Việt Kiều bảo lãnh cha mẹ qua có phải để phụng dưỡng hay vì lý do khác?
Đầu tiên, tôi xin đưa ra bài toán kinh tế nhỏ như này. Quý vị ai ở bên này có con nhỏ đều biết việc cho con đi nhà trẻ là vô cùng tốn kém. Nếu gửi cho người nước ngoài chăm, một ngày mất tới 50-60 đô, còn người Việt thì cũng mất tới 30-40 đô rồi. Vị chi 1 đứa mất 1 ngàn đô 1 tháng, 2 đứa mất 2 ngàn, 3 đứa mất 3 ngàn. Còn lương cha mẹ, nếu làm hãng bình thường, trừ đầu trừ đuôi mang về giỏi lắm một người được khoảng 2 ngàn. Nếu có 1 đứa nhỏ là đã mất nửa lương, 2 đứa là đã mất trắng lương hàng tháng.
Do vậy, trong 1 gia đình, thường có 1 người chịu chi phí chăm con hoặc 1 người đi làm 1 người ở nhà trông con. Tuy nhiên, nếu cứ như vậy hoài, thu nhập thật sự chẳng đáng bao nhiêu, cuộc sống sẽ vô cùng chật vậy. Cho nên có 1 con đường khác, một con đường mà vừa được tiếng thơm lại vừa đỡ cực cho 2 vợ chồng. Đó là: Bảo lãnh bố mẹ qua bên này sống cùng. Bảo lãnh bố mẹ qua nước ngoài rồi, có người trông nhà, có người chăm con, cuối năm khai thuế vì chăm sóc bố mẹ già có khi còn được giảm một phần nào đó. Nghĩ đi nghĩ lại, chẳng ai chăm cháu tốt như ông bà, vậy bảo lãnh ông bà qua đây thật sự là một lựa chọn ‘sáng suốt’, nhà có người dọn, cơm có người nấu, cháu chắt có người trông nom.
Nếu hàng tháng, cha mẹ ở Việt Nam, có khi còn gửi vài trăm về phụng dưỡng, còn cha mẹ qua bên này rồi, sự thật vô cùng đau lòng. Có những câu nói mà người già nghe xong họ thấy tủi thân thật sự khi mà con cái kể công hàng tháng đã phải chăm nom bố mẹ như nào, chi phí ăn uống, sinh hoạt của bố mẹ ra sao.
Cho nên, người già khi qua bên đây thật sự rất tội nghiệp. Đầu tiên là chăm cháu, không có phải cháu Việt Nam, nhiều khi nói nó không nghe, lỡ tay uýnh nhẹ nó 1 cái, rồi nó ra trường mách cô, có khi cảnh sát tới tận nhà phiền phức lắm. Rồi tiếp theo là khi ông bà chăm cháu theo cách truyền thống, con cái lại nói những câu đau lòng như: ‘Ôi cha mẹ lạc hậu rồi, giờ ai còn chăm theo kiểu đó’ hoặc là ‘Ôi đây là nước ngoài mà, đừng có ép theo kiểu đó’. Hai luồng tư tưởng, thực sự trái ngược nhau rất nhiều. Do vậy, các cụ qua bên đây, không có ai là vui thực sự, có khi phải cố cắn răng, cố vui cho con cháu nó yên tâm mà làm ăn.
Qua bên này rồi, khao khát được về thăm quê, về quê chơi dăm tháng của các cụ thật sự rất khó khăn. Thậm chí, có ông bà khi qua bên này còn phải đi làm thêm kiếm tiền. Các bà thì nhận giữ trẻ, giữ cháu mình rồi lại nhận giữ thêm con nhà hàng xóm. Nhưng mà như vậy thì đôi khi không dọn dẹp kịp nhà cửa, đồ đạc lộn xộn, về con cái nó thấy nó lại không vừa lòng, nó lại la mắng. Còn các ông có khi phải vác thân già đi làm hãng. Bên này không thiếu gì các ông 60,70 tuổi còn phải đi cày trong khi Việt Nam gọi độ tuổi đó là tuổi hưởng phước. Các cụ đôi khi phải cố kiếm lấy đồng ra, đồng vào để mà còn lo lắng cho sau này, để mà trang trải lúc đau ốm, bệnh tật, có nhiều khi, chẳng dám phiền tới con cái.
Vậy mà con cái đâu có hiểu cho, mình lo cho nó đôi khi còn bị nó cho là phiền phức. Tôi nói điều này bởi vì bản thân tôi có rất nhiều bạn già. Người già bên này thực sự rất cô đơn, xe cộ thì không biết đi, tiếng thì không biết nói, có khi gọi điện về Việt Nam tám chuyện thì con cái lại bực nó nói ‘già rồi sao mà lắm chuyện để nói quá vậy’.
Có thể nhiều người biện hộ bên đây dịch vụ sức khỏe tốt, ba mẹ được chăm sóc tốt hơn. Nhưng thực ra, người già họ cần tinh thần là chủ yếu. Có khi ở Việt Nam đồ ăn không có đảm bảo nhưng tinh thần họ thoải mái, họ còn sống thọ hơn khi qua bên này, khi mà cứ phải chịu nỗi khổ hàng ngày không có dám nói ra.
Tuy nhiên, chia sẻ này cũng chỉ là dưới góc độ cá nhân của tôi, đó có thể chỉ là một số trường hợp, đại đa số hay thiếu số thì bản thân quý vị có lẽ là hiểu nhất. ‘Sự thật thì mất lòng’, tôi dám nói ra như vậy bởi tôi thấy thương hoàn cảnh các cụ già khi qua bên này. Cha mẹ mình già rồi, còn sống được bao nhiêu ngày thì hãy để họ hưởng phước bấy nhiêu ngày. Đôi khi cái họ cần nhất là cuộc sống hạnh phúc, an nhàn tuổi già. Có những câu chuyện, thật sự khi nói ra thì đau lòng vô cùng.
Theo: nguoivietnamchau.org