Khám phá thị trấn độc đáo ở Nhật Bản, nơi chính quyền cho tiền để các cặp đôi sinh con
Khi Katsunori và Kaori Osaka có đứa con đầu lòng, lúc đó họ đang sống trong một căn hộ chật chội ở Nagoya, một thành phố có hơn 2 triệu dân ở miền trung Nhật Bản.
Gia đình Katsunori (người chồng) và Kaori Osaka (người vợ)
Giống nhiều cặp vợ chồng trẻ khác, họ đã cố gắng nuôi con nhưng đã có lúc họ nhận ra rằng, cuộc sống mưu sinh và nuôi con ở thành phố lớn quả thực quá sức với họ. Mọi thứ đều đắt đó và rất khó nuôi con với đồng lương ít ỏi.. Cuối cùng họ đã chuyển về vùng nông thôn để sống.
Katsunori chia sẻ: "Khi mọi người ở độ tuổi 20-30, họ thực sự không đủ khả năng tài chính để sống trong một không gian lớn hơn tại thành phố. Chúng tôi biết rằng, nếu muốn có nhiều con hơn, chúng tôi sẽ không thể làm được điều đó".
14 năm sau, hai vợ chồng chuyển đến Nagi, nơi Katsunori sinh ra và lớn lên. Thị trấn nông nghiệp ở phía tây Nhật Bản này giờ đây đã trở thành điểm sáng trong nỗ lực tăng tỷ lệ sinh ở Nhật Bản
Với dân số chỉ khoảng 6 ngàn người, Nagi gần như khác xa so với Nagoya. Nơi đây không gian sống thoải mái và ít người hơn, đủ không gian để các cặp vợ chồng có thể nuôi dạy trẻ. Nhưng đây không hẳn là lợi ích duy nhất mà họ được hưởng. Chính quyền thị trấn Nagi thậm chí còn trả tiền cho các cặp vợ chồng nếu họ tích cực đẻ con.
Họ sẽ nhận được khoản tiền 879 USD cho đứa con đầu lòng, tiếp đó là 1.335 USD cho đứa thứ hai và khoảng 3.518 USD cho đứa thứ năm chào đời.
Chính sách thu hút trên của Nagi đã bắt đầu áp dụng từ năm 2004. Không những vậy, Nagi còn ban hành các đặc quyền như trợ cấp, tiêm chủng miễn phí, học phí để kích thích các gia đình sinh thêm con, thúc đẩy tỷ lệ sinh trong bối cảnh dân số Nhật ngày càng già đi.
Trong khu phố nơi Osakas sinh sống, hầu hết các cặp vợ chồng đều có ba con hoặc nhiều hơn. Điều này khiến Nagi thực sự là một điểm nhấn vô cùng khác biệt trong bức tranh tăng dân số của nước Nhật.
Từ năm 2005 đến 2014, tỷ lệ sinh của thị trấn đã tăng gấp đôi từ 1,4 lên 2,8. Từ đó đến nay, tổng tỷ suất sinh của Nagi đã giảm nhẹ xuống 2,39 nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn nước Nhật là 1,46.
Dân số Nhật Bản đang ngày càng suy giảm và bài toán tăng sinh cấp bách
Nhật Bản bắt đầu suy giảm dân số từ những năm 1970. Số liệu từ Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản tiết lộ trong năm 2017, chỉ có chưa đầy 950 ngàn em bé được sinh ra trong khi số người chết đã tăng lên 1,3 triệu người.
Số liệu từ chính phủ Nhật cho biết, tổng dân số nước này hiện là 127 triệu người và trẻ em chỉ chiếm 12,3%, so với 18,9% ở Mỹ, 16,8% tại Trung Quốc và 30,8% ở Ấn Độ. Đến năm 2065, dân số Nhật dự kiến sẽ giảm xuống chỉ còn 88 triệu người.
Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản đã suy giảm mạnh từ những năm 1960 đến năm 2005 trước khi tăng trở lại trong vài năm sau đó. Nguồn Bộ phân Dân số Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế Giới
Giáo sư kinh tế tại ĐH. Meiji, Tokyo cho biết, các chính sách của chính phủ đã gây khó khăn cho các cặp đôi trong việc cân bằng sự nghiệp với cuộc sống gia đình. Hầu hết cả nam và nữ giới đều trì hoãn hôn nhân để tập trung cho sự nghiệp trước. Ước tính trong năm 2015, số người Nhật chưa kết hôn ở tuổi 50 đạt tới 23,37% đối với nam và 14,06% đối với nữ.
Tuy nhiên theo Kato, yếu tố quan trọng khiến các cặp đôi hạn chế sinh con vì họ là dân nhập cư từ vùng nông thôn lên thành phố. Họ phải sinh sống trong các căn hộ chật hẹp và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Điều này khiến không phải ai cũng sẵn sàng chào đón thành viên mới. Trên thực tế có một khoảng cách lớn giữa chi phí sinh hoạt ở các thành phố lớn và các khu vực ít dân cư.
Các chính sách kích thích sinh con của Nhật Bản chưa đủ hấp dẫn?
Từ những năm 1990, Nhật Bản đã đưa ra các chính sách kích thích tăng tỷ lệ sinh, ví dụ tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ, cải thiện nhà ở.
