Tôi, cái Toilet và sự “xấu hổ” đối với người Nhật
Mặc dù tôi cũng đã có cơ hội tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tác là doanh nhân đến từ nhiều nơi như châu Âu và châu Á.Thế nhưng, nếu bạn hỏi tôi ấn tượng với người nước nào trong số ấy, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời với bạn là đó người Nhật.
Vì sao ư? Vì tôi thấy khâm phục những con người ấy, từ những việc bình thường nhất và tưởng chừng như ai cũng có thể làm được.
Toilet là bộ mặt của công ty
Có thể nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí cho rằng đây là điều “ nói quá”, nhưng nó hoàn toàn có thật trong cách suy nghĩ cũng như lối sống của người Nhật.
Ban đầu tôi cũng có đôi chút không hiểu và đã hỏi nhiều người Nhật xem họ trả lời thế nào, sau đó tôi nhận được rất nhiều câu trả lời, nhưng hầu hết có chung một ý nghĩa “ Chúng ta sẽ không thể thoải mái sống hoặc làm việc cùng với những ổ vi khuẩn được, chúng tôi có thể sử dụng những món đồ cũ, nhưng không dùng những món đồ dơ. Ý thức của một người thể hiện rõ nhất qua việc họ có thể làm những việc tưởng chừng như rất đơn giản này không?”.
Có một lần, tôi cùng cấp trên đi đến công ty khách hàng để họp, trong lúc chưa bắt đầu tôi đã tranh thủ đi “giải quyết bầu tâm sự”, trong nhà vệ sinh tôi gặp một bác độ khoảng 50 tuồi, ông đang dùng bàn chải kỳ cọ từng ngóc ngách trong nhà vệ sinh, theo phép lịch sự, tôi chào hỏi như một người bình thường sau đó đi vào. Nhưng trong cuộc họp, tôi lại thấy bác ấy xuất hiện, nhưng lần này với 1 tư cách khác đó là “Tổng giám đốc của công ty”.
Sau buổi họp hôm ấy, tôi có nói chuyện này với sếp của mình, nhưng ông ấy không tỏ ra ngạc nhiên như tôi nghĩ, mà chỉ bảo rằng “ Tổng giám đốc thì không đi…sao? Người Nhật xem nhà vệ sinh là “bộ mặt của công ty” nên bất cứ ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn chúng, ở tổng công ty ( tôi thì làm ở chi nhánh), mỗi tháng tôi cũng dọn vệ sinh 2 lần cho mọi người anh không biết sao”. Nghe xong, tôi cũng chỉ biết “ cười trừ” nhưng thật ra thì trong lòng rất ngượng, xen lẫn xấu hổ.
Sự khiêm tốn
Nếu một người có vẻ quá tự tin về bản thân, người đó sẽ có nguy cơ đánh mất sự ủng hộ của những người khác, bởi theo quan điểm của nhiều người Nhật ,nếu bạn quá tự tin về bản thân, thì chắc hẳn bạn không cần sự hỗ trợ của người khác. Trong khi đó, quan điểm của phương Tây thường là ngược lại, “làm sao tôi tin tưởng được vào anh nếu anh không tự tin vào mình”. Chúng ta có thể thấy việc khiêm tốn của người Nhật ngay trong lần đầu tiên gặp mặt.
Nếu bạn nói “Watashi ha A desu” (tôi tên là A) thì người Nhật hiểu rằng bạn đang nói tiếng Nhật theo cách tự tin của người phương Tây. Vì người Nhật sẽ giới thiệu bản thân mình là “Watashi ha A to moushimasu“ (Tôi được gọi là A). Đây là cách thể hiện sự khiêm nhường cơ bản và dễ nhận thấy nhất. Vì vậy tôi khuyên bạn, hãy thể hiện sự tự tin của mình một cách vừa phải, và thể hiện sự khiêm tốn trước mặt người Nhật sẽ không bao giờ là thừa thãi.
Khiêm tốn là thế, nhưng cũng rất sòng phẳng
Khi tôi làm trưởng phòng cho một công ty quảng cáo của Nhật. Có một lần, sau khi tôi gặp bàn bạc và chuẩn bị ký một hợp đồng khá lớn với công ty khách hàng, tôi đã mời họ đi dùng bữa. Để thể hiện lịch sự, sau bữa ăn tôi đã gọi nhân viên đến thanh toán, xem như “khao” họ vì làm ăn với mình.
Tôi nghĩ đây là một việc hết sức bình thường đối với các doanh nghiệp Việt Nam, thế nhưng vị trợ lý người Nhật đã ngăn tôi lại. Anh nói rằng hành động này của tôi sẽ khiến cho những vị khách hàng kia hiểu lầm là trong hợp đồng này, công ty của tôi sẽ kiếm được rất nhiều lợi nhuận từ họ, nên tôi mới bỏ tiền chiêu đãi, và như thế có thể họ sẽ xem xét lại các điều khoản giá cả trong hợp đồng.Tôi quyết định nghe lời khuyên và chơi kiểu “Campuchia”.
Không biết điều này có thực sự ảnh hưởng đến kết quả sau đó hay không nhưng thật bất ngờ, hợp đồng sau đó được ký với các điều kiện giá cả ngoài mong đợi. Sau này, trong một lần trò chuyện tôi có hỏi anh bạn đối tác người Nhật đó, thì anh ấy bảo rằng họ rất hài lòng và các điều khoản hợp đồng cũng như cách tiếp khách của tôi, vì khi ấy tôi đã cư xử làm cho họ tin tưởng rằng, cả hai bên đều bình đẳng trong hợp đồng đó.
Nét văn hoá của người Nhật nói chung, và người Nhật nói riêng, có rất nhiều cái để cho chúng ta học hỏi. Trên đây chỉ là những câu chuyện thực tế mà tôi đã từng trải nghiệm, tôi muốn chia sẻ và mong rằng nó sẽ giúp ích phần nào, cho những bạn đang, hoặc sẽ sống, và làm việc cùng với con người ở đất nước Mặt tời mọc.
Hải Âu
Bốn cách dạy trẻ em về tiền bạc của người Nhật Bản
Cấp tiền tiêu vặt hàng tháng, chuẩn bị ba lọ “Chi tiêu”, “Tiết kiệm” và “Chia sẻ” giúp trẻ hình thành tư duy về tiền bạc.