Văn hóa đi tàu điện Nhật Bản, kinh nghiệm đi tàu điện tại Nhật Bản
Tại hầu hết các nhà ga, việc bán vé, kiểm soát vé được thực hiện hoàn toàn tự động. Đặc biệt, với việc sử dụng hệ thống thẻ từ, hành khách có thể ra vào ga vô cùng thuận lợi và nhanh chóng. Chỉ có như thế mới đáp ứng nổi lưu lượng hành khách khổng lồ vào giờ cao điểm.
Khi lên tàu điện, mọi người đều xếp thành hai hàng và không được phép chen ngang. Khi tàu điện đến, những người lên tàu đứng nép vào hai bên nhường cho người xuống tàu xuống hết mới lên tàu. Đó được coi là văn hóa khi đi tàu điện của người Nhật. Văn hóa tàu điện của Nhật còn biểu hiện ở cung cách của nhân viên nhà ga và nhân viên hướng dẫn trên tàu. Luôn cúi chào mỗi khi ra vào toa. Quần áo tươm tất, găng tay trắng tinh, làm việc cẩn thận, giúp đỡ hành khách tận tình.
Trên tất cả các toa tàu đều có ghế dành riêng cho người già và phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ. Khi thấy bất kỳ chiếc xe lăn nào chuẩn bị lên hoặc xuống tàu, đều có nhân viên đến hỗ trợ. Mọi lối lên xuống và ra vào ga đều có ốp gạch nổi để chỉ đường cho người khiếm thị.
Phụ nữ cũng rất được ưu tiên. Hầu hết các chuyến tàu đều có toa dành phục vụ riêng cho phụ nữ vào những khoảng thời gian cao điểm trong ngày.
Tàu điện vào giờ cao điểm rất đông, đông đến nỗi giống như một cái hộp nhồi nhét đầy người. Đứng ở trong đó, bạn có thể bị chen lấn đến không thở nổi, nhưng đó dường như là chuyện bình thường ở Nhật, không ai tức giận hay có thái độ khó chịu cả.
Người Nhật rất biết giữ ý là trên tàu điện thường tránh nghe điện thoại vì nó ảnh hưởng đến những người xung quanh. Do đó, họ chỉ nhắn tin hoặc xem truyền hình qua điện thoại. Nhiều khi đứng trên tàu nhìn cảnh ai cũng chăm chăm vào cái điện thoại cũng hết sức thú vị. Ngoài ra, thời gian trên tàu điện còn được người Nhật sử dụng để tranh thủ đọc sách, báo, trang điểm, thậm chí nhiều doanh nhân còn mang máy tính xách tay để làm việc, tận dụng thời gian rỗi trên tàu.
Tàu điện ở Nhật “cứng nhắc” y như người Nhật về cách bảo đảm giờ giấc luôn chính xác. Tàu chỉ bị chậm trễ hoặc đình trệ trong trường hợp bất thường xảy ra, và trong các trường hợp đó, nhân viên nhà ga sẽ luôn phát thanh xin lỗi hành khách.
Tàu điện ở Nhật không chỉ là đặc trưng của sự phát triển công nghệ của nước Nhật, mà còn là nơi có thể quan sát tổng thể văn hóa hiện đại và thói quen sống của người dân Nhật Bản.
Nguồn: Japan.net.vn
Cận cảnh công việc không đòi hỏi kinh nghiệm mà kiếm bạc triệu ở Nhật
Không yêu cầu kinh nghiệm hay đòi hỏi bằng cấp nhưng lại có mức lương hấp dẫn (gần 1,8 triệu/buổi làm), liệu đóng gói cơm hộp tại Nhật có phải là công việc đáng mơ ước?