Vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản
Để chuẩn bị cho việc xuất khẩu vải thiều vào thị trường Nhật Bản, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các huyện và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tiến hành rà soát, cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của phía Nhật Bản. Vườn vải đủ tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đáp ứng các điều kiện như vườn độc canh vải, sạch sẽ, liền khoảnh.
Đến nay, Bắc Giang đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang Nhật Bản, với diện tích 103 ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp thuộc huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa thuộc huyện Tân Yên.
Cùng với việc rà soát, cấp mã số vùng trồng, tỉnh Bắc Giang đang tích cực hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất vải an toàn, đúng tiêu chuẩn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng trong danh mục cho phép, ghi nhật ký sản xuất… Đồng thời, mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ vải thiều xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Năm nay, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang hơn 28,1 nghìn ha, sản lượng dự kiến khoảng 160 nghìn tấn. Theo đó vải sớm khoảng 6 nghìn ha, sản lượng khoảng 45 nghìn tấn; vải thiều chính vụ hơn 22,1 nghìn ha, dự kiến sản lượng khoảng 115 nghìn tấn. Thời gian qua, Bắc Giang đã mở rộng diện tích sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP lên 14,3 nghìn ha, GlobalGAP lên 80 ha. Bên cạnh đó, Bắc Giang cũng có 200 ha vải thiều được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Mỹ.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện vải đang trong giai đoạn đậu quả với tỷ lệ đậu cao, chất lượng vải thiều năm nay dự kiến cũng rất tốt. Vải sớm thu hoạch từ 20-5 đến 5-6, vải chính vụ thu hoạch từ 10-6.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ vải thiều, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang Trần Quang Tấn cho biết, đơn vị đã xây dựng các kịch bản tiêu thụ trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát hoặc khi dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Theo đó, thị trường nội địa và thị trường Trung Quốc vẫn được xác định là những thị trường chính. Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục, giá vải và sản lượng xuất khẩu dự kiến giảm, Bắc Giang đẩy mạnh các biện pháp sơ chế, chế biến và bảo quản quả vải như sấy khô, ép nước… đồng thời, tiến hành xúc tiến trực tuyến.
Cùng đó, tỉnh chủ động liên hệ sớm hơn với các đầu mối Trung Quốc để có phương án tiêu thụ phù hợp. Đối với thị trường trong nước, Bắc Giang tiếp tục chú trọng đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối và thị trường phía Nam.
Năm 2019, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ của Bắc Giang đạt hơn 147 nghìn tấn, doanh thu từ vải thiều đạt 4.675 tỷ đồng, thu từ các hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.690 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc và thị trường trong nước.
TTXVN
[ĐÁNG NGẠI] Gần 6% số bệnh nhân xét nghiệm để làm phẫu thuật/khám bệnh thì phát hiện nhiễm CoVid!
Bệnh viện Đại học Keio hôm qua đã thông báo đã tìm thấy khoảng 6% các ca dương tính khi họ vô tình thực hiện việc xét nghiệm cho những bệnh nhân không liên quan đến CoVid!