Tôi kể bạn nghe về nước Nhật: Saitama - Ấm áp Tết xa nhà

Hôm ấy, như mọi lần, tôi cùng với mọi người tập hợp lại để chuẩn bị những hoạt động mừng xuân. Chỉ còn mấy ngày nữa là Tết rồi. Phải, là Tết, Tết Nguyên Đán cổ truyền của quê hương, chứ không phải chỉ đơn thuần là năm mới. Ở xứ sở anh đào này, người ta không đón Tết, ai nấy vẫn tất tả với công việc thường ngày.

Chúng tôi, những người con Việt vô tình lạc đến nơi đây, cũng bị cuốn theo dòng thời gian hối hả, chẳng mấy khi có dịp ngồi lại tụ họp bên nhau. Nhưng dù bận rộn là thế, ai nấy cũng cố gắng bớt chút thời giờ cùng quây quần sum họp,  cho vơi bớt cái lạnh mùa đông ở Nhật và nhắc nhau về hương vị Tết quê nhà.

Địa điểm tập hợp là một góc nhỏ ở trung tâm Tokyo. Tại đây, mọi người sửa soạn những nguyên liệu cho các món ăn ngày Tết. Nào nấm, nào rau, nào măng, nào gạo… mỗi thứ đều được chuẩn bị với số lượng lớn, chất đầy cả gian nhà. Ai nấy đều hăm hở rửa, dọn, chuyển đồ, không khí tất bật rộn ràng căn nhà nhỏ. Nơi đây vốn nằm trong một góc vắng của quận Minato, thường ngày khá yên tĩnh, nhưng hôm nay nhờ mọi người mà trở nên náo nhiệt lạ thường. Có lẽ với một kẻ xa quê sống một mình nơi xứ lạ, ngày hai buổi sáng đi học, chiều về nhà như tôi thì cái không khí tấp nập này bỗng trở nên thân thương quá đỗi.

Chuẩn bị xong đâu đấy, chúng tôi lên đường đến Saitama, nơi có một căn nhà nhỏ vốn từ lâu là nơi sinh hoạt cho cộng đồng người Việt. Đó là nơi mà chúng tôi dự định sẽ nấu bánh chưng và những món ăn ngày Tết. Ở Tokyo, chỉ cần có một chút khói bốc lên thôi cảnh sát sẽ đến tức thì để đề phòng hoả hoạn, vì vậy việc nấu bánh chứng chẳng dễ dàng gì. Còn tại đây, chúng tôi có cả một khoảng sân rộng, có thể vừa nấu ăn, vừa ngắm trời, trăng, mây, gió. Nghĩ tới cảnh tượng thơ mộng ấy, lòng tôi bỗng trở nên hân hoan hẳn, chỉ mong đến nơi thật nhanh để hội ngộ với các anh chị tại Saitama.

Xe chúng tôi băng băng trên đường lớn, ngang qua những cây cầu uốn lượn quanh co. Hai bên đường là cả một dải đồng xanh bạt ngàn, bông lúa thơm phất phơ trước gió như mời như gọi. Xa xa, những mái nhà nhỏ thấp thoáng sau rặng cây xanh, treo lửng lơ trên đấy là ánh mặt trời đỏ chói đang uể oải hạ mình. Vài vệt đỏ vắt ngang bầu trời càng điểm thêm cho Saitama một sắc màu huyền ảo. Tôi vừa đi vừa ló mình qua khung cửa sổ, mải miết ngắm nhìn tuyệt tác hoàn hảo của thiên nhiên. Cái khung cảnh vừa kì vĩ vừa dịu êm này gợi cho tôi cảm giác thân thương chẳng khác gì như đang ở quê nhà. Cũng ruộng nương xanh, cũng ao làng nhỏ. Chỉ còn thiếu đâu đó những tiếng sáo diều ngân nga và bầy trẻ thơ đùa giỡn quanh bụi tre làng. Bất giác, nỗi nhớ nhà dâng lên trong tôi đong đầy, da diết.

  • Em đang nhìn gì đấy?

Một giọng nói chợt cất lên phía sau lưng làm tôi giật mình quay lại. Đó là chị Xuân, đi cùng xe với tôi. Chị là du học sinh trường tiếng tại Tokyo, đã sang Nhật được một năm rồi. Chị dự định sẽ xuống Saitama học đại học trong thời gian tới, có lẽ cũng vì bị hút hồn bởi không khí yên bình và thoáng đãng nơi đây.

  • Dạ, em đang ngắm cảnh thôi ạ. Cảnh ở đây y hệt như ở Việt Nam, chị nhỉ.
  • Ừ, công nhận giống thật đấy. Chị cũng ngắm cảnh nãy giờ, tự nhiên thấy nhớ nhà ghê.
  • Hì, em cũng thế. Lâu quá chưa về…
  • Chị cũng có hơn gì em đâu. Học hành, baito đủ thứ, có muốn về cũng không được. Thôi cùng anh em tụ họp lại sửa soạn Tết với nhau cũng vui rồi.
  • Dạ. Em cũng mong được gặp mọi người lắm. Lần đầu tiên được ăn Tết xa quê.hqdefault (1)

Tôi khẽ cười đáp lại, lòng vẫn miên man về vẻ đẹp của Saitama. Saitama đẹp là thế, nhưng với một kẻ thích sôi nổi như tôi thì ở lâu nơi đây chắc cũng thật buồn, cũng như bầu không khí ảm đạm đã vây lấy tôi suốt một năm nay. Nhưng dù sao thì tổ chức Tết ở một nơi mang đậm chất quê nhà cũng là điều thật tuyệt. Tôi cứ mải mê suy nghĩ như thế mà không biết đích đến đã hiện ra trước mắt tự lúc nào.

 

Chúng tôi nhanh chóng dỡ đồ xuống xe và bắt tay vào chuẩn bị. Mới đó thôi mà không khí Tết đã tràn ngập cả gian nhà. Những anh chị tại Saitama ai nấy đều tay bắt mặt mừng, đón chào nồng nhiệt. Mọi người phần lớn đã sống ở đây một thời gian, có lẽ hiểu rõ cảnh xa quê cô đơn, lạc lõng  thế nào nên ai cũng cố gắng làm cho không khí trở nên ấm áp, cởi mở hơn. Ngay cả với một đứa vụng về, hai mươi tuổi đầu chẳng bao giờ lo việc bếp núc như tôi cũng được các anh chị nhiệt tình chỉ bảo.

 

Cùng mọi người bắc nồi lên để nấu bánh chưng, lòng tôi nôn nao khó tả. Cảm giác mơn man khúc nhạc xuân về. Lửa được nhóm lên cũng là lúc tôi và chị Xuân vào bên trong nhà để chuẩn bị những đồ ăn khác. Ngày mai đây, những người con Việt từ khắp mọi miền xa sẽ cùng quây quần lại ăn Tết nơi đây. Nghe đâu có cả những phụ huynh Việt đưa con em mình đến, họ muốn lũ trẻ hiểu được văn hoá quê nhà. Cũng vì những mầm non bé bỏng ấy mà dù vất vả đến đâu các hoạt động vẫn được mọi người cố gắng duy trì, căn nhà nhỏ này được tạo thành cũng là nhờ vậy. Thậm chí từ lâu, đây còn trở thành nơi để dạy tiếng Việt cho các em thơ. Biết những điều đó, bản thân tôi cũng tự thấy ấm lòng. Dù đi xa đến đâu, những con người Việt cũng không bị lu mờ, trái lại luôn cố gắng phát huy những nét đẹp của mình trên đất khách.

 

Tôi và chị Xuân được phân công đi thái nấm. Nhìn bao nấm khổng lồ cho cả trăm thực khách, tôi thấy nản quá chừng, nhưng cũng may có chị Xuân đông viên và ngồi cùng tôi trò chuyện, công việc trở nên nhẹ gánh phần nào.

  • Nhìn em chị lại nhớ tới em trai của chị.
  • Ồ? Chị có em trai bằng tuổi em ạ?
  • Ừ, nhưng em chị nghịch lắm, không hiền như em đâu.
  • Trời. Em cũng không hiền gì đâu chị ơi, chẳng qua chưa bộc lộ bản chất đấy.
  • Ồ, thế cơ à. Đâu bộc lộ bản chất thử xem nào.
  • Đâu phải muốn bộc là bộc đâu chị ơi. Phải tuỳ lúc nữa.
  • Ha ha.

Cứ thế, hai chị em chuyện trò rôm rả, tiếng nói tiếng cười đan xen mãi không ngừng. Chẳng mấy chốc túi nấm cũng được thái xong. Tôi và chị mang nấm đi rửa rồi tiếp tục phụ mọi người. Hết việc này đến việc khác, tất bật mà vui, cảm giác như đang ở quê tôi vậy.

 

Tối hôm ấy, mọi người quây quần bên nồi bánh chưng, thi nhau hát những bài về Tết. Tôi tuy chỉ thuộc ca từ lõm bõm nhưng cũng cố gắng hát theo, nghe tiếng xuân về khắp muôn nhà. Lại thêm màn sáng tác thơ của chị Ngô, màn kể chuyện của chị Huỳnh, tất cả làm không khí thêm tưng bừng huyên náo. Khi các lời ca, khúc nhạc đã tan, chỉ còn lại tiếng bập bùng và hơi ấm từ bếp lửa, mọi người ngồi trầm ngâm bên nhau, miên man tâm sự chuyện quê nhà. Qua đó tôi hiểu hơn về cuộc sống của các anh chị nơi đất Nhật, quả là những chặng đường thật lắm chông gai. Cuộc sống nơi đây mải quẩn quanh bên danh vọng tiền tài, thế mới thấy được những lúc được ngồi bên nhau vui vẻ sum vầy thế này thật là đáng quý. Tôi ngồi im lặng, lắng nghe mọi người, trân trọng từng phút giây bên mái nhà thân thương tại Nhật.

 

Trời khuya dần, mọi người cũng bắt đầu quay về nhà đi ngủ. Riêng tôi xung phong ở lại canh nồi bánh. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thức khuya để canh bánh chưng, vì thế nên cảm giác hồi hộp và thú vị vô cùng. Cho nên mặc cho trời lạnh và nhiều anh chị khuyên, tôi cũng nằng nặc đòi trông. Cứ thế, được một lúc tôi lại tiếp nước vào nồi, rồi ngồi canh xem lửa có đủ cháy hay không. Thi thoảng, chị Xuân có ra ngồi với tôi, hai chị em lại chuyện trò đủ thứ, nhưng rồi chị cũng vào ngủ. Có lẽ chị đã mệt vì phải làm baito cả ngày để dành thời gian tụ họp với mọi người ở nơi đây.

Dưới trời khuya sương xuống lạnh, tôi ngồi âm thầm bên nồi bánh, trong lòng dâng lên những suy nghĩ miên man. Những chiếc bánh chưng này, ngày mai không chỉ được trưng bày ở đây, mà còn được mang lên cả trên Tokyo, san sẻ niềm vui đến khắp muôn nhà. Cũng như tình người Việt dù ở nơi đâu vẫn ấm nồng chan chứa. Nghĩ tới đấy, bất giác, tôi chợt mỉm cười. Bởi tôi chợt nhận ra rằng, giữa xứ Nhật này tôi chẳng cô đơn, mà xung quanh vẫn còn một đại gia đình, ai nấy dù vất vả khó khăn nhưng vẫn luôn tràn đầy niềm tin và hy vọng, sẵn sàng dìu dắt nhau cho một ngày mai tươi sáng. Một rạng đông đã hé dần, và nôi bánh cũng reo mừng cho tình Tết phương xa.

Nguồn: Isenpai.jp

Tags:
Cùng hòa mình vào lễ hội hoa Bỉ Ngạn tại tỉnh Saitama trong tháng 9 này

Cùng hòa mình vào lễ hội hoa Bỉ Ngạn tại tỉnh Saitama trong tháng 9 này

Lễ hội Higanbana thường bắt đầu từ khoảng 17/9 => khoảng giữa tháng 10

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất