10 tỉnh thành Trung Quốc cùng "thay trời làm mưa" chống hạn, liệu có gây nguy cơ?

Ít nhất 10 tỉnh thành ở miền trung và miền nam Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp thay đổi thời tiết để tạo mưa khi phải đối mặt với hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 60 năm qua.

Thời báo Hoàn cầu hôm 26/8 đưa tin, sau các nỗ lực “gieo mây” hôm 25/8, dự báo, một số địa bàn thuộc tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ có mưa vừa, mưa to kéo dài từ ngày 26 – 30/8.

“Gieo mây” là thuật ngữ giới chuyên gia sử dụng để đề cập tới biện pháp gây mưa nhân tạo bằng cách rải hóa chất gây ngưng tụ, ví dụ như i ốt bạc, lên các đám mây. Ngoài Tứ Xuyên và Trùng Khánh, nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc như An Huy, Giang Tô, Hồ Bắc… Cũng sử dụng “gieo mây” với hy vọng gây mưa nhân tạo.

Hôm 25/8, một số địa bàn ở Trùng Khánh đã xuất hiện mưa sau khi chính quyền phóng 4 tên lửa chứa hóa chất gây ngưng tụ lên trời. Đây là những trận mưa đầu tiên ở Trùng Khánh kể từ ngày 7/8. Các đám mây được “gieo” cũng giúp giảm nhiệt độ của thành phố. Ngoài tên lửa, Trùng Khánh còn sử dụng máy bay không người lái (UAV) để “gieo mây”.

Zhou Yuquan – chuyên gia thuộc Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) – cho biết, từ ngày 1/8 đến 25/8, nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đã đồng loạt “gieo mây” chống hạn. Tổng cộng, có 91 máy bay rải hóa chất gây ngưng tụ đã cất cánh với tổng thời gian bay hơn 260 giờ. Khoảng 116.000 quả “bom" chứa i ốt bạc và 25.000 tên lửa “gieo mây” cũng được sử dụng.

10 tỉnh thành Trung Quốc cùng

Tình trạng hạn hán ở khu vực sông Dương Tử (Trung Quốc) giữa tháng 8 (ảnh: Hoàn cầu)

Một số hãng tin phương Tây cho rằng, Trung Quốc đang “kiểm soát thời tiết” bằng các thiết bị “gieo mây” và điều này có thể ảnh hưởng đến lượng mưa tự nhiên toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu. Hôm 24/8, Newsweek (hãng tin Mỹ) đưa tin, i ốt bạc mà Trung Quốc sử dụng để “gieo mây” có thể gây hại cho môi trường.

Wei Ke – chuyên gia thuộc Viện Khoa học Trung Quốc – bác bỏ các thông tin này.

“Nói về tác hại của hóa chất mà không đề cập đến liều lượng là một sai lầm”, ông Wei nhận xét.

Ông Wei nhấn mạnh, các hóa chất gây ngưng tụ Trung Quốc được sử dụng trên một phạm vi rất rộng. Vì vậy, ảnh hưởng của hoạt động “gieo mây” đối với môi trường là “không đáng kể”.

“Việc gieo mây phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Biện pháp này chỉ có thể tăng lượng mưa nhiều nhất là 20%. Vì vậy, nó không thể ảnh hưởng đến lượng mưa, khí hậu của một khu vực lớn hay toàn cầu”, ông Wei nói thêm.

Việc tạo ra các đám mây bằng i ốt bạc được sử dụng phổ biến trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Năm ngoái, 8 bang của Mỹ đã “gieo mây” để khắc phục tình trạng hạn hán.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất