3 quy tắc tôn trọng mà tôi học được từ người Nhật: Tôn trọng vật mình sở hữu, tôn trọng đồng nghiệp mới, tôn trọng tính trật tự

Có một vài suy nghĩ từ những gì tôi đã quan sát được, có thể gọi đó là nét đẹp trong lối sống hằng ngày của người Nhật.

Chúng ta, bản thân mỗi người đều mong muốn cuộc sống hôm nay và từ hôm nay sẽ hạnh phúc hơn, có ý nghĩa hơn những ngày trước hôm nay. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ không thể tiến về phía của tốt hơn, nếu chúng ta không bắt đầu tôn trọng cuộc sống của mình.

Ai lại không tôn trọng chính cuộc sống của mình chứ? Có thể bạn sẽ cảm thấy điều này không dành cho mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta thành thật với chính mình, chúng ta dễ dàng nhận ra hành động mà chúng ta đối đãi với cuộc sống của mình thường diễn ra ngược lại với mong muốn của chúng ta dành cho cuộc sống của bản thân.

Có một vài suy nghĩ từ những gì tôi đã quan sát được, có thể gọi đó là nét đẹp trong lối sống hằng ngày của người Nhật. Và trong khuôn khổ bài viết của mình, tôi muốn chia sẻ những nét đẹp đó như chính những quy tắc để bạn tôn trọng cuộc sống của mình và hạnh phúc hơn.

Danh sách này dài hơn, tuy nhiên trong bài viết này tôi muốn tập trung vào 3 điều tôi nghĩ đến trong hôm nay...

1. Hãy đối đãi với những vật sở hữu của mình bằng thái độ tôn trọng

Khi mới đến Nhật, tôi mang theo hình ảnh tưởng tượng của mình về những thành phố mang vẻ hiện đại và công nghệ tới tận ngõ ngách nhỏ nhất. Không phủ nhận rằng, thực tế, sự hiện đại đó phản ánh trong cơ sở hạ tầng và những trung tâm văn hóa và kinh tế lớn.

Tuy nhiên khi bước vào đời sống hằng ngày của người dân Nhật bản, tôi lại cảm thấy thú vị khi công nghệ mới nhất không phải luôn được người Nhật đưa vào cuộc sống của họ. Trong ký ức của tôi, họ lại giống với những gia chủ có mối liên hệ gắn bó với những món đồ cũ của chính mình hơn. Bạn sẽ dễ dàng tìm thấy hình ảnh của những vật dụng hoặc thiết bị điện tử sản xuất hơn thập kỷ trước nhưng tới hôm nay vẫn dùng tốt và được bảo quản cẩn thận. Điều này không chỉ đúng với hộ gia đình mà cũng diễn ra ở quy mô công ty.

Trái với hình ảnh những nơi chốn tràn đầy những món đồ mới bóng bẩy, hình ảnh đời sống hằng ngày của người Nhật để lại trong tôi là cuộc sống của những món đồ có tuổi, mang nét đẹp pha trộn giữa sự lỗi thời của thời gian và sự chăm sóc tỉ mỉ của người sở hữu và sử dụng.

3 quy tắc tôn trọng mà tôi học được từ người Nhật: Tôn trọng vật mình sở hữu, tôn trọng đồng nghiệp mới, tôn trọng tính trật tự - Ảnh 1.

Tuy nhiên tôi không muốn mọi người hiểu nhầm điều này với việc họ hầu như không mua đồ mới mà chỉ sống với đồ cũ. Họ vẫn chi tiền cho quần áo mới, điện thoại mới... Những con người cũng như thành phố của họ với vẻ ngoài gọn gàng hiện đại và sạch sẽ. Tuy nhiên, rất nhiều món đồ, không phải tất cả, chỉ thật sự ra đi khi nó không còn có thể thực hiện chức năng của chúng. Và trong một số trường hợp khi món đồ ra đi trước tuổi, nó lại ra đi dưới hình thức trao đổi đồ cũ, quần áo rất phổ biến, hoặc cho đi. Sự lãng phí hầu như có cơ hội rất thấp để tỏa sáng trong một xã hội như vậy.

Chọn lựa tỉ mỉ, sử dụng có ý thức giữ gìn, bảo quản và bảo trì có tâm, và chỉ để nó ra đi khi nó không còn thực hiện được chức năng của mình, và cách ra đi chúng ta nên thực hiện theo cách có trách nhiệm và nhân văn với cộng đồng. Điều đó tôi gọi là thái độ tôn trọng đồ vật mà ta sở hữu.

Chúng ta thường để sự bình thường hóa và nhàm chán len lỏi vào mối quan hệ giữa ta với đồ vật của mình. Chính vì vậy ta đánh mất sự giữ gìn và lao vào những cái gì bóng bẩy nhất đang được các nhà tiếp thị tô vẽ.

Khi đồ vật còn thực hiện được chức năng của mình và phục vụ ta, đó đã là điều đáng trân quý và cảm thấy hạnh phúc. Với một thái độ như vậy, cuộc sống của chúng ta sẽ không lao về hướng của sự đua đòi với gã hàng xóm, hoặc một phút bốc đồng trót để nhà quảng cáo rút tiền từ chiếc túi của mình. Nếu bạn thực hiện đúng nguyên tắc đầu tiên này, ắt hẳn sự lãng phí và những rắc rối hư hao liên miên sẽ không còn xảy ra.

3 quy tắc tôn trọng mà tôi học được từ người Nhật: Tôn trọng vật mình sở hữu, tôn trọng đồng nghiệp mới, tôn trọng tính trật tự - Ảnh 2.

Hồi tôi bắt đầu đi làm thêm ở Nhật, tôi cảm thấy bản thân mình dễ dàng hòa nhập, có lẽ vì hai lý do chính. Sự tôn trọng và thân thiện mà đồng nghiệp hoặc cấp trên dành cho người mới và sự chỉ dẫn chi tiết cho công việc, cũng như cảm thông cho những sai sót của một người mới. Và văn hóa này, không phải của một công ty đặc thù nào đó mà là thái độ của người Nhật trong công việc đơn thuần là như vậy.

2. Hãy tôn trọng người đồng nghiệp mới vào làm ngày đầu tiên ở công ty 

Điều mà tôi thấy còn rất nhiều môi trường làm việc ở Việt Nam vẫn còn chưa thể làm được. Dĩ nhiên tôi không dùng từ tất cả, nhưng chắc chắn tôi dùng từ phần lớn. Chúng ta đã từng, hoặc đã trải qua những lần khó chịu với người mới. Có lẽ vì họ thiếu kinh nghiệm ở nơi mà bạn đã làm hơn ba năm. Tuy nhiên họ là người sẽ giúp chúng ta trong dài hạn. Một người mới tham gia vào đội của bạn, ắt hẳn để chia sẻ áp lực và khối lượng công việc trong tương lai, không có lý do gì để ta không tôn trọng hoặc cảm thấy khó chịu với họ cả. Ngược lại ta cần chào đón và hướng dẫn bằng cái tâm và thái độ của một người bạn.

Nếu chúng ta tạo nên một văn hóa mà ở đó không chỉ có sự bộ tịch của cấp trên hoặc phòng nhân sự vì cần người, mà còn cả một bầu không khí tôn trọng và khuyến khích giữa cấp trên với nhân viên và giữa nhân viên với nhân viên một cách thành thật, thì guồng quay công việc sẽ trơn tru và mượt mà hơn. Mọi người tìm thấy niềm vui trong bầu không khí của sự sẻ chia và cầu tiến, từ đó mà hiệu quả công việc cũng đi lên.

Khi bạn tôn trọng người mới, bạn cũng sẽ tôn trọng đồng nghiệp của mình hơn, từ đó bạn nhận lại được sự tôn trọng của người khác. Có ai không muốn bản thân mình được tôn trọng?

3 quy tắc tôn trọng mà tôi học được từ người Nhật: Tôn trọng vật mình sở hữu, tôn trọng đồng nghiệp mới, tôn trọng tính trật tự - Ảnh 3.

3. Tôn trọng tính trật tự ở mức độ chi tiết

Nếu trong một hôm vội vã mà bạn ném luôn lon cà phê vừa uống xong vào một thùng rác dành cho loại rác khác, bạn có thể nghỉ là chỉ hôm nay thôi, có một lon nhằm nhò gì, đối với người Nhật cũng là không thể cho qua.

Hồi mới sang Nhật tôi rất khó chịu với tính tỉ mỉ của người Nhật, họ có vẻ quá xét nét. Khi bạn đi làm, quản lý cũng sẽ theo bạn và nhắc nhở một cách kiên nhẫn cho đến khi bạn không còn phạm lỗi quy trình hay thứ tự nơi đặt để đồ vật, ngay cả những hành động mà bạn nghĩ không ảnh hưởng cũng sẽ không được cho qua. Có lẽ bạn sẽ khó hình dùng điều này, mức độ tỉ mỉ của người Nhật đi đến việc đặt để đúng chiều của dụng cụ bạn vừa dùng.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về điều này, và sau này tôi cảm thấy chính điều này tạo nên sự khác biệt đem đến sự trật tự cho xã hội của người Nhật. Một hành động nhỏ, tưởng chừng không gây hại, tuy nhiên nó sẽ ngấm ngầm phá tan trật tự vốn đã thiết lập để duy trì những điều tích cực. Và đi xa hơn nữa, khi ta tập hợp các hành động nhỏ rời rạc, ở một mức độ, chúng chạm tới quy mô đủ lớn để gây tổn hại diện rộng.

Khi đem điều này vào cuộc sống của chúng ta, chúng ta chỉ có thể tôn trọng cuộc sống của mình bằng cách đấu tranh chống lại sự dễ dãi của chính mình. Nếu bạn liên tục tập thể thao hoặc cam kết học tiếng Anh mỗi ngày trong 30 ngày, bỗng dưng ngày 31 bạn cho phép mình xem phim thay vì duy trì thói quen mình đang tạo dựng, rất có thể chỉ 1 ngày sẽ phá tan nỗ lực của bạn trong 30 ngày trong việc xây dựng một lối sống mà bạn mong muốn.

Theo: Trí thức trẻ

Tags:
Tổng hợp Kanji N3 theo âm on: hàng H (phần 1)

Tổng hợp Kanji N3 theo âm on: hàng H (phần 1)

Tiếp tục series Kanji N3 theo âm on các bạn ơi! Hôm nay là các kanji có âm on bắt đầu bằng ハ、へ、ヒ nhé! Cùng chiến ngay nào!!!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất