20 năm ăn phở ngon nhất ở Mỹ, tôi vẫn nhớ tô phở thuở hàn vi nơi quê mình

Dẫu bao nhiêu năm sống ở xứ người, nhưng chỉ cần nhìn thấy tô cơm kèm chai nước mắm, nghe lồng lộng mùi phở từ xa, là bao nhiêu món ngon Tây Tàu đều sẵn sàng bỏ hết.

Người ngoại quốc thường biết tới Việt Nam qua tô phở thơm lừng, chả giò (nem rán) giòn rụm và ổ bánh mì nóng hổi.

Gần đây, còn có thêm chai tương ớt hiệu con gà trong các nhà hàng Mỹ, hay phòng nghỉ của United Airline và các hãng máy bay khác. Mà khẩu vị của dân Tây đơn giản. Hổng cần ngon, chỉ to và sạch là đủ rồi. Nói không quá chứ nếu có một món ăn đại diện cho Việt Nam, không gì có thể qua phở.

Mà lần nào ăn phở, tôi đều quay quắt nhớ tới thuở hàn vi ở Ninh Hòa (Khánh Hòa), tháng năm ba má gồng gánh hơn chục đứa con với một bầy cháu.

Mỗi sáng, tôi thường lục cơm nguội chan nước mắm hay ít cá kho còn sót lại ăn lót lòng. Bữa nào rủng rỉnh, chị cho ngàn bạc, đi mua ổ bánh mì hay gói xôi bắp gói lá chuối thơm lừng, mừng phát khóc.

Phở, với tôi, là món sơn hào hải vị, kiểu người ta đi cống nạp cho vua, có thèm tới cỡ nào cũng chỉ đứng ngó cho đã cơn rồi quay bước bỏ đi, chứ hổng dám nói tới chuyện ăn ngon miệng.

20 năm ăn phở ngon nhất ở Mỹ, tôi vẫn nhớ tô phở thuở hàn vi nơi quê mình - ảnh 1

Tô phở Bắc tại thủ đô Panama City (Panama) ăn với ngò gai và giá đậu nành.

Má bán hàng đường ngoài chợ, trước mặt là hàng phở của dì Há, bên dưới gốc bàng già. Dì cao to phốp pháp, giọng nói rền như chuông khánh trên chùa.

Trưa đứng bóng, khách đông nườm nượp, dì miệng liền miệng, tay liền tay, vừa nói, vừa hét la mấy người giúp việc bưng bê, rửa chén, lau dọn ghế bàn, vừa bốc phở bỏ vợt, nhúng chín, để vô tô, chan nước lèo, xắt thịt, thêm tái kèm móng, giò như cái máy không sai một tí.

Bữa nào ra chợ, tôi cũng lẳng lặng ngồi nhìn ngó trân trân, hít lấy hít để xoong nước lèo thơm lừng lựng mùi thịt bò với sả (phở Ninh Hòa không có hồi). Rồi trách sao ông kia phí quá ăn bỏ hết cả nửa tô. Dì kia sang ghê, cục giò thiệt ngon mà quăng cho chó gặm.

Nhiều lúc muốn đánh bạo mở miệng xin tiền má cho con ăn một tô thôi, rồi sai biểu gì con cũng làm hết. Nhưng nghĩ tới tô phở bằng cả kí gạo, nấu ra được nồi cơm cả nhà ăn nên đành nuốt nước miếng cái ực cho xong. Thầm ước một ngày nhà mình giàu thiệt giàu như lũ bạn, hay mai sau đi làm kiếm được nhiều tiền, sẽ mua một chục tô ăn cho đã.

20 năm ăn phở ngon nhất ở Mỹ, tôi vẫn nhớ tô phở thuở hàn vi nơi quê mình - ảnh 2

Tôi ấp ủ ước mơ ăn phở một lần cho đã ấy suốt năm tháng tuổi thơ nghèo khó, và cuối cùng cũng được thỏa mãn vào năm 18 tuổi, ở ngày thứ hai đặt chân tới Mỹ, bắt đầu cho quãng thời gian xa nhà gần 20 năm của mình.

Đó là tô phở cỡ xe lửa ở Eden, trung tâm thương mại của người Việt nằm ở phía bắc Virginia, ngoại ô thủ đô Washington D.C. Gọi là phở xe lửa vì cái tô to như bánh xe lửa, với đầy đủ thịt thà, rau giá và nửa kí bánh tươi khoảng 10 đô la. Nhìn cái tô to nằm trước mặt, tôi đã no tới hết tuần.

Cả nhà ai cũng cười lăn không biết làm cách nào ăn cho hết. Một thằng ốm nhom, 45 kg như tôi cố lắm cũng chỉ ăn hết 1/3, vậy mà vẫn có vài ông Mỹ hoặc Mễ ăn ngon lành, húp một lèo hết sạch, đã vậy còn kêu thêm mấy chén bò viên, tái, nạm các kiểu.

20 năm ăn phở ngon nhất ở Mỹ, tôi vẫn nhớ tô phở thuở hàn vi nơi quê mình - ảnh 3

Phở Việt kiểu ramen có trứng hồng đào ở Quito (Ecuador)

Sau gần 20 năm lênh đênh xứ Mỹ, tôi đi được 48 tiểu bang. Có nơi ở vài ngày, chỗ chỉ ghé qua chụp hình check- in cho biết. Và hầu như đi đâu tôi cũng đều ghé vô khu phố Tàu, nhà hàng Việt, tìm ăn một tô phở cho ấm lòng, thỏa dạ chứ ăn đồ Tây qua bữa thứ hai là ngán. Mà đâu phải chỉ mình tôi, hầu hết người Việt xa quê thuộc loại khó hòa nhập nhất thế giới.

Dẫu bao nhiêu năm sống ở xứ người, mới hay, dẫu mang tiếng bỏ lìa xứ sở, chúng tôi vẫn luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ giếng nước, làng quê, cây lúa, mái đình qua hình hài của những món quen thân.

Tags:
Vì sao đồ dùng Đức có tuổi thọ đến cả trăm năm?

Vì sao đồ dùng Đức có tuổi thọ đến cả trăm năm?

Những năm đây, trên mạng xã hội có một bài viết đã thu hút được sự chú ý của đông đảo mọi người với tiêu đề “Tại sao nước Đức không dám làm đồ giả, đồ dùng đến cả trăm năm”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất