Cô gái từ bỏ học bổng ở Nhật Bản về nước vì hay tin mẹ mắc ung thư và xuất sắc đạt “cú đúp” thủ khoa
Năm 18 tuổi, có học bổng đi du học, Hoàng Bùi Lan Hương (SN 2000) mang theo bao hoài bão, ước mơ của bản thân và kỳ vọng của gia đình, đặt chân đến Nhật Bản. Năm 19 tuổi, Hương “phát hiện” mẹ của mình bị mắc bệnh ung thư vú. Ngay sau đó, cô đã quyết định bỏ lại tất cả những hoài bão, ước mơ năm 18 tuổi ở Nhật và quay trở về Việt Nam đồng hành cùng mẹ chiến đấu với căn bệnh ung thư vú.
Năm 20 tuổi, Lan Hương quyết định “làm lại từ đầu”, tiếp tục viết tiếp những ước mơ, hoài bão còn dang dở năm 18. Hương thi lại Đại học và trở thành thủ khoa toàn quốc khối D06 năm 2020 và Thủ khoa trường Đại học Ngoại Thương cơ sở II, TP HCM năm 2020. Không chỉ vậy, cô còn thành thạo 4 ngôn ngữ: Anh (IELTS 8.0), Nhật (JLPT N2), Trung (HSK2).
“Sau này mình mới biết, trước ngày vào viện điều trị, mẹ đóng 1 thùng đồ ăn 20kg gửi sang Nhật cho mình. Ngay cả lúc sắp phải đấu tranh với những điều khó khăn nhất thì mẹ vẫn nhớ tới mình, vẫn luôn làm điều tốt đẹp nhất cho mình” – Lan Hương kể lại.
Khi biết mẹ ốm mới hiểu thế nào là cả thế giới sụp đổ
Có một sợi dây vô hình liên kết nên tình mẫu tử. Dù khoảng cách địa lý xa như vậy nhưng giác quan thứ 6 vẫn thôi thúc mình rằng có gì đó không ổn với mẹ. Gia đình muốn giấu tới cùng, không ai thông báo nên bằng mọi cách cô phải tìm ra điều đó. Hương mò mẫm đăng nhập vào tài khoản MXH của mẹ rồi thông qua những cuộc trò chuyện của mẹ với mọi người để có được thông tin cuối cùng.
Lan Hương và mẹ. – Nguồn ảnh: Internet
“Lúc đó mình mới hiểu thế nào 5 chữ: cả thế giới sụp đổ. Không bao giờ mình quên khoảnh khắc đó. Mình ngã khụy xuống. Nhưng không ai đỡ cả nên mình phải học cách tự đỡ mình lên. Vì nếu mình sụp đổ thật thì gia đình sẽ mất đi 1 điểm tựa quan trọng nữa. Điều đó là không thể”, cô chia sẻ.
Cô quyết định trở về Việt Nam dù gia đình và thầy cô phản đối rất nhiều
Sau khi biết mẹ ốm, Hương suy nghĩ khoảng 2 – 3 ngày để đưa ra quyết định trở về. Kể từ đó, mọi hoạt động của cô đều bám theo quyết định này. Sau khi sắp xếp mọi việc đang tồn đọng ở Nhật Bản, làm mọi thứ để không hối hận vì bất cứ điều gì. Tổng cộng thời gian là khoảng 3 tháng.
Đây cũng là quãng thời gian mà cô học được cách hoạch định cuộc đời. Câu hỏi lớn nhất của cô khi đó là “Làm sao khi về Việt Nam rồi mình vẫn còn cơ hội quay lại Nhật?” . Nhật Bản là ước mơ dang dở với mình và ngay cả ở thời điểm hiện tại, cô vẫn đang cố gắng từng ngày để có thêm cơ hội thực hiện ước mơ đó.
Từ gia đình đến thầy cô, bạn bè đều can ngăn rất nhiều. Cô hiệu trưởng trường ĐH mà cô học ở Nhật Bản dành 3 tiếng để nói chuyện. Cô giáo khuyên Hương đừng nên quyết định một việc có tính rủi ro quá cao như vậy. Nhưng thời điểm đó, Hương chỉ nghĩ một điều thôi, gia đình là thứ quan trọng nhất. Thế thì cô đặt thứ quan trọng nhất lên đầu, những việc còn lại sẽ lần lượt theo sau.
“Gia đình mình lúc đó cũng rất rối. Mình là con cả trong gia đình có 3 chị em, em trai út hồi đó mới 5 – 6 tuổi. Vì ba cùng mẹ vào viện chữa bệnh nên phải gửi em đến nhà người thân để nhờ chăm sóc. Nếu mình tiếp tục ở nước ngoài với trăn trở lớn như vậy thì kết quả học tập và làm việc chắc chắn không tốt chút nào”, cô tâm sự.
Sự việc đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần của 2 em của Hương. Các em còn nhỏ và cũng không được mạnh mẽ như cô. Vì vậy cô trở về cũng là đồng hành cùng 2 em, gần như thành người mẹ thứ 2 chăm sóc các em để ba mẹ yên tâm ở bệnh viện chữa bệnh.
Những kỹ năng cô đã học thêm được trong quá trình đồng hành cùng mẹ
Thứ nhất là cách điều chỉnh sức mạnh tinh thần
Những lúc cô cho phép bản thân yếu đuối thì cứ yếu đuối. Nhưng đến lúc yếu đuối đủ rồi thì phải biết cách vươn lên vì còn rất nhiều điều ở đằng sau đang đợi. Sự việc của mẹ giúp sức mạnh tinh thần của cô linh hoạt hơn, vừa mềm dẻo và vừa mạnh mẽ, rắn rỏi hơn rất nhiều.
Thứ 2 là cách cảm thông
Vì gia đình đã rơi vào hoàn cảnh như vậy nên cô biết thông cảm với câu chuyện của mọi người xung quanh hơn rất nhiều. Nhiều người cũng gặp biến cố nhưng họ không đủ may mắn để có thể chống chọi, vượt qua như Hương và gia đình.
Vì gia đình đã rơi vào hoàn cảnh như vậy nên cô biết thông cảm với câu chuyện của mọi người xung quanh hơn rất nhiều. – Nguồn ảnh: cafef.vn
“Mình sẽ không nhắc đến khó khăn, thay vào đó mình muốn nói đến những điều kỳ diệu mà gia đình nhận mình nhận được trong suốt quá trình chữa trị. Đó là sự kết nối, sẻ chia của những chiến binh K, những người bệnh khác. Đi cùng mẹ, mình được biết, được nghe về những câu chuyện của mọi người cũng kiên cường và kì diệu không kém. Vì mọi người cùng trải qua quá trình điều trị với nhau nên gặp nhau mỗi ngày và chính sự chia sẻ đó mà trong suốt quãng thời gian đó, mẹ mình như có thêm 1 gia đình thứ hai – nơi mà mọi người sẻ chia đến từng bó rau, từng bữa ăn một, người nào khỏe hơn thì sẽ nấu ăn và chăm sóc cho người yếu hơn”, Lan Hương nói.
“Mình nhớ mãi có 1 cậu bé mắc bệnh K Xương với niềm đam mê cháy bỏng với ca hát như thế nào, em ý khoe với mình về giọng hát được chú ca sĩ nổi tiếng khen là rất hay, rằng chỉ chờ bệnh khỏi thôi thì em ý sẽ tiếp tục thi cuộc thi ca hát còn đang dang dở. Thật sự mình nghĩ và rất biết ơn rằng chính nguồn động viên tinh thần to lớn ấy từ những bệnh nhân khác là nguồn động viên tinh thần to lớn của của mẹ”.
Thứ 3 là Hương nhận ra rằng phải tạo ra giá trị cho người khác nữa
Lúc trước mình chỉ hướng đến những giá trị hào nhoáng như làm sao để có thể kiếm được nhiều tiền, làm sao để giàu,…nhưng bây giờ cô hiểu ra thêm về mục đích của cuộc sống. Làm sao cho cuộc sống của mình có ý nghĩa với xã hội.
Gánh nặng kinh tế khi phải lo cho mẹ bị ung thư và gia đình
Về nước, ngoài việc đồng hành cùng mẹ đi chữa bệnh, Lan Hương cũng tìm cho mình việc làm thêm. Từng có 2 năm học tiếng Nhật và 1 năm du học ở Nhật, “vốn tài sản” lớn nhất mà Hương có được là khả năng ngoại ngữ.
Cô đăng ký dạy tiếng Nhật online để vừa tận dụng được vốn ngoại nữa, vừa linh động được thời gian vào viện với mẹ vẫn có thể dạy được. Đồng thời, cô nàng cũng vạch ra được những bước đi trên con đường tiếp theo mà có thể tận dụng triệt để, tối đa “vốn tài sản” mình có trong tay.
Đến bây giờ nhìn lại, Hương dùng 2 chữ “tự hào” để nói về hành trình chiến đấu với bệnh ung thư cùng mẹ của cả gia đình mình. Cô cho rằng, chiến đấu với ung thư là cuộc chiến của không chỉ cần sức mạnh về tài chính và còn về sức mạnh tinh thần.
Đi mượn 40 triệu để ôn thi lại Đại học và cú đúp thủ khoa
Khi mẹ của Lan Hương đã bước qua giai đoạn chữa trị cũng là lúc cô tập trung suy nghĩ, lên kế hoạch và chiến lược để quay trở lại với con đường chinh phục những ước mơ, hoài bão của mình. Hương quyết định ôn thi, thi lại đại học. Mục tiêu duy nhất của cô lúc này là trường Đại học Ngoại Thương.
Lúc này, Hương lại gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Cô quyết định mượn một người anh họ số tiền là 40 triệu để đầu tư cho việc học của mình và với lời nhắn “đỗ được Ngoại Thương xong em nhất định kiếm tiền trả lại anh”. Đến giờ, cô vẫn vô cùng biết ơn vì số tiền ấy. Thi lại đại học, Hương đạt được cú đúp thủ khoa, trở thành Thủ khoa đầu vào của trường Đại học Ngoại Thương cơ sở II và Thủ khoa khối D06 toàn quốc.
Thi lại đại học, Hương đạt được cú đúp thủ khoa, trở thành Thủ khoa đầu vào của trường Đại học Ngoại Thương cơ sở II và Thủ khoa khối D06 toàn quốc. – Nguồn ảnh: cafef.vn
“Nhận tin đỗ thủ khoa, mình khoe ngay với mẹ, như một món quà tinh thần dành tặng mẹ vì mẹ đã là chiến binh quật cường, chiến thắng trong trận chiến với ung thư vú vừa qua. Phần thưởng thủ khoa cũng được mình chia làm nhiều phần, trong số đó có 1 phần mình gửi vào Tổ chức Sáng Kiến Ung Thư Muối và 1 phần nữa gửi lại về Mạng lưới Ung thư Vú Việt Nam”, Lan Hương chia sẻ.
Vun bồi hạnh phúc từ lý tưởng sống
Không ngừng trăn trở với những câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Mục đích sống của tôi là gì?”, cô gái 22 tuổi luôn đặt ra những mục tiêu ngắn hạn để phấn đấu, rèn luyện và mài dũa bản thân.
Năm 2021, Hương hoàn thành mục tiêu trở thành một trong 27 gương mặt thanh niên tiêu biểu đại diện cho Việt Nam tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2021 để lên tiếng về vấn đề đói nghèo (Poverty-Hunger) giữa đại dịch.
Cuối năm 2021, Hương trở thành thành viên sáng lập điều hành cộng đồng Vietnam Management với sứ mệnh cung cấp những kiến thức, việc làm về quản trị chiến lược cho người trẻ. Sắp đến, Lan Hương tiếp tục khám phá bản thân qua sự kiện kết nối các nhà lãnh đạo trẻ châu Á và Thái Bình Dương. Được biết, sự kiện do Đại học Harvard tổ chức và sẽ diễn ra vào tháng 8 năm nay tại Ấn Độ.
Là người trẻ tiên phong, Hương luôn cố gắng nắm bắt mọi cơ hội trong khả năng để thực hiện những điều có ích cho cộng đồng. “Khi còn trẻ, chúng ta có trong tay tất cả mọi thứ: thời gian, sức khỏe, tinh thần, nguồn lực và sự sáng tạo. Hãy tận dụng mọi thứ để nhân rộng hành động, tiếng nói để tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội”, Hương chia sẻ.
Tâm sự đẫm nước mắt và cảm động của một du học sinh Nhật Bản
Bố, con không muốn ở lại Nhật Bản nữa!