Tour ‘thưởng thức trái cây tươi tại vườn’ thu hút nghìn khách ở Nhật Bản

Đối với du khách ghé thăm Nhật Bản, trái cây tươi đứng thứ 2 trong danh sách các món quà được ưa chuộng nhất.

Nông trại trái cây ở Nhật Bản thu hút đông đảo du khách trong thời gian gần đây nhờ chiến lược phát triển đúng hướng, đánh mạnh vào tâm lý chuộng nông sản tươi ngon ‘chuẩn Nhật’, đặc biệt là với du khách yêu thích sản phẩm organic và xây dựng cuộc sống xanh.

Những trang trại này không chỉ mang về nguồn thu lớn cho người chủ mà còn góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch của Nhật Bản.

Tour ‘thưởng thức trái cây tươi tại vườn’ thu hút nghìn khách ở Nhật Bản - ảnh 1

Trang trại Kichijien ở Kumamoto, trồng nho và táo. Từ năm ngoái đến nay, trang trại này đã đón khoảng 10.000 du khách nước ngoài. (Ảnh: Shutterstock / Kelly Marken)

Thammaporn Rattanatan, 45 tuổi, một du khách người Thái Lan sau khi nếm thử sản phẩm tại trang trại dâu tây ở Chikushino, tỉnh Fukuoka hồi cuối tháng 5 vừa qua đã nói với tờ Bangkok Post: “Những loại trái cây này là sản phẩm cao cấp ở Thái Lan nhưng ở đây, chúng lại được bán với giá vô cùng hợp lý”, bà nói.

Dâu tây Nhật Bản tự hào có chất lượng cao nhưng có giá rất đắt ở Thái Lan do chi phí hậu cần. Vì vậy, một vé 40 phút ăn và hái dâu thỏa thích tại vườn chỉ với 1.900 yên (17 USD) có thể xem là món hời với du khách như bà Thammaporn Rattanatan.

Theo thống kê, từ tháng 11 năm 2017 đến tháng 5 năm 2018, khoảng 4.200 du khách nước ngoài đã đến thăm trang trại dâu tây Chikushino, nằm cách sân bay Fukuoka 30 phút lái xe. Số khách này tăng 1,5 lần so với 2 năm trước đó, cho thấy sức hấp dẫn ngày càng lớn của các nông trang trái cây. Trong thời gian tới, chủ của Chikushino có kế hoạch mở thêm tiệm bánh nhỏ và blueberry để gia tăng giá trị thụ hưởng cho du khách khi ghé thăm nơi này.

Một trang trại trái cây khác cũng rất nổi tiếng ở Nhật Bản là trang trại Kichijien ở Kumamoto, trồng nho và táo. Từ năm ngoái đến nay, trang trại này đã đón khoảng 10.000 du khách nước ngoài.

Masaaki Maeda, người đứng đầu trang trại Kichijien cho biết: “Điều quan trọng là phải quảng bá được hình ảnh của trang trại, đồng thời với đó là chăm chút cho vườn nho, vườn táo đạt chất lượng tốt nhất”.

Hình thành liên minh với các trang trại khác ở Kumamoto Prefecture và Norinchukin Bank – Tổ chức tài chính cấp quốc gia về hợp tác xã nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp, Kichijien thường xuyên có các chuyến tham quan trang trại dành cho du khách và dành cho các bloggers, nhà báo nước ngoài.

Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, du khách nước ngoài đến Nhật Bản đã chi 143,9 tỷ yên cho các hoạt động giải trí trong năm 2017, gấp bốn lần số tiền đã chi tiêu bốn năm trước đó. Nhưng vì tỷ lệ chi tiêu cho các hoạt động giải trí trong toàn bộ chi phí đi lại thấp hơn so với dữ liệu của châu Âu và Hoa Kỳ, các khu vực công và tư ở Nhật Bản đều có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn.

J & J Business Development, liên doanh của công ty thẻ tín dụng JCB Co. và công ty du lịch JTB Corp., đã mở trang web “Trái cây Nhật Bản” năm ngoái, giới thiệu khoảng 780 trang trại và sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức này tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ vào năm 2015 với khách du lịch về món quà lưu niệm họ muốn mua nhất khi đến Nhật Bản. Thật bất ngờ, trái cây đứng thứ hai trong danh sách được kể tên. Cuộc khảo sát đồng thời cũng cho thấy đa phần khách du lịch không biết rõ các loại trái cây theo mùa, cũng như vùng có nhiều nông trại để có thể ghé thăm. Qua khảo sát, J & J Business Development xây dựng kế hoạch mở rộng việc đặt tour và mua sắm trái cây trực tuyến trên trang web.

Một cuộc khảo sát của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản trong năm tài chính 2015 cũng cho thấy doanh thu trung bình hàng năm của 6.700 doanh nghiệp trên toàn quốc, hoạt động trong các trang trại du lịch, tương đối nhỏ ở mức 5,64 triệu yên, nhưng một số chuyên gia nhìn thấy tiềm năng trong các trang trại du lịch.

“Nông nghiệp là một phương tiện hiệu quả cho khu vực nông thôn để thể hiện sự khác biệt với các khu đô thị về du lịch”, Chizu Hori, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Mizuho cho biết. “Sự phối hợp với các trang trại và công ty địa phương cũng như các đô thị sẽ là chìa khóa để phát triển du lịch Nhật Bản trong thời gian tới”, ông nói.

Japan Airlines Co. có kế hoạch mở một cơ sở, trong đó du khách có thể trải nghiệm thu hoạch dâu tây và khoai lang vào năm 2020 thông qua một công ty nông nghiệp mới.

Theo Việt Nam mới

Tags:
Cách xin phép trong công ty Nhật và một số đoạn hội thoại mẫu

Cách xin phép trong công ty Nhật và một số đoạn hội thoại mẫu

Trong công việc, đôi khi ta phải xin phép (1 việc gì đó) với cấp trên hay đồng nghiệp, đôi khi là với cả người của công ty khác. Vậy thì chúng ta nên nói như thế nào để dễ dàng nhận được sự chấp thuận từ đối phương?

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất