Thân xác tại Nhật, tâm hồn ở Việt Nam?
Mình nghĩ đến cái khía cạnh này, có vẻ nó vẫn đang tồn tại trong lòng những người Việt Nam đang sống tại Nhật. Chí ít là ở những du học sinh và tu nghiệp sinh, phần lớn thôi nhé. Nói đến khía cạnh này thì có lẽ mọi người sẽ cho rằng, mình là người Việt Nam, đương nhiên là tâm hồn ở Việt Nam rồi. Nhưng ý ở đây của mình không phải vậy, sự hoà nhập cả về tâm hồn, cuộc sống để cảm nhận được mình nên phải sống như thế nào cho thật tốt. Tại sao lại nói vậy?
Ngày xưa, lúc còn ở bên đó mình thấy có nhiều người hay có lối suy nghĩ kiểu như, đây đâu phải nhà mình. Lúc đi mua quần áo: “Ui, mua ít thôi, ở có vài năm rồi về ấy mà”. Người thì đi đăng ký điện thoại tìm cách nếu có thể mua hẳn vài cá thì mua. Mua rồi đem bán, có lời mà. Mua 0 đồng thôi, mua rồi bùng, tội gì không chiến. Có người khi đi làm, vừa làm vừa chơi, làm để lấy lương, làm cho hết giờ, không cần tận tâm lắm. Đi học thì ít, đi làm thì nhiều, về nhà không học bài, tiếng Nhật tàm tạm là đủ, chỉ cần vừa đủ để đi làm thôi. Chưa kể là văn hoá, tập quán, cách nghĩ của người Nhật hoàn toàn làm mù tịt.
…. Đấy, và vô vàn những điều khác nữa, nói chung là mọi thứ thật nửa vời, sống như sống tạm. Chung quy mọi cái chỉ để tiết kiệm được nhiều tiền mang về, đây không phải là nơi lâu dài để sống. Cái gì không cần thiết, bất lợi về mặt tiền bạc thì né tránh, trốn thuế, trốn bảo hiểm, trốn đủ mọi thứ trốn… Mà cũng không hẳn thế, có người giữ được tí tiền thì mua sắm này nọ, mỗi lần về nước như Việt kiều thăm nhà, sang lại quần quật baito như những nô lệ :’(
Họ mở mồm ra là chê người Nhật giả tạo, chê người Nhật bóc lột nhưng phải chăng họ cũng đang bóc lột lại theo kiểu: tăng lương bằng cách giảm năng xuất làm, ăn cắp ăn trộm, tìm cách lừa lọc được ai thì lừa… Số lượng người như vậy không hề nhỏ.
Nhưng rồi những điều đó có đem lại lợi ích thật sự không hay đó chỉ là những tính toán nhất thời vụn vặt. Khi con người ta lớn lên, trưởng thành và nhìn lại, có lẽ chúng ta sẽ thấy thật lố bịch và vặt vãnh từ trong tư tưởng lúc trẻ và làm ảnh hưởng đến hiện tại. Có những người thì chẳng thể trưởng thành nổi để nghĩ đến điều đó, họ tiếp tục sống với những hoài bão bé tí ti của họ.
Câu chuyện thế này, anh bạn mình làm baito trong một quán ăn, nơi đó họ rất thiếu người. Nhưng trong suốt thời gian dài làm việc, cậu ta làm kiểu cầm chừng như mình đã từng nói. Người chủ họ biết lắm chứ, nhưng họ không thể đuổi vì họ cần người, và họ cũng chẳng thể nói về không thể nào nói mãi được. Lúc gần hết hạn VISA về nước, cậu ấy muốn xin vào thành Shain ở cửa hàng. Học lên nữa không được, đi shushoku thì trượt còn mỗi cách đó thôi. Đáng tiếc, cậu ấy không được nhận dù làm rất lâu năm rồi. Làm sao có thể chấp nhận một người như vậy thành nhân viên chính thức được, lương cao lên nhưng chất lượng thì kém. Cuối cùng là về nước. Đành rằng không được thì về, nhưng phải chăng cái mong muốn ở lại kiếm thêm đó cũng khó, một sự thất vọng phải không
Từ bài học đó nhìn lại, cậu ta nhìn được dài hơn nữa đó là lúc đi học cũng chẳng học hành gì. Tiếng rất kém, chuyên môn thì thi cho có điểm lấy bằng nhưng thực chất thì không. Khi đi shushoku trượt, đó lại là lỗi của một sự hời hợt nữa.
Tệ hại hơn, khi về nước, bản tính hời hợt ngấm sâu vào máu không hết. Lúc nào trong đầu tư tưởng cũng là ta đây đi du học về, cũng phải làm được nơi nọ nơi kia. Nhưng cũng chẳng nơi nào nhận, không lẽ họ phải nói thẳng ra, du học gì mà kém thế, tiếng cũng chẳng bằng mấy bạn đi học đại học Ngoại ngữ ra. Sự bất đắc chí nổi lên, tiền giữ được bao nhiêu khi đi du học đổ vào kinh doanh và rồi đốt hết với sự thất bại. Cũng may, giờ đã được làm giáo viên tiếng Nhật với đồng lương 4.5 triệu/tháng. Mọi người chắc ngạc nhiên phải không? Cái này thường thôi, sự thực tồn tại đấy. Những du học sinh, tu nghiệp sinh về nước, tiếng kém kệ, dạy được 50 bài Minna là đủ rồi. Thực ra cũng chỉ cần dạy được 30 bài là thế hệ mới lại cất cánh ngay ấy mà.
Ở đây chúng ta không nói đến những người may mắn, bố mẹ xin cho chỗ nọ chỗ kia, có người làm ăn thành công nên tiền cũng đẻ ra tiền, số lượng đó đâu có nhiều nhỉ. Hãy nói đến điều xấu nhất. Vậy đáng ra khi điều xấu xảy ra, vật chất không có thì phải còn có kiến thức làm vốn, ấy vậy mà nó cũng chẳng có nốt, thật đáng buồn. Rồi cậu ta nhớ nước Nhật, giá mà mình còn ở đó, đi làm bình thường thôi cũng đủ sống mà. Và cái giữ lại là gì, lại một thân xác Việt Nam nhưng tâm hồn ở Nhật.
U23 VN được tôn vinh là “Thế hệ kì tích” tại Nhật
Những ngày qua, dù đội tuyển U23 Việt Nam đã kết thúc mùa giải AFC với danh hiệu Á quân đầy tiếc nuối, thế nhưng cơn sốt hâm mộ dành cho những chàng trai trẻ tràn đầy nhiệt huyết của chúng ta vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong cộng đồng fan Việt cũng như fan châu Á.