WHO công bố danh sách những quốc gia lười vận động nhất thế giới, Việt Nam ở đâu?
Mới đây, một nghiên cứu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố đã cho thấy danh sách những quốc gia "lười" bậc nhất thế giới. Đừng hiểu lầm! "Lười" ở đây không phải là "lười lao động", mà là lười vận động - yếu tố có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn.
Cụ thể theo tiêu chuẩn của WHO, mỗi người cần ít nhất 75 phút vận động mạnh, hoặc 150 phút vận động ở mức trung bình trong vòng 1 tuần. Họ đã theo dõi mức độ vận động của 1,9 triệu người trên 168 quốc gia, với các dữ liệu thu thập được từ năm 2016.
Kết quả cho thấy dựa trên tỷ lệ, 25% số người trưởng thành trên thế giới (tương đương 1,4 tỉ người) đang không vận động đủ khối lượng yêu cầu mỗi ngày. Mà khi vận động không đủ, có nghĩa là bạn đang ngồi hoặc nằm quá nhiều. Điều này khiến bạn rất dễ mắc các chứng bệnh liên quan như tiểu đường, bệnh tim, thậm chí là cả ung thư.
Vậy đâu là quốc gia "lười" bậc nhất? Yên tâm, Việt Nam không có trong số này đâu, nhưng việc có cả Brazil - vương quốc bóng đá thì được xem là điều bất ngờ.
10 quốc gia lười nhất (tỷ lệ người không vận động đủ)
Kuwait: 67%
Samoa thuộc Mỹ: 53,4%
Arab Saudi: 53%
Iraq: 52%
Brazil: 47%
Costa Rica: 46,1%
Cyprus: 44,4%
Suriname: 44,4%
Colombia: 44%
Đảo Marshall: 43,5%
Nằm ngoài top "lười" nhất, chúng ta có Mỹ xếp thứ 143 về độ chăm vận động (tức thứ 23 về khoản lười), với tỷ lệ là 40%. Anh Quốc xếp thứ 123, với 35,9%.
Còn Việt Nam thì sao nhỉ? Rất tiếc là trong danh sách, chúng ta không có thống kê cụ thể. Tuy nhiên, có thể nói xếp hạng của chúng ta về độ chăm chỉ sẽ cao hơn Mỹ và Anh, vì tỷ lệ chỉ khoảng 20-30% thôi.
Ít vận động sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy
Và dĩ nhiên, có nước lười nhất thì cũng có nước chăm nhất. Quốc gia vinh dự đạt được danh hiệu đó là Uganda - một đất nước nằm ở Đông Phi. Và trong Đông Nam Á cũng có 2 đất nước nằm trong top 10, là Cam-pu-chia và Myanmar.
Những quốc gia chăm chỉ nhất (tỷ lệ số người ít vận động)
Uganda: 5,5%
Mozambique: 5,6%
Lesotho: 6,3%
Tanzania: 6,5%
Niue: 6,9%
Vanuatu: 8%
Togo: 9,8%
Cam-pu-chia (Cambodia): 10,5%
Myanmar: 10,7%
Tokelau: 11,1%
Kết quả này có ý nghĩa gì?
Khi so sánh với các thống kê trong quá khứ, WHO nhận thấy rằng nỗ lực để giảm tỷ lệ ít vận động tại các quốc gia trên thế giới - còn khoảng 10% vào năm 2025 - đang không đạt được chỉ tiêu đề ra.
Nhưng đáng chú ý, những quốc gia có thu nhập cao thường có mức vận động cao hơn, và phụ nữ thì thường ít vận động hơn nam giới.
Theo: kenh14.vn
Bùng phát dịch tả lợn đầu tiên tại Nhật Bản trong 26 năm
Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ngày 9/9 xác nhận dịch tả lợn đã bùng phát tại nước này, đồng thời đình chỉ việc xuất khẩu thịt lợn và thịt lợn rừng.