Sau 20 năm ‘du học’ trở về nước thì cha đã mất không kịp nhìn mặt con lần cuối, chàng trai quỳ khóc trước mẹ vì biết bao tủi hờn
Đồng lương công chức của bố mẹ chẳng được bao nhiêu nên mâm cơm của gia đình tôi lúc nào cũng chỉ đạm bạc đĩa rau, miếng đậu, lâu lâu mới được một bữa có cá thịt. Cuộc sống tuy thiếu thốn nhưng bình yên. Tuổi thơ của hai anh em tôi trôi qua thật yên ả trong tình yêu thương của bố mẹ, cùng những trò chơi bắn bi, trốn tìm và trận cười sảng khoái…
Một ngày nọ, bố trở về nhà và thông báo rằng cơ quan có chỉ tiêu cho con em đi du học nước ngoài và bố đã đăng ký cho tôi. Lúc ấy, trông tôi rất còi cọc và ốm yếu. Mẹ sợ con trai không đủ điều kiện xuất ngoại nên gắng tiết kiệm tiền, chiều nào cũng dẫn tôi ra cửa hàng trứng vịt lộn “tẩm bổ”.
Nhà tôi ở trong một con hẻm nhỏ, ngày ấy Hà Nội còn nghèo, không có được sung túc và phồn hoa như bây giờ. Em trai tôi nó cũng bé xíu chẳng khác gì tôi nhưng chiều nào cũng chỉ biết ngồi từ xa nhìn tôi ăn mà thòm thèm. Mẹ đâu có đủ tiền mua trứng cho cả hai đứa. Tôi biết nó thèm lắm, mỗi lần đi học đều rất đói, nhưng chỉ tôi được “đặc cách” để xuất ngoại.
Nhờ bàn tay chăm sóc của mẹ, cuối cùng tôi đã đủ cân nặng để đi nước ngoài. Ngày đó, tôi đi du học Tiệp Khắc. Cuộc sống những năm đầu sinh viên không có gì đặc biệt. Tôi ở trong ký túc xá và không đi ra ngoài nhiều. Hằng ngày tôi chỉ vùi đầu vào sách vở và đến giảng đường, hy vọng học thành tài để tìm một công việc tốt đỡ đần cha mẹ nuôi em.
Tôi đã rất lỗ lực để học tập.
Thế nhưng, thay đổi bất ngờ ập đến khi chúng tôi chuẩn bị tốt nghiệp. Đất nước này chuyển từ Xã hội chủ nghĩa sang tư bản Cộng hòa Séc. Hầu hết các công ty, nhà máy buộc phải đóng cửa. Những sinh viên mới tốt nghiệp như chúng tôi không tìm được việc làm, tự dưng bơ vơ nơi đất khách quê người. Ước mơ hỗ trợ gia đình bỗng chốc tan biến, cùng cực túng quẫn, cũng không có tiền để trở về Việt Nam, nhớ bố mẹ, thương em… Tôi quyết tâm đi lang thang tìm việc, việc gì cũng làm, miễn là có chỗ ở và đủ tiền ăn.
Chật vật mãi tôi mới tìm được công việc dọn chuồng ngựa cho một chủ trang trại. Hằng ngày, tôi thức dậy từ lúc trời còn chưa sáng, dọn sạch sẽ những đống phân ngựa của đêm hôm qua. Sau khi lót dạ một chiếc bánh mỳ, tôi lại tiếp tục công việc của mình đến tận đêm khuya mới nghỉ tay.
Tôi dọn chuồng ngựa từ sớm đến khuya.
Nhiều lúc nghĩ đến những ước mơ thời sinh viên, những dự định làm giàu ấp ủ bấy lâu, tôi không sao cầm được nước mắt. Càng nghĩ càng thương bố mẹ, thương những ngày mẹ và em nhịn đói để tôi ăn, thương bố tăng ca về muộn để kiếm thêm chút tiền mua trứng. Những ký ức đó nó cứ ùa về làm lòng tôi quặn thắt lại. Tôi nhớ bố mẹ, nhớ em, nhớ tuổi thơ êm đềm bên gia đình, nhớ Hà Nội, nhớ Việt Nam…
Tôi tự hứa với mình: phải làm có tiền để gửi về cho bố mẹ. Tôi xin làm thêm công việc chăn bò và dọn dẹp trang trại. Mỗi ngày, sau khi trở về, tôi cố gắng tắm thật sạch sẽ nhưng cái mùi hôi hám vẫn cứ ám trên người, đi cả vào giấc ngủ.
