Trải lòng Việt kiều tại Canada: Cứ nghĩ nói được cả tiếng Anh và Pháp sẽ dễ xin việc, thực tế lập nghiệp tại nơi đất khách quê người lại chẳng dễ dàng
Tôi có đọc nhiều bài viết của các bạn về cuộc sống ở Canada nói riêng và nước ngoài nói chung. Cũng xin đóng góp một vài suy nghĩ cho thông tin thêm phong phú. Tôi qua Montreal, Canada, được hơn 7 năm, lúc đã 29 tuổi và tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, cao học ở Pháp.
Một mình đi lập nghiệp nơi đất khách quê người thì chẳng bao giờ là dễ dàng.
Ở Canada người ta không tuyển tốt nghiệp đại học đi bán hàng, mà việc cho người ở trình độ đại học trở lên thì tôi lại không đáp ứng được các yêu cầu khác như chưa có kinh nghiệm ở Canada, ngôn ngữ chưa thực sự thạo như người bản xứ… Đi phỏng vấn ở đâu cũng đòi “Canadian experience” mà có ai cho cơ hội để có kinh nghiệm. Tôi chuyển hướng nộp đơn xin những vị trí thấp thì khi phỏng vấn lại bị kêu là “over-qualified”, do để nhiều bằng cấp trên lý lịch. Sau gần hai năm trời xoay xở làm đủ thứ, nào là đi học thêm, đi làm công nhân, làm nhà hàng… tôi cũng khá nản chí.
Nhưng trong lúc sắp hết hy vọng tôi lại nghĩ tại sao mình không thử xin làm công việc tương tự mình đã làm lúc mới tốt nghiệp đại học ở Việt Nam. Nghĩ thế nên ngồi viết lại lý lịch, kỳ này không ghi bằng cấp linh tinh nữa, chỉ ghi chung chung “có học đại học ở Việt Nam và được đào tạo ở Pháp”. Đồng thời tôi cũng không nộp đơn theo các tin tuyển dụng nữa mà lên Internet tìm các công ty cùng ngành đã làm và gửi fax, mail thẳng đến. Cứ nghĩ nộp đơn kiểu này là cầu may hú họa vì đâu biết công ty người ta có đang cần người. Thế nhưng kết quả lại rất bất ngờ.
Gửi buổi tối hôm trước thì sáng hôm sau chưa thức dậy đã có công ty điện thoại kêu đi phỏng vấn. Tổng cộng có năm công ty gọi phỏng vấn và một trong số đó nhận tôi. Tuy là ở vị trí rất khiêm tốn nhưng đó là công việc chính thức tôi có được sau hai năm ở Canada. Bước khởi đầu khá dài và khó khăn. Từ những trải nghiệm thực tế của mình ở Canada, tôi có một vài suy nghĩ muốn chia sẻ cùng các bạn. Kinh nghiệm thứ nhất là mình phải hiểu và chấp nhận thực tế.
Phải hiểu là mình đang đi lập nghiệp ở nước khác, nơi đó các công ty thường quan trọng bạn làm được gì chứ không phải có học gì, biết gì. Phải chấp nhận thực tế là mình đang ở đất khách quê người, đương nhiên các công ty thích tuyển người bản xứ hơn vì nghĩ rằng họ có thể làm tốt hơn. Cũng phải chấp nhận thực tế là không phải mình có trình độ, bằng cấp là sẽ xin được việc tương xứng. Mình cần chấp nhận bắt đầu ở mức thấp hơn khả năng và cố gắng chứng tỏ năng lực. Ở những nước đa sắc tộc như Canada, Mỹ, Australia thì khi đã thực sự chứng tỏ được khả năng, các công ty sẽ không ngần ngại cho bạn nhảy vọt lên vị trí cao hơn lúc khởi đầu.
Ngay cả các đồng nghiệp bản xứ cũng coi đó là chuyện thường khi thấy một anh chàng Việt Nam vào làm vị trí rất thấp nhưng sau đó lại lên làm trên mình. Người ta chỉ coi trọng cái bạn có thể làm, không cần biết bạn từ đâu đến, bắt đầu thế nào. Kinh nghiệm thứ hai là hãy cố gắng đi học tại nước bạn muốn lập nghiệp. Bản thân tôi cũng học dở dang chưa xong. Trong lúc chưa xin được việc như ý thì đi học, khi có việc rồi lại bỏ dở. Nhưng thời gian đi học cho mình những kinh nghiệm rất quý báu. Không hẳn là học lấy kiến thức chuyên môn, mà khi đi học là mình sẽ có cơ hội hội nhập, học được cách làm việc, suy nghĩ của bản xứ.
Hệ thống giáo dục Canada rất tốt. Điển hình đi học ở Montreal có chi phí rất rẻ, chỉ khoảng 3.000-5.000 đô la một năm ở bất cứ đại học nào, với điều kiện bạn là thường trú dân. Bạn cũng sẽ được chính phủ cho vay tiền không mất lãi để đi học. Điều kiện và thủ tục vay vô cùng đơn giản. Trong trường đại học người ta sẽ buộc mình học cật lực với liên tiếp những bài tập, thuyết trình có tính điểm.
Nhưng mình cũng sẽ được tạo mọi điều kiện để học tốt. Bạn gần như không bao giờ có thể nói thiếu tài liệu sách vở khi đi học ở Canada vì bất cứ cuốn sách nào bạn cần nếu thư viện không có thì chỉ cần cho biết tên sách và tác giả, thư viện sẽ liên hệ để mượn về cho bạn, dù cuốn sách đó chỉ có ở một nước xa xôi nào đó như Phillipines hay Phần Lan.
Các giáo sư ngoài giờ dạy và nghiên cứu luôn có mặt ở phòng làm việc trong trường để sinh viên có thể đến trao đổi thêm. Những buổi hội thảo khoa học được tổ chức liên tục và thường diễn ra vào giờ nghỉ trưa, thường có phục vụ nước và bánh mì miễn phí. Vừa được ăn trưa miễn phí vừa được gặp gỡ trao đổi với những nhà khoa học trong lĩnh vực mình quan tâm. Vậy ai mà chẳng thích tham gia. Điều này cho thấy người ta luôn quan tâm tạo mọi điều kiện cho mình học tốt.
Một suy nghĩ sau cùng muốn chia sẻ với các bạn là mình phải kiên trì và tin vào lựa chọn của mình. Đừng đi Canada hay một nước nào đó lập nghiệp rồi lại nghĩ sao mình không qua Mỹ hay đâu đó cho ấm áp, sôi động hơn… hay nghĩ sao khó khăn quá thôi mình bỏ cuộc quay về.
Ở đâu cũng có nhiều khó khăn và thuận lợi. Sống và làm việc ở trong nước hay một nước ngòai nào đó thì cũng cần phải nỗ lực hết mình.
Khách nước ngoài sang đường ở TPHCM: Sợ, hỗn loạn nhưng... vui
Nhiều khách Tây thừa nhận gặp khó khi đi bộ sang đường tại TPHCM. Tuy nhiên, một số lại thấy trải nghiệm đi bộ ở TPHCM thực sự thú vị.