Năm 2017, chính phủ Nhật đã công bố gói chi khoảng 18 tỷ USD để mở rộng hệ thống trường mầm non miễn phí cho trẻ em từ 3-5 tuổi và trẻ dưới 2 tuổi dành cho các gia đình có mức thu thập thấp, đồng thời giảm thời gian chờ ở các trung tâm trông giữ trẻ.
Trước đây người ta thường quan niệm, phụ nữ sẽ nghỉ việc để chăm sóc gia đình. Mặc dù vậy quan niệm này đang dần thay đổi ở Nhật
Giáo sư tâm lý giáo dục tại Đại học Guam, ông Yukiko Inoue-Smith chia sẻ: "Cách suy nghĩ đàn ông đi làm và phụ nữ ở nhà là lối suy nghĩ truyền thống của người Nhật. Nhưng phụ nữ ở Nhật Bản giờ đây muốn giữ công việc của họ và cả người chồng cũng muốn họ làm việc để tăng thêm thu nhập cho gia đình".
Đó cũng là lý do chính phủ Nhật đang nỗ lực thông qua một kế hoạch giúp người phụ nữ có cơ hội làm việc bình đẳng như nam giới dù họ vẫn phải trông con.
Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, tỷ lệ phụ nữ Nhật từ 30-34 tuổi tiếp tục trở thành lực lượng lao động sau khi có con tăng từ 50% lên 75%. Tuy nhiên rõ ràng nhiều phụ nữ sau khi đi làm trở lại vẫn gặp vấn đề lương thấp hoặc khó có cơ hội thăng tiến.
Smith cho rằng, người cha cần đóng vai trò chăm sóc trẻ nhiều hơn để phụ nữ có thể theo đuổi sự nghiệp. Nhưng rõ ràng điều này cũng khó với chính người cha bởi họ rất sợ việc nghỉ ở nhà để chăm con sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp và thu nhập.
Các cặp vợ chồng cần cơ sở chắc chắn để họ "dám" sinh con
Nagi là một vùng đất bình yên, không có quá nhiều công ty lớn nhưng có đủ cơ sở để người dân mưu sinh. Nơi đây nổi tiếng với thịt bò và có một trung tâm sản xuất quy mô nhỏ, nơi đặt xưởng sản xuất của 19 công ty.
Cuộc sống ở đây mang đậm tính truyền thống. Hầu hết các cặp vợ chồng đều lấy nhau từ khoảng 20 tuổi và bắt đầu sinh con khoảng một vài năm sau đó. Phụ nữ sống tại đây hoặc mới chuyển đến không đánh giá cao về cơ hội thăng tiến nhưng lại tin tưởng nơi đây giúp họ cân bằng được giữa công việc và cuộc sống gia đình.
Tại đây có tới 70% phụ nữ vẫn tiếp tục công việc hàng ngày như giáo viên, nhân viên văn phòng ngay cả sau khi sinh con.
Thị trấn Nagi cũng dành một phần ngân sách hàng năm để mở rộng các dịch vụ chăm sóc trẻ. Thậm chí nhiều quan chức thị trấn từng chấp nhận mức lương thấp để dành tiền phục vụ cho trẻ em.
Cơ sở vật chất và các dịch vụ chăm sóc trẻ đang ngày càng được quan tâm hơn
Những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận sẽ giúp bố mẹ an tâm hơn khi đi làm
Kozue Kobayashi, một bà mẹ 30 tuổi chuyển từ TP. Okayama đến Nagi khẳng định, cô đánh giá cao về cách làm của thị trấn và dịch vụ chăm sóc trẻ ở nơi đây. Kobayashi chẳng còn phải lo về vấn đề chăm trẻ nữa và có thể dành nhiều thời gian cho công việc và các hoạt động khác.
Nagatoshi Ishiura, một quan chức từ thị trấn Shouji lân cận đánh giá cao cách làm của Nagi. Ông cho rằng, đây là tấm gương để thị trấn của ông và cả nước Nhật có thể noi theo.
Có thể thấy bên cạnh chính sách thân thiện và phù hợp với các bậc cha mẹ, việc thay đổi thái độ và cách nhìn nhận trong xã hội cũng rất quan trọng. Chính sự tổng hòa của những giải pháp trên đã góp phần nâng tỷ lệ sinh ở Nagi.
Những kỳ vọng về việc phụ nữ bỏ việc để về nhà chăm con đã không còn trong suy nghĩ của cộng đồng dân cư ở Nagi nữa. Hơn hết việc chọn làm mẹ đang dần trở thành một lựa chọn cá nhân hơn là nghĩa vụ bắt buộc với đất nước.
Câu chuyện của Kaori là vậy nhưng cô không muốn đứa con sau này cũng ở lại đây. Cô khẳng định muốn thấy con gái rời Nagi và ra ngoài kia khám phá thế giới rộng lớn hơn.
Cuối cùng có thể khẳng định, Nagi là mô hình gương mẫu cho cả nước Nhật có thể học tập và góp phần tăng tỷ lệ sinh, tránh tình trạng già hóa dân số ngày càng tăng ở quốc gia Đông Á.
Theo: genk.vn
Cuộc sống về đêm ở khu đèn đỏ lớn nhất Nhật Bản
Ban ngày, Kabukicho bình yên và giản dị nhưng về đêm, nơi đây lột xác trở thành khu phố đèn đỏ nhộn nhịp bậc nhất Tokyo.