Tiết kiệm được một số vốn nhỏ, tôi tìm cách sang Đức. Chẳng bao lâu, số tiền đã cạn kiệt, tôi vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với ngành học nên đành xin lau chùi và rửa bát thuê cho một nhà hàng. Tôi đã không còn đủ niềm tin sẽ tìm được một công việc tốt nữa, chỉ mong có thể kiếm đủ tiền duy trì cuộc sống và gửi một chút về cho gia đình.
Tôi xin lau chùi và rửa bát thuê cho 1 nhà hàng.
Biết bố mẹ sẽ lo lắng, em trai sẽ buồn, tôi chọn cách im lặng, giấu nhẹm đi những cơ cực khó khăn và gặm nhấm nỗi cô độc một mình. Bạn bè bắt đầu lần lượt lấy vợ hết, riêng tôi vẫn sống một mình. Tôi không có điều kiện tốt để lấy một cô vợ người Đức, còn nếu lấy một người vô gia cư như tôi nữa thì khó khăn sẽ còn nhân lên gấp bội.
Thấm thoắt đã 20 năm trôi qua, tôi vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà. Khi phố đã lên đèn, mọi người về sum họp bên gia đình, tôi lại nhớ bố mẹ và em đến trào nước mắt. Tôi nhớ tiếng cười đầm ấm trong mỗi bữa cơm, nhớ những nồi ngô luộc còn nghi ngút khói…
Càng nhớ tôi lại càng thương cha mẹ. Cả cuộc đời, họ dãi nắng dầm sương, làm thuê làm mướn, chắt chiu từng đồng nuôi chúng tôi ăn học. Một mình ở chốn xa xứ, những kỷ niệm tuổi thơ là điều duy nhất truyền động lực giúp tôi cố gắng, mạnh mẽ sống tiếp.
Trời không phụ lòng người, cuối cùng, tôi cũng có quốc tịch Đức và trở thành công nhân trong một nhà máy sản xuất thực phẩm. Cuộc sống có phần ổn định, bớt lênh đênh và sóng gió hơn. Tôi càng quyết tâm làm việc chăm chỉ, có thêm tiền gửi về cho bố mẹ xây nhà mới, phụ giúp chú em kinh doanh.
Cuối cùng, tôi cũng có quốc tịch và được làm công nhân nhà máy.
Một ngày nọ, mẹ gọi điện báo rằng bố lâm bệnh nặng. Tôi vội vã trở về, nhưng bố không qua khỏi và đã ra đi trước khi được gặp mặt đứa con bất hiếu này lần cuối.
Bao nhiêu tủi hờn bấy lâu ùa về. Tôi thương bố một đời lam lũ, đến lúc bệnh cũng không dám báo với con vì muốn nó an tâm làm việc. Cả đời ông phải sống trong căn nhà cấp 4 chật chội ẩm thấp, vẫn luôn ao ước có một nơi ở đàng hoàng. Nay mong muốn đó đã thành sự thật, nhà cửa mới xây lại khang trang chưa được bao lâu thì…
Ngày tôi trở lại Đức, mẹ ôm tôi rất lâu, dặn dò đủ thứ .Tôi chỉ im lặng nhìn những nếp nhăn và vết đồi mồi trên khuôn mặt gầy gò của mẹ mà nuốt nước mắt vào trong. Tạ ơn mẹ vì biết bao điều tôi chưa bao giờ nói hết, tạ ơn mẹ vì đã làm tất cả vì tôi…
Hãy sống thiện lương, dù có điều gì xảy ra.
Tôi nhất định sẽ sống trưởng thành và hạnh phúc. Dù khó khăn hay nhọc nhằn đến mấy, tôi cũng sẽ làm một người tốt đáng để mẹ tự hào, giống như lời mẹ dặn khi chuẩn bị lên máy bay, từ 20 năm trước cho đến bây giờ vẫn câu nói ấy:
Dù có chuyện gì xảy ra, hãy luôn sống lương thiện, con nhé.
Viethome (theo Đại Kỷ Nguyên)
Nếu bạn là người không chịu được lạnh, hãy lưu ý để tránh những vị trí này trên máy bay
Nếu bạn là người không chịu được lạnh, hãy lưu ý để tránh những vị trí này trên máy bay, theo lời khuyên của một tiếp viên.