Việt Nam chiếm 55% trong số lao động được cấp thị thực tại Nhật Bản
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các số liệu thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập cảnh và Quản lý Cư trú thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản cho thấy người Việt chiếm 55% trong số các lao động được cấp thị thực theo chính sách mới mà Nhật Bản đã bắt đầu áp dụng từ đầu tháng 4/2019.
Theo cơ quan này, đến cuối tháng 12/2019, các nhà chức trách Nhật Bản đã cấp thị thực cho 1.621 lao động sang nước này làm việc theo diện lao động có kỹ năng đặc định, tăng 7,4 lần so với ba tháng trước đó. Đáng chú ý, có tới hơn 90% trong số này là những người đã hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ thuật.
Nếu tính theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam có số lượng các lao động được cấp thị thực theo chính sách mới đông nhất với 901 người. Tiếp theo là Indonesia (với 189 lao động) và Philippines (với 111 lao động).
Nếu tính theo ngành, ngành chế biến thực phẩm và đồ uống tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài nhất theo chính sách thị thực mới với 557 lao động. Các ngành tiếp theo gồm nông nghiệp (292 người) và chế tạo máy công nghiệp (198 người).
Chính phủ Nhật Bản bắt đầu áp dụng chính sách thị thực mới từ ngày 1/4/2019, với mục đích thu hút thêm lao động nước ngoài tới nước này để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Theo chính sách thị thực mới, lao động nước ngoài với trình độ tiếng Nhật và chuyên môn nhất định có thể đăng ký tư cách lưu trú mới với tên gọi “Lao động có kỹ năng đặc định loại 1” có thời hạn lên tới 5 năm và họ có thể làm việc trong 14 lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc y tế.
Các lao động có chuyên môn trong hai lĩnh vực xây dựng và đóng tàu có thể đăng ký tư cách lưu trú dành cho “Lao động có kỹ năng đặc định loại 2” để làm việc ở Nhật Bản trong thời gian dài hơn.
Tư cách lưu trú loại 2 cho phép lao động nước ngoài mang theo gia đình và không giới hạn số lần họ gia hạn thị thực.
Nguồn: TTXVN
Những thói quen trong công việc nên học hỏi từ người Nhật
Cùng chúng tôi tìm hiểu về thói quen trong phong cách làm việc của người Nhật, chắc chắn sẽ có nhiều điều để người Việt chúng ta học hỏi và áp dụng vào văn hóa công sở.