Tiến sĩ vẫn chật vật tìm việc ở Nhật Bản

Hirotaka Sakaue, phó giáo sư ngành Cơ khí hàng không vũ trụ tại ĐH Notre Dame (Mỹ), nhận thấy rằng việc có bằng tiến sĩ không phải thành tựu đáng ghi nhận trong mắt các công ty Nhật Bản.

Sakaue lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Purdue (Mỹ) nhưng khi tìm việc ở quê nhà, ông gặp khó khăn bởi những vị trí tìm được lại yêu cầu thâm niên hơn là học vấn. Kinh nghiệm mà ông có được thông qua các khóa học tiến sĩ của mình thậm chí còn không được xem xét.

“Ở Mỹ, nếu có bằng tiến sĩ, mức lương hàng năm của bạn sẽ thay đổi rất nhiều. Trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí hàng không vũ trụ tôi đang làm, ở Nhật Bản, việc lấy bằng tiến sĩ chẳng có tác động gì đến lương cả”, Sakaue nói.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình tiến sĩ của Mỹ về khoa học thường cấp một khoản trợ cấp cho nghiên cứu sinh, nhưng các trường đại học Nhật Bản không có những hỗ trợ như vậy.

“Vì họ phải vừa học vừa làm trong 3 năm nên tôi nghĩ các sinh viên học thạc sĩ khó tìm được lý do để theo đuổi việc lên tiến sĩ”, Sakaue nhận định.

Việc có bằng tiến sĩ không được xem trọng tại xứ mặt trời mọc khiến số lượng nghiên cứu sinh giảm mạnh sau gần 2 thập kỷ.

Số nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Nhật Bản đã giảm mạnh kể từ sau khi đạt đỉnh vào năm 2003. Đây là điều đáng lo ngại đối với các ngành khoa học của Nhật, vì sinh viên sau đại học được coi là mạch máu của nghiên cứu và phát triển khoa học ở quốc gia này, theo Sora News 24.

Sakaue tin rằng việc sửa đổi hệ thống và tăng cường môi trường giúp sinh viên dễ dàng tiếp tục học sau đại học là điều cần thiết để nâng cao số lượng tiến sĩ trở lại.

Lợi ích không xứng với công nghiên cứu

Theo Bộ Giáo dục Nhật Bản, số người tốt nghiệp tiến sĩ là 11.637 vào năm 2003. Nhưng năm nay, con số chỉ còn 5.963 người, đã giảm đi một nửa sau gần 2 thập kỷ.

Nhiều người cho rằng số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ giảm sau 17 năm là do tỷ lệ sinh liên tục giảm. Tuy nhiên, các con số thống kê chứng minh một thực tế khác: số người lấy bằng tiến sĩ trên 1 triệu dân cũng đã giảm.

Trong khi Mỹ, Đức và Hàn Quốc đều ghi nhận số người tốt nghiệp tiến sĩ trên 1 triệu dân tăng theo các năm, con số này bị nhận xét là “ảm đạm” tại Nhật Bản – nơi ngành công nghiệp khoa học tạo nên xương sống của nền kinh tế.

Ngày càng ít người muốn theo học tiến sĩ bởi thời gian và tiền bạc bỏ ra không được đền đáp xứng đáng sau khi tốt nghiệp.

Thông thường, học đại học là lời khuyên dành cho những người muốn có được chỗ đứng tốt trong xã hội. Điều này đúng ở Nhật Bản – nơi muốn có bất kỳ vị trí nào được trả lương cao đều cần đến bằng đại học.

Tuy nhiên, việc theo đuổi trình độ học vấn cao như tiến sĩ lại không có sức hấp dẫn tại xứ mặt trời mọc.

Các chuyên gia trong ngành khoa học và học thuật nói rằng nguyên nhân nhiều người không mặn mà với việc học lên cao là bởi ở Nhật Bản, chi phí lấy bằng tiến sĩ lớn hơn lợi ích họ được nhận lại.

Coi trọng thâm niên hơn bằng cấp

Ông Akira Yoshino (72 tuổi), người từng đoạt giải Nobel Hóa học, cho rằng nguyên nhân chính là người muốn học lên tiến sĩ lo lắng về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Yoshino nhận định có tấm bằng tiến sĩ có thể giúp một người tìm được việc làm ở hầu hết quốc gia khác, song điều đó không hẳn dễ dàng ở Nhật Bản.

Ông Akira Yoshino cho rằng cần có sự công nhận đối với thành tích của người có bằng tiến sĩ tại Nhật Bản.

“Tôi nghĩ cần có sự công nhận thành tích của một tiến sĩ”, ông nói.

Ông Yoshino cũng cho rằng những người trẻ ngày nay không có khả năng cống hiến cho nghiên cứu lâu dài.

“Nghiên cứu hàn lâm là một cuộc kiếm tìm sự thật, hoặc dựa trên một cái gì đó mà nhà nghiên cứu tò mò sâu sắc, khiến họ nhất tâm theo đuổi”, ông nói.

Bản thân Yoshino bắt đầu nghiên cứu về pin lithium-ion từ năm 33 tuổi, ông đã dành tất cả tâm sức để nghiên cứu đề tài duy nhất đó trong gần 40 năm. Công sức của Yoshino được đền đáp khi ông giành giải Nobel Hóa học năm 2019 cho công trình nghiên cứu về hiệu quả pin lithium-ion.

Do đó, ông tin rằng điều rất quan trọng là phải vun đắp một môi trường nơi một người có thể ổn định cuộc sống để nghiên cứu về một vấn đề trong ít nhất 10 năm và cảm thấy yên tâm về điều đó.

Thực tế trên chỉ ra một vấn đề khác là các doanh nghiệp tại Nhật cần thay đổi cơ chế, chính sách của mình để hút nhân tài.

Việc coi trọng thâm niên, hơn kinh nghiệm hoặc bằng cấp thực tế, là một vấn đề trong nhiều ngành công nghiệp và đối với nhiều người lao động – không riêng các tiến sĩ mà còn cả lao động nước ngoài và người có trình độ chuyên môn cao.

Các ngành công nghiệp đang bùng nổ tại Nhật Bản càng đòi hỏi doanh nghiệp cần cải cách nơi làm việc nếu muốn tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng.

Theo Zing

Tags:
15 điều về cuộc sống mà tuổi trẻ thường hay đánh mất, để khi nhận ra thì quá muộn

15 điều về cuộc sống mà tuổi trẻ thường hay đánh mất, để khi nhận ra thì quá muộn

Người ta đôi khi cứ sống vội, cứ tranh giành để thỏa mãn nhu cầu trước mắt của mình mà không biết, có những điều còn qᴜý giá hơn…

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất