Tuyến metro số 1 ở Sài Gòn và lá thư cảnh báo của Đại sứ Nhật
Trong lá thư gửi lãnh đạo TP.HCM, Đại sứ Nhật Bản cho biết các doanh nghiệp Nhật sẽ dừng thi công dự án metro Bến Thành - Suối Tiên nếu Việt Nam không thanh toán tiền cho một số hạng mục đã hoàn thành.
Khởi công tháng 8/2012 dài gần 20 km đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Dĩ An (Bình Dương), đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm và quan trọng tại TP.HCM.
Điều gì đang diễn ra với dự án này?
Đội vốn hơn gấp đôi
Theo báo cáo về vay vốn ODA của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dự án đường sắt đô thị TPHCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã bị đội vốn từ 17.388 tỷ đồng khi phê duyệt lần đầu vào năm 2007 lên hơn 47.000 tỷ đồng.
Dự án được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm 88,4% tổng mức đầu tư với hơn 209,1 triệu yên, tương đương 41.833,6 tỷ đồng. Đến nay, đại diện Chính phủ Việt Nam là Bộ Tài chính đã ký kết với nhà tài trợ 3 hiệp định vay với tổng số vốn đã ký kết là 155.364 triệu yên, tương đương 31.208 tỷ đồng.
Một đoạn tuyến Metro số 1 TP.HCM. Ảnh: Lê Quân.
Vốn từ ngân sách TP.HCM, chiếm 11,6% tổng mức đầu tư, khoảng 27.458 triệu yên, tương đương 5.491,6 tỷ đồng.
Bộ KH&ĐT cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án đó là tăng khối lượng xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam chưa có các quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư của dự án chủ yếu dựa trên suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang xây dựng tại châu Á nên không đạt được độ chính xác tin cậy dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tuyến metro số 1 của TPHCM chịu ảnh hưởng lớn từ nguyên nhân này.
Đói vốn
Dự án này cũng ở trong tình trạng đói vốn. UBND TP.HCM cho biết để vận hành đúng kế hoạch vào năm 2020, trong giai đoạn 2016-2020, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có nhu cầu vốn khoảng 28.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 4, Bộ KH&ĐT có quyết định về giao chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 vốn ngân sách Nhà nước. Trong đó, bố trí kế hoạch vốn ODA nguồn ngân sách trung ương cho dự án 7.500 tỷ đồng.
Như vậy, với tổng nhu cầu vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 của dự án là 28.000 tỷ đồng, dự án metro Bến Thành - Suối Tiên cần bổ sung thêm 20.500 tỷ đồng.
Chậm tiến độ
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên còn đang chậm cả tiến độ thi công và tiến độ giải ngân.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên ban đầu thuộc Dự án nhóm A theo quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 6/4/2017 của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, dự án sau khi điều chỉnh thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 12/9/2010 của Quốc hội.
Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 3/2007 và dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2018.
Thế nhưng, sau hơn 10 năm triển khai, metro Bến Thành - Suối Tiên mới hoàn thành 56% khối lượng thi công.
Trong đó, gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố mới đạt khối lượng 50%. Còn gói thầu xây dựng đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son đạt 66%. Trong khi gói thầu xây dựng đoạn đi trên cao và depot đạt 77%. Cuối cùng, gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ra và bảo dưỡng đạt 32%.
Tuyến metro vẫn đang chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Ảnh: Lê Quân.
Có thể nói, việc xảy ra tình trạng chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng và phải lập lại thiết kế kỹ thuật cho nhà ga ngầm Bến Thành nhằm tích hợp giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, số 3a và số 4 nên thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến dự kiến vào năm 2020.
Trễ giải ngân
Ngoài ra, dù đặt mục tiêu đưa vào vận hành năm 2020, tiến độ giải ngân dự án vẫn hết sức khiêm tốn.
Theo báo cáo, phần giải ngân vốn ODA mới đạt 13.969 tỷ đồng (33% tổng vốn), vốn đối ứng trong nước đạt 1.465 tỉ đồng (đạt 27% tổng vốn).
Để đảm bảo tiến độ thi công dự án metro số 1, UBND TP.HCM đã tạm ứng cho dự án 1.000 tỷ đồng, cho đến nay đã giải ngân được 220 tỷ. Tính từ cuối năm 2016 đến nay, UBND TP.HCM đã tạm ứng cho dự án 3.273 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời.
Để sớm được bố trí vốn cho dự án, UBND TP.HCM trước đó đã kiến nghị Thủ tướng trình Quốc hội về thay đổi tổng mức đầu tư theo quy định, đồng thời hỗ trợ TP.HCM trong việc ứng vốn.
Lời cảnh báo của Đại sứ Nhật
Tuần trước, Đại sứ Umeda Kunio đã gửi thư tới Thủ tướng, Bí thư Thành ủy TP.HCM, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai, cấp vốn cho dự án tuyến metro số 1 - nguồn tin từ Đại sứ quán Nhật Bản xác nhận với Zing.vn.
Trong lá thư, Đại sứ Kunio cho biết hiện số tiền chậm thanh toán cho nhà thầu thi công và nhà thầu tư vấn tại dự án đã lên đến hơn 100 triệu USD (tính đến ngày 16/11).
Ông cho rằng áp lực lên các nhà thầu cũng đã đến mức giới hạn, đồng thời nêu quan ngại rằng nếu đến cuối tháng 12 mà các vấn đề này không được giải quyết, dự án sẽ buộc phải ngừng thi công.
Liên quan đến gói thầu xây lắp CP2 do Liên danh nhà thầu Sumitomo -Cienco4 đang thực hiện, Đại sứ Nhật Bản cho biết vì vấn đề giải phóng mặt bằng... mà việc thi công gói thầu này đã bị chậm trễ dẫn tới việc liên danh đã thi công vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng hiện tại.
Tuy nhiên, Sở Tài chính TP.HCM đã đưa ra ý kiến không thể thanh toán chi phí thi công sau ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng nên việc thanh toán chi phí thi công từ sau tháng 1 đang bị dừng lại.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng Việt Nam đã có văn bản nêu ý kiến về việc có thể thanh toán chi phí thi công dù vượt quá ngày hoàn thành gói thầu theo hợp đồng.
Đại sứ Nhật Bản đề nghị Bí thư Thành ủy TP.HCM căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng, chỉ đạo các bên liên quan xúc tiến thủ tục để sớm nối lại việc thanh toán chi phí thi công kể từ sau tháng 1/2019 cho nhà thầu.
Cũng theo Đại sứ Nhật Bản, dù việc thi công các gói thầu vẫn đang tiến triển trong năm 2018, việc thanh toán cho phần khối lượng công việc đã hoàn thành đang bị dừng lại. Đặc biệt biên bản ghi nhớ và tạm ứng thanh toán gói thầu CP1a, CP2 và tạm ứng thanh toán gói thầu CP1b của UBND TP.HCM vẫn chưa được triển khai.
Nguồn: news.zing.vn
Vì sao người Nhật thường đeo khẩu trang y tế khi ra đường?
Dù đi trên phố, bước vào cửa hàng, ngồi tàu điện hay dạo chơi trên đồi tại Nhật Bản, chàng trai Mỹ đều thấy có người đeo khẩu trang.