Việt kiều Mỹ nhớ hoài tuổi thơ dép nhựa 'đỉnh cao', áo vá tám chín chục màu: Ngày xưa ơi...

Năm tôi học lớp một, chị Hòa may cho tôi cái áo chấp vá từ vải vụn tám chín chục màu. Bị bạn bè chọc, tôi hổng thèm mặc nữa. Giờ mà có cái áo như thế tôi sẽ mặc mỗi ngày vì quá đẹp, rất… thời trang.

Mượn sách... truyền kiếp

Lúc tôi đi học thì hết mượn sách thư viện rồi. Sách giáo khoa đi mượn mấy anh chị cùng xóm, tám chục năm mới đổi một lần, mấy bài thơ hồi lớp một vẫn nhớ chẳng sót chữ nào, “cái trống trường em, mùa hè cũng nghỉ, suốt ba tháng liền, trống nằm ngẫm nghĩ…”. Không phải như giờ thay xoành xoạch như trở bàn tay.

Đứa nào giàu mua vở Bút Cầu, giấy trắng thơm lắm, nghèo như tôi thì chỉ xài giấy hẩm, nhìn vô còn thấy cả vỏ cây hay cọng rơm lởm chởm. Nhà nào có của mới xài bút Ba Đình, viết chữ đẹp mê ly, còn không cứ viết thường, kè kè hũ mực để bơm, quẹt lên tóc cho khỏi lem. Vậy mà chiều về tay đứa nào cũng dơ òm, rửa cả buổi mới sạch.

Sợ nhất là chơi trò rảy mực vô áo trắng, về nhà chắc nát cái mông. Tôi thích nhất là lúc khai giảng, ra chợ mua giấy báo Liên Xô về bao vở. Những tờ tạp chí đầy chữ không hiểu gì, nhưng láng on, thơm cực kì, quậy tí bột năng thành hồ bao vở, nắn nót ghi nhãn vở.

Dép 'huyền thoại' và đồ mới chấp vá tám chín chục màu

Hầu như góc chợ nào cũng có chú hàn dép ngồi bên cái lò đỏ rực than, mấy thanh sắt và vài đôi dép cũ. Dép con gà đế nhựa màu vàng, quai bằng da trâu hay bò ngai ngái là “đỉnh cao” của năm tháng khổ nghèo, chỉ có dân chơi hay nhà giàu mới đủ tiền mua về mang lận.

Bọn tôi từng nghĩ, được xỏ chân vô đôi dép ấy chắc giống như một bước lên tiên, nhẹ nhàng êm ái. Mà ai mua nó về luôn phải giữ như báu vật trên đời, đi đâu cũng phải kè kè một bên. Tới nhà ai coi tivi cũng hổng dám để trước sân, mất chắc khóc tám ngày chưa hết nước mắt.

Nhà đứa nào khá chút đỉnh thì mang dép lào, dép cá sấu, còn nghèo như bọn tôi thì mang dép nhựa. Nó dỏm òm, mang vài tháng là đứt càng, hở quai, tiền đâu mua dép mới nên phải đi hàn lại. Thế là ra chợ, đưa trăm bạc, chú hơ cây sắt cho nóng, cắt miếng dép mồi, kê vô chỗ đứt, làm cái xèo, khói bay mù mịt. Xong. Cứ đứt là hàn, đứt là hàn, nhiều khi đôi dép vá chằng vá đụp thấy thương. Hết chỗ hàn mới đi bán nhôm nhựa được vài đồng ăn bánh. 

Mỗi năm tụi tôi chỉ được may bộ đồ mới ăn Tết, chứ phần lớn là mặc áo bính. Đứa lớn mặc chật, nhường xuống đứa nhỏ phía sau tiết kiệm. Đêm ba mươi Tết, cả bọn đứng ngay cửa sổ, chị Hoà may đồ cho khách trước rồi mới may cho người nhà. Xong cái nào, đưa ra, hí ha hí hửng mặc cái đó, áo còn in vết phấn may và đường chỉ lược. Còn không thì chị lấy vải tám mỏng như lá lúa (vải may áo tang bây giờ), hay vải vụn, vá chùm vá đụp thành cái áo cho tôi, y như miếng giẻ lau nhà đủ màu sắc.

Năm tôi học lớp một, chị Hòa may cho tôi cái áo tám chín chục màu như thế. Vô lớp bị bạn bè chọc quá trời. Về nhà khóc bù lu bù loa thế là hổng thèm mặc nữa. Giờ mà có cái áo như thế tôi sẽ mặc mỗi ngày vì quá đẹp. Ngẫm lại hồi đó mình cũng rất… thời trang.

Trò chơi điện tử điện tử về làng

Có giai đoạn khắp nơi rộ lên trò chơi điện tử. Cả làng chỉ có mỗi mình nhà dì Sáu ở xóm dưới có hai cái đầu máy cũ mèm với mớ băng trò to đùng mua từ Sài Gòn về để cho thuê. Cứ năm trăm đồng một tiếng chơi đã cả tay. Trời ơi, tụi tôi chắt chiu từng xu một, không ăn, không mặc, trốn ba má xuống cắm mặt nhà dì cả ngày lẫn đêm không dứt.

Oai vệ đưa tờ năm trăm đồng, bảo dì cho con thuê máy rồi nôn nao chờ đợi. Dì chạy vô phòng, cầm cái băng to bằng một nửa băng video, cắm vô máy trong cặp mắt khao khát mãnh liệt của tụi tôi. Trên màn hình tivi, những trò chơi huyền thoại bằng kĩ thuật đồ họa đơn giản nhất bắt đầu xuất hiện. Xe tăng, đua xe, xếp gạch, giết rồng, Na tra cứu mẹ… mấy trò chơi tới lui, qua lại mấy tháng trời vẫn không thấy chán.

Nhà dì còn có mấy bàn bida và bi lắc luôn đông đen người chơi nữa. Con nít con nôi không đụng tới bida, riêng bi lắc thì thiệt tình mê mệt. Khi banh hết mà tiền cũng không còn, bàn tay đứa nào cũng dính dầu máy đen thui, lật đật nhúng tay vô nước, hốt nắm cát chà chà cho ra, chứ không về nhà có nước no đòn.

Chơi chán, tụi tôi chuyển qua chơi bán hàng xén. Cái trò đổ bánh căn, bánh xèo luôn thường trực. Để dành tiền lì xì dịp Tết, hay nhịn ăn nhịn uống cả tháng trời, cả bọn kéo nhau ra chợ, mua mấy cái lò, chảo, xoong, nồi nhỏ xíu xiu nằm gọn trong lòng bàn tay, bằng đất sét nung. Về nhà, đứa lén đi ăn cắp than trong bếp. Đứa cầm tô đi xuống hàng bánh xèo dì Ba mua mấy trăm đồng bột về đúc bánh căn. Đứa đi tìm hẹ, nấu mắm. Nấu thiệt ăn thiệt, nhưng bán bằng dây thun. Đứa nào không có tiền tôi cho thiếu chịu.

Con nít con nôi, đứa nào cũng ham giành làm chủ. Nhưng ở đây, chốn này, chỉ có một chủ quán thôi. Đó là tôi! Coi bộ ốm yếu, nhỏ con, nhưng miệng mồm như bôi mỡ, lanh nhất nhì xóm.

Ngày xưa ơi!

Mỗi lần về thăm quê cũ, ghé lại nhà xưa, nhìn rui cột ngói mè, thấy lòng rộn ràng chi lạ. Giờ cũng chẳng ai cất nhà tranh, vách đất hay nấu nướng bằng bếp trấu, lò xô nữa. Tôi thì không thay đổi chi nhiều, những món quen năm cũ ăn hoài, mê cải lương như xưa, thuộc làu làu tới mấy chục tuồng nhưng biết mình hát hổng có hơi nên không còn mơ làm đào kép chánh.

Đi loanh quanh phố xá, gặp lại cảnh cũ người xưa, nhớ những ngày rách áo, đói lòng, cơm hổng đủ ăn, mỗi sáng đứng trước hàng xôi, bánh mì, hít lấy hít để mùi thịt cháy trên thành lẩu thơm dàn trời, cứ mơ có tiền sẽ mua mấy chục ổ bánh về ăn cho đã.

Tôi đi Mỹ năm 2000, cuộc sống đổi thay rất nhiều, không còn khó trần ai nữa. Giờ chạnh lòng nhớ ba nhớ má, nhớ những bà hàng năm cũ giờ đã hóa thiên thu. Nhớ mấy bạn bè chung xóm năm xưa. Đứa có chồng có vợ con cái đùm đề. Thằng hạnh phúc với mái ấm đơn sơ, đứa lẳng lặng chia tay vất vả hai nách ba con. Đứa giờ mải miết lao thân kiếm sống nhưng cứ mong ngóng trở về. Thằng gắn bó với đồng ruộng xứ này, chưa một lần rời xa quê mẹ....

Tags:
Hé lộ bí mật về cᴜộc đời thật của NSƯT Kim Tiến: Giọng đọc huyền thoại với câu “Thuê bao quý khác vừa gọi hiện không liên lạc được”

Hé lộ bí mật về cᴜộc đời thật của NSƯT Kim Tiến: Giọng đọc huyền thoại với câu “Thuê bao quý khác vừa gọi hiện không liên lạc được”

NSƯT Kim Tiến được mệnh danh là “Giọng đọc huyền thoại”, dù đã về hưu nhưng cuộc sống của bà vẫn được công chúng quan tâm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất