đầu tiên nghe.” Tuy nhiên, ông tỏ ra sốt sắng muốn tìm hiểu sự việc.

Lần thứ hai, ngay tại văn phòng mình, ông Thomas Đào nói: “Tôi không có mặt tại chỗ để nghe các bên hứa hẹn như thế nào, để có thể kết luận ai có lỗi trong vụ này. Tuy nhiên, tôi sẽ tham khảo thêm với luật sư của công ty để xem có thể giúp gì cho vụ này thì tôi sẽ cho biết.”

Với cô Tina Trang Nguyễn, người được phía cô Trinh Phạm nhắc đến nhiều nhất, thẳng thắn cho biế: “Lỗi là phía chúng tôi đã thất hứa trong việc trả tiền cho Trinh, nhưng đây không phải là một vụ lừa đảo.”

Cô Trang giải thích: “Chuyện Trinh đồng ý mua với giá $350,000 là chuyện của Trinh, còn chuyện chúng tôi muốn xài, muốn trả nợ như thế nào là chuyện của chúng tôi. Chỉ có vấn đề là cái nợ $250,000. Chúng tôi chỉ không đúng vì không giữ lời hứa trả tiền theo hẹn, chứ không hề có ý lừa đảo.”

Theo lời cô Trang, thì bên phía cô “có đưa cho Trinh $25,000 để trả tiền ‘mortgage’ hàng tháng trong khi chạy một cái ‘loan’ khác để ‘pay off’ căn nhà. Như vậy, tính ra căn nhà đó chỉ còn nợ $225,000.”

Trinh Phạm cũng xác nhận là phía Tina Trang có chuyển cho cô $25,000 nhưng, cô “không dùng đến số tiền đó trong thời gian luật sư giải quyết việc này. Còn thì mỗi tháng phải tự bỏ tiền túi ra để trả tiền mortgage vì sợ không trả sẽ bị mất nhà,” Trinh nói.

“Đến thời điểm này Trinh đâu phải là người bị mất tiền đâu, vì tiền mortgage chúng tôi cũng đã đưa, tiền cho thuê nhà Trinh vẫn lấy. Trinh chỉ bị thiệt hại tinh thần là tại sao đã trả tiền mà không được ‘pay off’ cái ‘loan’ đó thôi. Chừng nào Trinh trả ‘pay off’ nhà rồi mà vẫn bị kéo thì mới nói là chúng tôi lừa đảo. Chúng tôi vẫn đang chạy tiền mượn nợ để trả chứ không có ý lừa đảo, trốn chạy,” Trang khẳng định.

Chủ nhà Stacy Bùi thì nói với Người Việt, rằng “câu chuyện này đã có luật sư lo, chưa đi đến đâu hết cả. Muốn thì liên lạc với luật sư của tôi. Luật sư tôi tên Đạt.”

Chúng tôi gọi cho Luật sư Đạt, muốn nghe ý kiến của ông về câu chuyện này. Ông nói, “Tôi không có gì để nói hết. Muốn đăng thì đăng lên đi,” và “trong chuyện này, nhiều khi người nghĩ rằng mình phải mà nhiều khi họ trái. Chuyện này chưa ra tòa nên tôi chưa nói [với phóng viên] được.”

Luật sư Đạt nói thêm: “Nhưng mà, cô Stacy không có lỗi gì đâu.”

Khi hỏi tên đầy đủ, Luật sư Đạt cho biết là “Đặng Tiến Đạt.” Phóng viên hỏi thêm văn phòng luật sư ở đâu, ông nói, “Cô không cần phải biết nhiều hơn, cô chỉ cần biết tôi là luật sư Đạt là đại diện cho cô Stacy là đủ rồi.”

Phía Trinh Phạm cũng có luật sư tham gia giải quyết. Đến nay, theo lời cô Trinh, luật sư phí chi ra đã khoảng $10,000.

PV-Nguồn: Tổng hợp

Tags:
Sau 20 năm ‘du học’ trở về nước thì cha đã mất không kịp nhìn mặt con lần cuối, chàng trai quỳ khóc trước mẹ vì biết bao tủi hờn

Sau 20 năm ‘du học’ trở về nước thì cha đã mất không kịp nhìn mặt con lần cuối, chàng trai quỳ khóc trước mẹ vì biết bao tủi hờn

Năm 18 tuổi, tôi là một chàng trai nhỏ con và thấp bé hơn tất cả bạn bè cùng trang lứa. Bố tôi làm lái xe cho một cơ quan Nhà nước, mẹ làm giầy vải Thượng Đình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất