Bé gái bị sát hại ở Nhật: Khó buộc tội hung thủ nếu chỉ xin chữ ký ở VN

Việc gia đình bé Nhật Linh kêu gọi mọi người ký tên đề nghị áp dụng án tử hình đối với nghi phạm là việc làm hoàn toàn chính đáng, không bị luật pháp Nhật Bản cấm. Song, hành động này không được xem là căn cứ quyết định để buộc tội hung thủ...

 

Chữ ký người nước ngoài không có giá trị ở Nhật Bản

Thời gian gần đây, công đồng mạng xã hội đang rầm rộ chia sẻ, kêu gọi mọi người ủng hộ gia đình bé Nhật Linh về việc kiến nghị đưa ra bản án tử hình đối với nghi phạm có hành vi dâm ô và giết hại bé Nhật Linh.

Chia sẻ về mục đích xin chữ ký của gia đình, chị Nguyễn Thị Nguyên – mẹ bé Nhật Linh cho biết, gia đình đã tham khảo ý kiến của luật sư và được tư vấn thực hiện. Tại Nhật Bản, phải xin đủ 50.000 chữ ký mới chứng tỏ đây là vấn đề cộng đồng quan tâm, lên án và mong muốn thay đổi. Theo đó, đơn đề nghị và chữ ký ủng hộ của mọi người sẽ được tòa xem xét khía cạnh bổ sung sau phần luận tội chứ không phải là căn cứ duy nhất để kết tội kẻ thủ ác.

“Hung thủ hiện đã bị tống giam và khởi tố với các cáo buộc giết người, dâm ô, bắt cóc, vứt bỏ thi thể. Nhưng hắn ta vẫn sử dụng quyền im lặng và chưa đưa ra được bất kỳ chứng cứ ngoại phạm nào. Gia đình chúng tôi muốn vụ án mau được đưa ra xét xử và mong muốn hung thủ phải chịu mức án cao nhất. Luật của Nhật vẫn có án tử hình nếu hung thủ giết người với các tình tiết tăng nặng như giết người, hiếp dâm, gây phẫn nộ mạnh trong xã hội và cảm xúc của người nhà nạn nhân…. nên gia đình mới xin chữ ký” – chị Nguyên cho hay.

Anh Lê Anh Hào – cha bé Nhật Linh, xin chữ ký tại ga Kashiwa, Chiba, Nhật Bản.

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, luật sư Vũ Thái Hà – Giám đốc Công ty Luật THHH Youme cho biết, rất khó lấy việc này làm căn cứ xem xét, tác động đến việc xử lý hành vi tội phạm đối với xã hội Nhật Bản, bởi đây là những chữ ký của người không thuộc đất nước Nhật Bản. Nghĩa là những chữ ký trên phần lớn nếu không phải của người Nhật Bản thì không có giá trị trong trường hợp này.

“Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, tác động tới xã hội phải là xã hội Nhật Bản, không phải tác động đối với xã hội tại một đất nước khác. Chữ ký của những người không phải công dân Nhật Bản và không sinh sống tại Nhật, không hiểu rõ về bản chất của vụ án thì không có ý nghĩa khi xem xét sự tác động của hành vi phạm tội tới xã hội Nhật Bản” – LS Vũ Thái Hà nói.

Theo GĐ Công ty LS Youme, Nhật Bản là nước có tỷ lệ tội phạm rất thấp, số lượng án tử hình mỗi năm của Nhật Bản gần đây nhiều nhất cũng chỉ có bốn vụ. Hình phạt tử hình trong thực tế chỉ áp dụng đối với tội giết người và có nhiều nạn nhân. Do đó, nghi phạm trong vụ sát hại bé Nhật Linh bị tuyên án như thế nào còn phụ thuộc rất nhiều vào tình tiết của vụ án và sự xem xét của tòa án. Hiện, nhiều yếu tố trong vụ án này vẫn chưa được làm rõ khi nghi phạm đang thực hiện quyền giữ im lặng.

Vị luật sư này nhận định: “Dựa trên các thống kê về hình phạt tử hình cũng như dựa trên yếu tố số lượng nạn nhân, khả năng áp dụng mức hình phạt tử hình đối với nghi can trong vụ sát hại bé Nhật Linh là không cao”.

Can thiệp cũng không giải quyết sớm hơn

Trước đó, ngày 26.5.2017, Cảnh sát Nhật Bản đã ra quyết định khởi tố nghi phạm Shibuya Yasumasa với 3 tội danh về các hành vi bắt cóc, thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em và giết người. Tuy nhiên, phiên tòa xét xử chính thức ngày 28.11.2017 đã không được diễn ra công khai bởi nghi can trong vụ sát hại bé Nhật Linh đã giữ quyền im lặng và tiếp tục chối bỏ mọi tội lỗi.

Cảnh sát Nhật Bản đã ra quyết định khởi tố nghi phạm Shibuya Yasumasa với 3 tội danh về các hành vi bắt cóc, thực hiện hành vi dâm ô với trẻ em và giết người.

Về vấn đề này, LS Vũ Thái Hà cho rằng, Hiến pháp và Luật tố tụng hình sự Nhật Bản quy định công dân nước này có quyền được giữ im lặng, các nghi phạm không phải trả lời bất cứ câu hỏi nào trái với ý muốn của mình.

Tuy nhiên, việc nghi phạm Shibuya Yasumasa giữ im lặng chỉ có thể khiến cho quá trình giải quyết vụ án kéo dài chứ không đồng nghĩa với việc Shibuya Yasumasa không bị xét xử. Việc pháp luật cho nghi phạm có quyền im lặng có thể khiến cho việc giải quyết vụ án kéo dài, nhưng nó có thể giúp cho các cơ quan chức năng giải quyết sự việc một cách thận trọng hơn, tránh oan sai.

“Theo tôi, vụ án vẫn đang được các cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Việc giải quyết vụ án bị chậm là do nghi phạm giữ quyền im lặng mà pháp luật cho phép. Do đó, việc can thiệp hay hỗ trợ của các cơ quan khác cũng không thể giúp vụ án được giải quyết sớm hơn” – LS Hà bày tỏ.

Được biết, trong thực tế, việc kêu gọi mọi người trong xã hội Nhật Bản ký tên đề nghị áp dụng án tử hình đối với tội phạm đã có tiền lệ. Năm 2007, bà Fumiko Isogai, người có đứa con duy nhất bị sát hại đã kêu gọi và trình được 150.000 chữ ký ủng hộ việc áp dụng hình phạt tử hình đối với các nghi phạm cho Văn phòng Công tố của Nagoya. Và cuối cùng Tsukasa Kanda, một trong ba nghi phạm đã bị áp dụng hình phạt tử hình vào ngày 25.6.2015.

Nguồn: danviet.vn

Tags:
Vụ bé Nhật Linh bị sát hại: Việc xin chữ ký kiến nghị tử hình nghi phạm có hiệu quả?

Vụ bé Nhật Linh bị sát hại: Việc xin chữ ký kiến nghị tử hình nghi phạm có hiệu quả?

Hiện nay cộng đồng mạng đang rầm rộ kêu gọi chữ ký ủng hộ gia đình bé Nhật Linh trong việc kiến nghị đưa ra bản án tử hình nghi phạm với hành vi dâm ô và giết hại bé Nhật Linh. Song theo luật sư Vũ Thái Hà – Giám đốc công ty Luật THHH Youme, chữ ký của người nước ngoài không ở Nhật thì không có ý nghĩa xem xét tác động của hành vi tội phạm đối với xã hội Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất