Tỉnh Ibaraki của Nhật Bản muốn tiếp nhận thêm thực tập sinh Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, ngày 15/1, ông Phan Tiến Hoàng, Trưởng đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam tại Nhật Bản, đã tới thăm và tìm hiểu cuộc sống của các thực tập sinh Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Ibaraki.
Thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Công ty Cổ phần Carry System (NCS). (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)
Cùng đi có các đại diện của Liên minh các hợp tác xã Nhật Bản (JA), Phòng Lao động tỉnh Ibaraki và Công ty Cổ phần Cung ứng Nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA)-một công ty phái cử của Việt Nam có lao động đang làm việc tại tỉnh này.
Trao đổi với ông Hoàng, các thực tập sinh cho biết công việc hiện tại ổn định và phù hợp, với thu nhập khoảng từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng.
Thời gian qua, chủ sử dụng lao động và công ty phái cử đã quan tâm và hỗ trợ cho các thực tập sinh trong cuộc sống hàng ngày. Đa số các thực tập sinh đều bày tỏ nguyện vọng muốn quay trở lại Nhật Bản làm việc sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn.
Về phần mình, đại diện các công ty và hộ gia đình tiếp nhận đều đánh giá cao trình độ và ý thức lao động của các thực tập sinh Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp nhận thêm lao động Việt Nam.
Ông Ootaka Masaharu, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần Carry System (NCS) cho biết: “Khi chúng tôi thành lập hợp tác xã nông nghiệp mới, chúng tôi rất thiếu nhân lực. Cùng lúc đó, chúng tôi được nghiệp đoàn Eco Lead giới thiệu rằng các thực tập sinh Việt Nam rất chăm chỉ nên chúng tôi quyết định tiếp nhận họ. Trên thực tế, các bạn thực tập sinh Việt Nam đã làm việc rất tốt, đăc biệt các bạn nhớ công việc rất nhanh và làm đúng như chúng tôi mong muốn.”
Ông Masaharu cho biết năm 2020, NCS tiễn 3 thực tập sinh về nước và sẽ nhận ba bạn khác. Trong tương lai, công ty rất mong được tiếp tục nhận thêm các thực tập sinh Việt Nam.
Phát biểu với các thực tập sinh, ông Phan Tiến Hoàng bày tỏ vui mừng trước việc các thực tập sinh đã nhanh chóng thích nghi với công việc và cuộc sống tại Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông cũng căn dặn các lao động Việt Nam cần tuân thủ tốt quy định của đơn vị tiếp nhận và luật pháp của nước sở tại, đồng thời không ngừng học hỏi để tiếp thu công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp của Nhật Bản để khi về nước có thể áp dụng vào điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Thay mặt Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Việt Nam, ông Hoàng đã cảm ơn các đơn vị sử dụng lao động vì đã giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho các thực tập sinh Việt Nam trong thời gian qua.
Về nhu cầu lao động của tỉnh Ibaraki, ông Satoshi Tsutsumiya, Trưởng phòng Thúc đẩy Cơ hội Việc làm thuộc Sở Lao động tỉnh Ibaraki, cho biết hiện có khoảng 7.700 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Ibaraki, trong đó có khoảng 5.000 thực tập sinh, làm việc chủ yếu trong các ngành nông nghiệp và chế tạo.
Trong tương lai, ngoài các ngành này, tỉnh Ibaraki muốn tiếp nhận thêm thực tập sinh Việt Nam làm việc trong ngành điều dưỡng. Đây là những ngành nghề có nhu cầu tiếp nhận nhiều nhất.
Để hỗ trợ thực tập sinh người nước ngoài, bao gồm cả người Việt Nam, tỉnh Ibaraki đã thành lập trung tâm hỗ trợ nhằm kết nối các doanh nghiệp địa phương với những người nước ngoài muốn làm việc tại tỉnh để mọi người có thể tìm được công ty phù hợp nhất. Và đối với người nước ngoài, vấn đề ngôn ngữ là rào cản lớn nhất.
Vì vậy, tỉnh đang hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật thông qua đào tạo từ xa, đăng ký học miễn phí qua mạng Internet. Ngoài ra, khác với nhiều tỉnh khác, tỉnh Ibaraki hỗ trợ các bạn thực tập sinh tìm việc sau khi về nước.
Nằm cách thủ đô Tokyo khoảng 100 km về phía Đông Bắc, Ibaraki có dân số hơn 2,87 triệu người (tính đến tháng 9/2019) và diện tích gần 6.100 km2.
Các ngành sản xuất chính của Ibaraki gồm năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân, cơ khí chính xác và hóa chất. Đây chính là “quê hương” của tập đoàn công nghiệp hàng đầu Nhật Bản Hitachi.
Nguồn: TTXVN
Nhìn bức ảnh chụp não bộ của hai đứa trẻ: thường xuyên đọc sách và thường xuyên xem điện thoại, cha mẹ sẽ biết mình nên làm gì với con
Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng thần kinh sinh học so sánh những lợi ích của việc đọc sách và những bất lợi tiềm tàng khi trẻ xem điện thoại nhiều hơn 1 giờ mỗi ngày, tác động lên não bộ của trẻ như thế nào.