Thực hư chuyện du học sinh Việt Nam bị Nhật từ chối cao đột biến đầu năm học 2017?

Khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật tăng đột biến, chủ yếu do nhóm các trường tiếng với tiêu chuẩn tuyển sinh lỏng lẻo đã bằng mọi cách đưa du học sinh Việt Nam sang Nhật.

Tại Nhật, chính phủ Nhật thiết lập ra hệ thống các trường tiếng Nhật dành cho các học sinh, đó là điều kiện tiên quyết để vào được giảng đường đại học. Để so sánh tương đương cho dễ hiểu nhất, hệ thống trường tiếng Nhật này giống như hệ thống đào tạo dự bị đại học ở các nước Âu Mỹ.

Khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật tăng đột biến, chủ yếu do nhóm các trường tiếng với tiêu chuẩn tuyển sinh lỏng lẻo đã bằng mọi cách đưa du học sinh Việt Nam sang Nhật.

Rất nhiều học sinh Việt Nam thậm chí không có bằng cấp 3 nhưng đã được các công ty tư vấn du học và trường tiếng “phù phép” hồ sơ để đưa các em sang Nhật với những lời hứa về khả năng kiếm được nhiều tiền dù chỉ làm bằng công việc chân tay.

Câu chuyện như vậy đã diễn ra nhiều năm, nhưng đến kỳ nhập học tháng 4/2017 hiện tại, đã có nhiều chuyện gây sốc. Đã có hiệu trưởng trường tiếng Nhật của Nhật đã ngất xỉu, đột quỵ ngay trước Cơ quan quản lý nhập cư Nhật, bởi hồ sơ của trường trượt đến 100%.

Trong đó, tỷ lệ du học sinh Việt Nam trượt, không được cấp phép sang Nhật học lên đến cả 70-80% tại rất nhiều trường tiếng khác, cao nhất so với tất cả các nước Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nepal… Bị từ chối một lần đồng nghĩa với việc du học sinh đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn tiếp tục đến Nhật.

Một tâm lý bi quan bao phủ cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật và cả những học sinh Việt Nam đang ôm giấc mơ sang Nhật du học. Và việc tỷ lệ trượt hồ sơ của du học sinh Việt Nam cao đột biến đi ngược với mục tiêu của chính phủ Nhật trong việc thu hút thêm nhân sự nước ngoài đến Nhật.

Và cùng ngay chính thời điểm này, rất nhiều công ty du học đã tranh thủ “đục nước béo cò”, phát tán mạnh mẽ thông tin Nhật đóng cửa với du học sinh Việt Nam để hòng dễ dàng tăng phí tuyển sinh, tư vấn du học cho những kỳ học tiếp theo vào tháng 7 và tháng 10/2017.

Thực hư của câu chuyện trên như thế nào và có hay không việc người Nhật đã chán du học sinh Việt Nam? Chúng tôi đã mang câu hỏi này đến với đại diện của một số trường tiếng Nhật tại Tokyo – nơi tập trung đến 70% du học sinh Việt Nam và nhận được câu trả lời rất bất ngờ.

Theo anh Tanaka Takahashi, đại diện một trường tiếng lớn gần ga Shinjuku, trung tâm thủ đô Tokyo, nếu nói rằng người Nhật không còn muốn tuyển du học sinh Việt Nam là hoàn toàn sai lầm bởi tỷ lệ đỗ hồ sơ của trường anh trong kỳ nhập học tháng 4 năm nay thậm chí còn cao hơn so với những năm trước. Tỷ lệ du học sinh Việt Nam được nhận vào học cũng cao không kém. Và theo tìm hiểu của anh, đối với nhiều trường tiếng có chất lượng khác tại thủ đô Tokyo, không có điều gì cho thấy người Nhật đang từ chối du học sinh Việt Nam.

Còn theo chị Michiko Toyumi, quản lý du học sinh tại trường tiếng MD gần ga Ikebukuro, ít nhất tính cho đến thời điểm hiện tại, trường chưa hề nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy cục quản lý nhập cư Nhật đang giảm mạnh việc chấp thuận hồ sơ cho du học sinh Việt Nam.

Tuy nhiên cũng theo chị Toyumi, việc chính phủ Nhật đang thắt chặt quản lý nói chung với các trường tiếng là sự thật. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, khi mà việc kinh doanh tại các trường tiếng được đánh giá siêu lợi nhuận, số lượng các trường tiếng Nhật tại Nhật tăng đột biến, đi kèm với nó là chất lượng học sinh đi xuống.

Cũng theo chị Toyumi, việc số lượng hồ sơ du học sinh Việt Nam bị từ chối tăng cao trong kỳ tuyển sinh tháng 4/2017 là hoàn toàn có thật. Thế nhưng tình trạng đó tập trung tại nhiều trường tiếng mới mở, quản lý học sinh lỏng lẻo, để học sinh đi làm quá giờ rất nhiều dẫn đến tỷ lệ lên lớp thấp.

Đó là còn chưa kể đến việc trước đó họ bắt tay với nhiều công ty tư vấn du học Việt Nam làm giả hồ sơ giấy tờ để đưa được càng nhiều du học sinh sang Nhật càng tốt nhằm có nhiều lợi nhuận.

Tháng 8/2016, Bộ Giáo dục Nhật thừa nhận họ mất kiểm soát với các trường tiếng Nhật và cho hay sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để kiểm soát chặt chẽ hơn nhóm trường này. Việc cắt giảm mạnh hồ sơ xấu của nhiều du học sinh trong kỳ học tháng 4/2017 không nằm ngoài mục tiêu trên.

Cùng lúc đó, cơ quan quản lý Nhật kết hợp với cảnh sát Nhật đang tiến hành rà soát tất cả những công ty tuyển nhiều lao động bán thời gian người nước ngoài để ngăn chặn tình trạng trả lương tay và làm 2-3 việc một lúc để kiếm tiền. Chắc chắn những biện pháp như trên sẽ ngày một cứng rắn hơn nữa để đảm bảo cho việc du học Nhật trở về đúng nghĩa của nó.

Nguồn: cafebiz.vn

Tags:
Kinh nghiệm khi làm thẻ tín dụng ở Nhật

Kinh nghiệm khi làm thẻ tín dụng ở Nhật

Thẻ tín dụng (credit card) là một trong những phương tiện thanh toán tiện dụng nhất trong đời sống hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất