'Xấu hổ vì lì xì 50 nghìn đồng'
Trong thực tế, câu chuyện tiền lì xì ngày Tết sẽ không ít lần làm bạn khó xử đấy. Khi đứa trẻ bóc ngay phong bao trước mặt mọi người và nói số tiền bên trong, nếu bạn lì xì ít thì chắc chắn sẽ cảm thấy rất ngại. Tôi cũng dạy con từ nhỏ, giải thích cho bé rằng tiền lì xì là để lấy may mắn đầu năm, nhận rồi về nhà bỏ ống heo.
Nhưng có lần tôi ngẩn cả người vì con của đồng nghiệp nhận lì xì của tôi đưa rồi cháu bóc ra ngay tại chỗ và kêu to: "Có mỗi 50 nghìn thôi, may mà tờ mới, nhưng sao ít thế?". Rồi nó quay qua hỏi đứa bé bên cạnh xem được bao nhiêu tiền. Thực sự lúc đó tôi thấy ngại khủng khiếp. Nhưng tôi làm gì có nhiều tiền mà lì xì cho trẻ con 100 nghìn như người khác?
Nhiều người lì xì cho trẻ theo kiểu rút một tập tiền dày cộp trong ví ra, loẹt xoẹt lấy từng tờ tiền mệnh giá 200, 500 nghìn để phân phát. Tôi thấy làm vậy thật hợm hĩnh, nhất là những người ưa xu nịnh và thích thể hiện. Có lẽ bản thân hộ cũng chẳng hiểu ý nghĩa của tục lì xì đầu năm là gì? Lì xì nhiều khi chỉ là trao nhau phong bao đo đỏ để lấy may thôi. Lì xì không phải là tặng tiền, biếu xén, nên nó mang ý nghĩa tinh thần nhiều hơn vật chất.
Thực tế, có những người lúc lì xì cho con trẻ còn cố tình khoe ra để cho bố mẹ cháu bé biết là mình có đưa tiền. Họ còn chuẩn bị phong bì thật khác biệt để bố mẹ đứa bé còn nhận ra sau khi bóc. Người ta cứ để lũ trẻ bóc lì xì ra xem ngay trước mặt cả nhà, còn so bì xem ai lì xì nhiều, ai lì xì ít... Tất cả những thứ đó đều là lỗi hoàn toàn ở người lớn do không biết giáo dục con trẻ, nên đừng vôi trách trẻ con.
Nhà tôi luôn quán triệt với con cái ngay từ nhỏ rằng Tết không phải để nhận lì xì, có hay không, nhiều hay ít không quan trọng. Ai lì xì bao nhiêu các con cũng cảm ơn lễ phép. Và tôi nhắc các con tuyệt đối không được bóc phong bì trước mặt mọi người, không so bì, bàn luận xem ai lì xì như thế nào?
Tôi thấy buồn cười khi nhiều người lớn dè bỉu người lì xì 10, 20 nghìn theo kiểu "tiền mừng tuổi không đủ ăn bát phở". Chẳng lẽ nếu không có phong bao lì xì đó thì con bạn đói à? Tóm lại, bạn thích lì xì hay muốn bỏ luôn tục lì xì cũng là quan điểm riêng của mỗi người. Người ta lì xì bao nhiêu là quyền của họ. Các bạn có thể lên vùng núi phía Bắc, có nhiều tập tục lấy may đầu năm rất hay, và họ chẳng kèm tờ tiền nào cả.
Đừng suy nghĩ theo kiểu "tặng tiền lấy may mà tiền ít thì chứng tỏ mang xui xẻo đến cho người khác". Nếu ai cũng có tư tưởng như vậy thì có lẽ người nghèo cũng chẳng dám lì xì nữa, riết rồi mất hết cả phong tục truyền thống. Ở quê, tiền đâu có nhiều, nên 10, 20 nghìn là được rồi. Trẻ con cần gì thì bố mẹ phải có trách nhiệm mua sắm cho, chứ không thể mong tiền lì xì nhiều để bù lại. Nếu nhiều tiền thì đó là biếu tiền, tặng tiền chứ không phải là lì xì nữa rồi.
Những người có suy nghĩ xem trọng số tiền đã làm méo mó ý nghĩa của tục lì xì. Đừng biến tướng phong tục cổ truyền, nó sẽ làm khó xử với những người còn khó khăn. Tôi dạy con tôi là ai lì xì bao nhiêu cũng đều đáng quý, dù chỉ một nghìn cũng không được chê. Chê bai như thế là kém văn minh, là mất lịch sự. Tiếc rằng những điều dạy trẻ con ấy, đến cả người lớn cũng không chịu hiểu.
3 chị em giàu nhất Vbiz: Cẩm Ly viên mãn bên chủ hãng đĩa, Hà Phương ở nhà 800 tỷ tại Mỹ
Cẩm Ly, Hà Phương và Minh Tuyết là 3 chị em quyền lực trong showbiz Việt. Cả 3 nữ ca sĩ đều sống viên mãn, sở hữu cơ ngơi hoành tráng và ở biệt thự tiền tỷ đắt đỏ.