Về Việt Nam dịp Tết: Lật tẩy chiêu trò “chô.m” hành lý ở sân bay Việt Nam và cách phòng tránh.

Giới bốc vác tại sân bay Nội Bài kể, trước năm 2010 là thời kỳ “hoàng kim” của nghề. Dù lương chưa tới 4 triệu đồng/tháng, nhưng không ít người tìm mọi cách xin làm bốc vác.

Thời đó, việc lấy cắp đồ trong hành lý khách bay dễ như trở bàn tay…

Thấy của rơi tạm thời đút túi

Trước tình trạng đồ giá trị của hành khách bị mất cắp tại sân bay diễn ra phổ biến, để lại nhiều bức xúc trong dư luận; Bộ GTVT mạnh tay xử lý, công an vào cuộc, tình hình trở nên khác trước đây.

Đặc biệt từ cuối 2014, đầu 2015, tình trạng mất cắp đồ của hành khách tại sân bay đã giảm đáng kể. Dù không phải công nhân nào cũng chủ đích “móc” hành lý của khách để lấy đồ, nhưng trong quá trình làm việc, đồ giá trị của khách rơi ngay trước mặt, lương lại thấp, không phải ai cũng đủ can đảm từ chối.

Tôi đi làm bốc vác tại sân bay Nội Bài đúng thời điểm cơ quan quản lý đang siết lại hoạt động này để chống trộm cắp.

Phu hành lý sân bay Vũ Hạ Sơn có hơn 20 năm làm bốc xếp, kể: Trước đây, lấy đồ của khách dễ hơn bây giờ. Đó là thời điểm đội bốc xếp vẫn chưa chia tách, mỗi kíp phải bao trọn từ bốc hành lý trên tàu bay xuống, tới lúc trả hết cho khách.

“Thời đó lên tàu bay muốn ăn gì thì lấy, bia tây, rượu ngoại uống thoải mái. Còn lấy đồ của khách thường chỉ trộm cắp vặt. Đó là khi làm hành lý của khách bị rách đồ rơi ra, lòng tham không kìm được nên lấy bỏ túi đem ra ngoài bán.

An ninh sân bay trước đây cũng kiểm soát lỏng lẻo, giấu đồ trong người đem ra ngoài vẫn được. Thử hỏi cuộc sống nghèo khó, thấy đồ có giá trị trước mắt mình, mấy ai kìm lòng nổi. Giờ cũng vậy, lấy đồ đem ra bị phát hiện nhiều khi chỉ là hên xui.

Phải hôm an ninh sân bay làm lỏng vẫn đem ra được. Nếu bị phát hiện sẽ mất việc. Còn nói ở Việt Nam có đường dây trộm cắp hành lý chỉ là suy đoán. Tớ làm đây bao nhiêu năm tớ biết”, ông Sơn nói.

Quá trình chuyển hành lý nối chuyến quốc tế đi nội địa công nhân hoàn toàn có thể lấy đồ và vứt ra vườn hoa bên cạnh cũng không ai biết.

Suốt thời gian làm bốc vác ở sân bay Nội Bài, hầu như ngày nào tôi cũng gặp vài trường hợp hành lý của hành khách bị rách, bung khóa; có trường hợp hành lý rớt ra thùng hàng, anh em nhặt rồi nhét lại trả cho khách.

Tối 23/8, khi đang trả hành lý cho hành khách ở nhà ga T1, chiếc vali tôi vừa nâng lên, một món đồ bên trong rơi ra, tôi loay hoay chưa biết xử lý thế nào thì Bắc đứng cạnh nhắc khẽ: “Nhặt bỏ lại vào vali rồi kéo khóa trả cho khách. Không sao đâu, chuyện bình thường”.

Ngoài một số trường hợp bị công an bắt và khởi tố, đã bị đuổi việc vì hành vi ăn cắp đồ của khách, ông Nguyễn Văn Luyện (phu bốc vác lâu năm), kể: Năm 2014, có 2 công nhân bốc xếp của Niags bị đuổi vì có hành vi nghi vấn.

Một người khi bốc xếp hành lý thấy có phong bì rơi ra, thay vì thông báo vụ việc, anh này lấy chân đẩy chiếc phong bì vào băng chuyền để giấu. Một anh khác khi xếp hành lý cho chuyến bay Hà Nội – Đà Nẵng, nhưng lúc làm lại lấy vali của hành khách đi Huế loay hoay tìm kiếm gì đó một hồi mới vứt vali trở lại băng chuyền.

“Không biết phong bì có gì, nhưng khi thấy rơi ra, anh phải báo với cấp trên, tại sao phải giấu? Trường hợp sau chưa biết lấy được gì, nhưng hành động đó đáng ngờ. Vì nếu anh lấy được đồ, hành khách đi Huế khai báo mất, chỉ những nhân viên bốc xếp hành lý cho chuyến bay đó phải chịu trách nhiệm.

Còn anh làm chuyến Đà Nẵng không liên quan gì. Cả 2 trường hợp đều bị camera ghi lại và bị đuổi”, ông Luyện lý giải.

Hay như hồi đầu tháng 7 vừa qua, một công nhân dọn vệ sinh tàu bay tên Dũng cũng bị đuổi việc vì lấy iPad của khách bỏ quên. Dũng chỉ bị phát hiện khi về qua cửa an ninh sân bay…

Những cơ hội chôm đồ

Trong giới bốc vác sân bay Nội Bài vẫn lưu truyền những câu chuyện đáng xấu hổ về một thời hoàng kim. Đó là những năm 1990-2000, có nhân viên bốc xếp lấy được cả thùng tổ yến, sừng tê giác. Nhiều trường hợp đồ buôn lậu, hành khách có mất cũng không dám khai báo.

Có công nhân được mệnh danh là “bàn tay vàng” vì chỉ cần một động tác đẩy là khe dán của thùng hàng bật ra để thò tay vào móc. Xong việc, người này lấy tay mướt nhẹ băng dính lại gần như về nguyên trạng.

Quá trình bốc xếp hành lý cho khách thường xuyên gặp phải những túi đồ hay thùng hàng bị rách, thủng rớt đồ ra ngoài. Ảnh cắt từ clip

Còn chuyện giấu cả chục chiếc điện thoại quanh người; giấu trong đồ ăn, chỗ “kín”… hòng qua mặt an ninh không hiếm. Từ năm 2010, an ninh bắt đầu được siết, nhưng thi thoảng, người bốc vác vẫn lấy được đồ của khách đem ra ngoài. Chỉ từ tháng 3/2015 mọi việc mới trở nên thật sự khó khăn.

Từ tháng 3/2015, báo chí phản ánh nhiều, một số người bị bắt và khởi tố, khiến lực lượng an ninh sân bay làm gắt gao (khám từng người trước khi ra khỏi sân bay) tình hình trộm cắp giảm hẳn.

“Giờ lấy đồ vẫn không khó, chỉ làm sao đem được ra ngoài”, một công nhân nói. Ngoài việc ra vào sân bay đều phải qua cửa an ninh, từ đầu năm 2015, tất cả nhân viên phục vụ (bốc dỡ hàng, vệ sinh tàu bay) trước khi lên và xuống tàu bay đều bị an ninh sân bay kiểm tra, có lấy được đồ cũng không dám để trong người.

Điển hình, như trường hợp 2 nhân viên công ty Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) bị bắt hồi cuối tháng 7 vừa qua, dù lấy được điện thoại của khách nhưng thấy nhân viên an ninh đứng dưới kiểm tra chặt nên không dám cầm theo người, phải giấu lại trên hầm hàng tàu bay.

Dù công nhân bốc vác hành lý bị cấm dùng điện thoại, nhưng nhiều công nhân vẫn vô tư dùng khi làm việc. Ảnh cắt từ clip.

Tuy vậy, thực tế vẫn còn nhiều kẽ hở để nếu chủ định cắp đồ vẫn có thể mang ra ngoài. Để kiểm chứng, trong tuần đầu xuống thực tập, tôi ngày nào cũng mang 2 điện thoại theo người, đều ra vào bằng lối đi nội bộ ở nhà ga T1, nhưng chỉ có 1 lần nhân viên an ninh yêu cầu tôi mở khóa điện thoại để thử.

Cách lối đi nội bộ của nhà ga T1 chỉ khoảng 5-6 m là tường rào sân bay, giả sử người bốc vác có đặt đồ lấy được ở đây rồi ra ngoài vòng lại lấy cũng chẳng ai biết.

Ngoài ra, trong một số ca trực của nữ an ninh (những cô gái trẻ được giao kiểm tra người từng công nhân rời sân bay), dù máy kiểm tra cầm tay báo hiệu vẫn cho qua (trong khi nam nhân viên an ninh sẽ dùng tay soát lại khắp người).

Đặc biệt, ở nhà ga T2, khâu chuyển hành lý nối chuyến từ các chuyến bay quốc tế tới Nội Bài đi các sân bay khác trong nước rất dễ bị móc đồ. Với hành khách nối chuyến quốc tế đi nội địa, sau khi làm xong các thủ tục nhập cảnh, hành lý của họ được tập kết ở lối ra sảnh chính.

Từ đây, anh em bốc vác sẽ được điều động để đẩy hành lý vòng ra phía ngoài sân bay, rồi vòng vào lối đi nội bộ nhà ga T2 để chất lên xe kéo sang nhà ga T1. Trong quãng đường dài vài trăm mét dọc hành lang ngoài của nhà ga T2 không có camera hay ai giám sát. Đêm tối hay khi vắng người, nếu công nhân lấy đồ sau đó vứt ra vườn hoa cạnh lối đi cũng chẳng ai biết.

Các khu bốc xếp hành lý trong sân bay đều gắn camera, nhưng vẫn có nhiều điểm “mù”, như: Các thùng hành lý có thể che khuất góc quay của camera; hoặc khi nhân viên trả hành lý trèo lên thùng hàng để bốc đồ xuống camera cũng rất khó ghi nhận được gì (chưa kể nếu nhân viên còn lại thông đồng đứng chắn góc quay của camera).

Hay như tại Cty HGS, hầu hết hành lý không có thùng kín chuyên chở (hành lý ký gửi của hành khách được chất lên mâm hàng), khi vận chuyển lên hoặc xuống tàu bay rất dễ chôm đồ. Công đoạn bốc xếp lên hoặc xuống tàu bay chỉ có 2 công nhân với nhau, camera giám sát không có. Lúc đó, kẻ xấu muốn làm gì với hành lý cũng khó bị phát hiện.

Hành khách nên làm gì để ngăn ngừa tình trạng này?

Trong khi các cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra được các giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng mất cắp đồ đạc trong hành lý ký gửi thì bản thân mỗi hành khách nên có các cách để hạn chế rủi ro mất đồ trong các chuyến bay. Ngoài các động tác thông thường như dùng dây kéo bảo vệ để móc hai đầu khóa vali lại với nhau, hoặc dán thẻ cá nhân lên hành lý, v.v…., bạn có thể áp dụng thêm một vài mẹo nhỏ sau đây.

1. Cuốn vali bằng màng quấn công nghiệp

Quấn hành lý tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi, Thái Lan (Ảnh chụp màn hình YouTube)

Việc quấn nilon giúp hành lý không bị bung ra, giữ sạch sẽ và giảm hư hại vali do va đập trong quá trình bốc xếp. Tuy nhiên, nếu trong hành lý có những món đồ khả nghi cần phải kiểm tra cụ thể, nhân viên an ninh vẫn có thể rọc màng quấn để mở vali.

Tại Việt Nam, chỉ có các chuyến bay quốc tế mới có dịch vụ quấn màng nilon cho hành khách.

2. Sử dụng băng keo dán những chỗ quan trọng trên vali

Ảnh minh họa (Nguồn: Wiki)

Băng keo dán có thể giúp niêm phong các vị trí cần thiết trên vali như khóa kéo, phéc-mơ-tuya, … , để hạn chế rủi ro bị rạch hoặc nạy khóa vali. Tuy nhiên, nếu đối tượng trộm dùng dao bén nhọn để rạch các vali thì cũng đành chịu!

3. Chọn vali có hình thức bên ngoài cũ kỹ

Sử dụng vali chứa hành lý có vẻ ngoài cũ kỹ giúp tránh gây sự chú ý của kẻ gian.

Một facebooker có ý kiến rằng: “Mọi người có về nước nên đóng hành lý cẩn thận, cần quấn nhiều lần băng dính ở ngoài rồi cho vào thùng, bên trong valy thì nên để nhiều quần áo ở bên ngoài, bọc những đồ đắt tiền ở giữa, như vậy có bị rạch va ly nhưng cũng rất khó để lấy được đồ.”

Để kết thúc bài viết này, chúng tôi xin mạn phép trích dẫn ý kiến của một độc giả trên mạng như sau:

“Biết rằng phải tự bảo vệ mình nhưng bảo vệ cách nào đây khi mà vali có khóa vẫn bị mất. Mong rằng các vị lãnh đạo ở các cửa khẩu hãy làm đúng chức trách của mình để những hành khách như chúng tôi không phải chịu thiệt thòi, đặc biệt khách du lịch là người nước ngoài. Xin đừng để họ phải dùng 2 từ “trộm cắp” ngay khi đặt chân đến Việt Nam.”

4. Sử dụng vali cứng với khóa ngầm ở mép thay vì khóa kéo bình thường.

Nếu muốn lấy đồ bên trong kẻ gian sẽ phải phá khóa, khi đó vali sẽ không thể đóng lại được.

Theo: nuocphap.net

Tags:
Sinh viên Việt Nam đang đổ vào Nhật Bản và những tính toán xa xôi của Tokyo

Sinh viên Việt Nam đang đổ vào Nhật Bản và những tính toán xa xôi của Tokyo

Trong trận chiến giành ảnh hưởng và cơ hội ở Đông Nam Á với Trung Quốc, Nhật Bản đang tiến vào một mặt trận mới là giáo dục khi Tokyo tích cực tuyển sinh viên từ khu vực với kỳ vọng tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất