Virus kỳ thị- Loại virus đang lây lan nhanh trong mùa dịch
Gần đây, ở Nhật Bản liên tiếp xảy ra các vụ tranh cãi trên tàu điện, người dân trả lại quà khi nộp thuế hay xua đuổi nhân viên y tế,…Nguyên nhân để xảy ra những vụ việc trên đều bắt nguồn từ tâm lý lo sợ bị lây bệnh.
Tại thị trấn Yuasa, tỉnh Wakayama sau khi khi công bố xuất hiện ca nghi nhiễm Covid-19 trong bệnh viện, người dân địa phương nơi đây liên tục thắc mắc về quà nhận được khi đi nộp thuế địa phương (furusato no zeikin – khi nộp thuế này bạn sẽ nhận được nông sản địa phương), có người thậm chí đã từ chối nhận các loại cam quýt do lo ngại nhiễm bệnh, nói rằng “Tôi không cần, hãy sử dụng chúng một cách có ích”. Nghe có vẻ là ý tốt, nhưng thực chất là muốn thị trấn thay đổi món quà khác. Người phụ trách tỏ ra lo lắng “ Nếu họ từ chối thì sẽ gây ra khó khăn trong sản xuất của địa phương”.
Gần đây, trên tuyến JR Yamanote cũng đã xảy ra một vụ tranh cãi rất lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc một người đàn ông khi thấy người phụ nữ đeo khẩu trang ngồi bên cạnh ho thì đã gắt lên “ Corona thì đi sang toa bên cạnh”. Người đàn ông ngồi bên ghế đối diện nói “ Thật ồn ào”. Sau đó thì xảy ra cuộc cãi vã trên tàu giữa hai người đàn ông này. Nam học sinh quay video cho biết “ Từ góc nhìn của người thứ 3, tôi thấy thật xấu hổ khi người lớn lại làm như vậy. Cảm giác như sắp tận thế vậy”.
Người dân lo lắng, biểu hiện quá mức trước việc ho và hắt hơi, thậm chí ngay cả chính trị gia cũng không thoát khỏi những ánh nhìn đầy nghi hoặc. Gần đây, trên mạng đang xuất hiện nhiều lời chỉ trích với từ khóa [#加藤検査しろ]-“Katou, hãy đi kiểm tra đi” nhằm vào Bộ trưởng Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động Nhật Bản khi ông này ho trong một buổi họp báo. Trong một buổi họp báo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Hagiuda Koichi, ánh đèn flash cũng nháy sáng đúng lúc vị Bộ trưởng này ho. Trước phản ứng thái quá của nhiều người dân, những người bị dị ứng phấn hoa lại càng tỏ ra lo sợ.
Ngày 22/2, Hiệp hội Y học Thảm họa Nhật Bản cho biết, các nhân viên y tế vận chuyển những bệnh nhân mắc Covid-19 trên con tàu Diamond Princess, họ đang phải chịu những đối xử bất công, những ánh nhìn dò xét, không mấy thiện cảm từ những người xung quanh, bị yêu cầu hạn chế tới gần nhà trẻ, bị những đồng nghiệp coi như mầm bệnh “ばい菌”, thậm chí còn bị bệnh viện nơi họ từng làm việc không cho vào. Cơ quan đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với những hành động trên do vi phạm quyền con người, cho rằng nếu không có các nhân viên này thì sẽ có nhiều thủy thủ, hành khách nhiễm bệnh, thậm chí là chết, đồng thời kêu gọi mọi người hãy cùng nhau hành động một cách tích cực.
Sự đề phòng là điều cần thiết trong tình cảnh dịch bệnh hiện tại, những điều đáng lo lắng bây giờ là ranh giới giữa những nỗi sợ chính đáng này với sự kỳ thị đang dần trở nên không rõ ràng trong xã hội. Do đó, để đẩy lùi dịch bệnh, không chỉ mỗi người bệnh, bác sĩ hay những nhà nghiên cứu cần cố gắng mà còn cần cả sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
Tham khảo:
Theo: isenpai.jp
Một phụ nữ Nhật nhiễm virus corona tử vong
Nhật Bản ngày 13/2 ghi nhận người đầu tiên nhiễm virus corona tử vong. Trong khi đó, số ca được xác nhận nhiễm virus trong số những người đang bị cách ly trên một du thuyền ở nước này cũng tăng vượt mức 200 người.