Hơn 30% các số điện thoại dùng cho các vụ lừa đảo tại Nhật Bản được đăng kí dưới tên người Việt
Con số về những đầu số điện thoại di động liên quan đến các trường hợp gian lận đặc biệt, bao gồm cả các vụ lừa đảo “ore ore sagi”, đã tăng vọt trong năm nay. Các nguồn điều tra cho biết thủ phạm có thể sử dụng thẻ cư trú đích thực thuộc về công dân Việt Nam để đối phó với các biện pháp chống các thông tin nhận dạng giả mạo của cảnh sát Nhật Bản.
Số lượng các vụ lừa đảo qua điện thoại đang tăng vọt tại Nhật Bản.
Cảnh sát Tokyo đã yêu cầu các trường học tiếng Nhật và và cả những tổ chức khác hướng dẫn mọi người về cách quản lý nhận dạng phù hợp, để tránh việc để lộ thông tin cá nhân của mình và bị những kẻ xấu giả mạo với mục đích lừa đảo.
Một người đàn ông Việt Nam tầm 30 tuổi đến Nhật Bản vào năm ngoái đã liên lạc với một người dùng Facebook sau khi nhìn thấy một bài đăng của người ấy được viết bằng tiếng Việt, cung cấp dịch vụ trung gian, nhận đăng kí giúp hợp đồng điện thoại di động những người Việt mới sang không giỏi tiếng Nhật. Vào cuối tháng Tư năm nay, anh đã gặp một thanh niên Việt Nam tại nhà ga Akihabara. Cả hai sau đó đã đi đến một cửa hàng điện tử và đồ gia dụng gần đó, nơi chàng trai đã không một chút nghi ngờ giao hộ chiếu, thẻ cư trú và thậm chí là cả sổ tiết kiệm ngân hàng cho người trung gian giúp anh đăng kí điện thoại. Chàng trai cả tin ấy đã mua cho mình được một chiếc điện thoại và trả thêm cho người trung gian lạ mặt ¥5,000 tiền phí dịch vụ đăng kí giúp.
Chỉ vì tin người và không giỏi tiếng Nhật, chàng trai đã dễ dàng trao hết thông tin quan trọng của mình cho một người không quen biết.
Và cái kết không có hậu cho những ai dễ tin người cuối cùng cũng đến. Hai tháng sau, ngoài hóa đơn cho tiền cước điện thoại mà mình đã sử dụng, chàng trai nhẹ dạ còn phải thanh toán thêm tiền cước của 2 chiếc di động khác mà chính anh cũng không biết chui từ đâu ra. Mặc dù đã cố tìm mọi cách để hỏi về những khoản phí phát sinh trên trời rơi xuống này, nhưng anh vẫn không thể nào liên lạc được với người môi giới đã làm hợp đồng cho mình lúc trước. Kẻ xấu đã cao chạy xa bay sau khi đạt được mục đích lừa cả người cùng quê hương để lén lấy trộm thông tin cá nhân của họ.
Một trong số hai số di động mà chàng trai xui xẻo phải trả đã được cảnh sát phát hiện được dùng để thực hiện những cuộc gọi với mục đích lừa đảo đến nhà của một người phụ nữ tầm 70 tuổi ở phường Koto (Tokyo).
Lần theo dấu vết từ hợp đồng của chiếc điện thoại được kí kết bởi kẻ giao dịch giúp chàng trai Việt Nam, cảnh sát tin rằng kẻ trung gian lạ mặt đã sử dụng thông tin của chàng trai để đăng kí thêm 2 hợp đồng điện thoại nữa mà chưa được sự cho phép, và sau đó, như một quy trình quen thuộc, chiếc điện thoại đăng kí trái phép được chuyển đến tay của những kẻ chuyên đi lừa đảo và thực hiện các cuộc gọi “ma” qua điện thoại.
Theo như con số thống kê cụ thể, số lượng những số điện thoại di động đã ký hợp đồng dưới thông tin của các công dân Việt Nam được sử dụng trong các vụ gian lận hay lừa đảo đã đặc biệt tăng lên đến con số 144 chỉ trong 7 tháng từ tháng 1 cho đến tháng 8 năm nay, chiếm hơn 30% tổng số những vụ lừa đảo qua điện thoại và đã vượt qua con số của cả năm 2017.
Trong số 144 số điện thoại này, khoảng 90% là loại điện thoại thông minh có gói cước hàng tháng cụ thể, dạng dịch vụ mà người dùng có thể dễ dàng mua mà không cần phải gặp gỡ và làm hồ sơ trực tiếp với những nhân viên tại các cửa hàng cung cấp dịch vụ viễn thông.
Một con số khác đáng quan ngại nữa đến từ một công ty viễn thông lớn tại Nhất, đó là người Việt Nam chiếm tới hơn 90% số lượng khách hàng là người nước ngoài đăng kí dịch vụ điện thoại di động trong và sau tháng 4 năm nay. Trong khi khẳng định rằng con số này đang nằm ở mức “cao bất thường”, một trong những người đứng đầu công ty cũng thừa nhận rằng họ cũng “bất lực” trong việc kiểm tra hay ngăn chặn tình trạng đăng kí “ảo” nếu như khách hàng sử dụng các thẻ ngoại kiều hợp lệ.
“Có rất nhiều công dân Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trở nên bị tách biệt khỏi xã hội do hạn chế về ngôn ngữ và không nhận được sự giúp đỡ, cuối cùng đành phải dựa vào các dịch vụ kinh doanh đầy mờ ám và không đáng tin”, ông Akiyoshi Naito, một nhà tư vấn công ty đã hỗ trợ công dân Việt Nam sang cư trú tại Nhật Bản cho biết.
Hạn chế về ngôn ngữ và sự giúp đỡ đã khiến cho người Việt tự trở thành nạn nhân cho những vụ lừa đảo của chính người Việt!
Hi vọng, những công dân Việt Nam đang có ý định làm việc hay định cư lâu dài tại Nhật Bản hãy luôn sáng suốt và cẩn trọng trước những lời mời chào dịch vụ có vẻ hấp dẫn của người lạ, cho dù có là người cùng gốc gác đối với mình, để không rơi vào bẫy của kẻ xấu và trở thành công cụ tiếp tay cho những vụ lừa đảo.
Nguồn: Sugoi
Đến hẹn lại lên, cơn sốt tự làm hồng treo gió chẳng bao giờ hạ nhiệt
Nhật Bản đang bước vào mùa hồng vàng rực, thay vì mua với giá cao tại sao bạn không thử làm hồng treo gió để thưởng thức?