Vì sao người Nhật ăn cơm một mình vẫn nói ‘chúc ngon miệng’?
Trước mỗi bữa cơm, người Nhật thường hành lễ: chắp tay, cúi đầu và nói một câu “Itadakimasu”. Dù đang ngồi ăn một mình hay khi ra ngoài ăn tiệm với cả gia đình hoặc nhóm bạn thì họ vẫn có thói quen này. Đây là một phong tục lâu đời ở xứ phù tang, với nhiều ý nghĩa thú vị hơn là một lời mời ăn cơm hay chúc ăn ngon miệng.
Trong tiếng Nhật, câu “Itadakimasu” có hai nghĩa, bao gồm: đón nhận và cung kính. Theo đó, lễ nghi chắp tay nói cụm từ này cũng có nhiều ý nghĩa. Đầu tiên, đó là lời biết ơn đối với người đã góp phần tạo ra mâm cơm (bao gồm người nuôi trồng nguyên liệu cho tới người nấu nướng). Đồng thời, câu nói này cũng là lời cảm ơn mọi người đã tề tựu đông đủ trong bữa ăn.
Ngoài ra, “Itadakimasu” còn có ý nghĩa là đón nhận, trân trọng các thành phần làm nên món ăn. Người Nhật cho rằng, vạn vật trên đời đều có sinh mạng, từ động vật gà, cá, lợn, bò cho tới các nguyên liệu hành, tỏi, tiêu… Do đó, việc chúng hy sinh thân mình để duy trì cuộc sống của con người rất đáng trân trọng và thiêng liêng. Từ đây, câu nói có thể hiểu là: “Tôi nhận được cuộc sống của bạn và hãy để nó trở thành cuộc sống của tôi”.
Do đó, ngay cả khi đi một mình, không có ai để mời ăn cơm thì người Nhật vẫn hành lễ đều đặn nhằm tôn kính người đầu bếp, những người xung quanh và biết ơn các loại động vật thực vật đã “hy sinh” cho bữa ăn. Ngoài ra, câu “Itakasimasu” cũng được sử dụng khi bạn nhận đồ từ người lớn tuổi để tỏ lòng cảm kích và tôn kính.
Thói quen hành lễ trước khi ăn được dạy rất cẩn thận trong các nhà trường ở Nhật. Các em nhỏ còn được học một bài hát mang tên Obento no uta (bài hát của Obento), trong đó là nội dung giáo dục nhẹ nhàng và ý nghĩa với các em nhỏ, từ đó hình thành thói quen tốt cho các em.
Ngày nay, nhịp sống hối hả, nhiều gia đình Nhật không còn giữ thói quen ăn cơm cùng nhau, ngay cả thói quen hành lễ trước bữa ăn cũng được giản lược. Nguời ta chỉ nói “Itadakimasu” chứ không còn chắp tay cúi đầu như trước đây nữa. Còn khi ăn xong, người Nhật hay nói “Gochisousamadeshita” với ý cảm ơn người đầu bếp đã nấu một bữa ăn rất ngon. Còn nếu đi ăn tiệm, câu khẩu ngữ này được xem như lời cảm ơn người đã mời mình dùng bữa.
Theo Ngoisao
Tại sao người Nhật kém tiếng Anh
Người Nhật vẫn nổi tiếng là kém tiếng Anh dù môn ngoại ngữ này được đưa vào chương trình học từ rất sớm.