Tết xứ mình, Tết xứ người: Đêm giao thừa lặng lẽ
Quả thực, đã lâu lắm rồi tôi không đón một cái Tết đầm ấm mang đúng nghĩa Tết đoàn tụ gia đình tại Việt Nam. Tôi sang Đức thấm thoắt đã gần ba chục năm. Một thời gian quá dài, gần bằng nửa đời người còn gì.
Ngày bước chân ra đi, không thể nghĩ mình lại gắn bó với mảnh đất này lâu đến vậy. Năm ấy, tôi sang vào dịp cuối tháng Ba, tức đầu mùa xuân.
Vừa xuống sân bay, tôi may mắn gặp đợt tuyết rơi muộn. Trong nắng vàng hanh hao, tuyết lắc rắc rơi trên đầu trắng như bụi phấn. Về đến ký túc xá Gehrensee ở Berlin đã thấy các khuôn viên ngập tràn trong màu xanh non của cỏ. Thấp thoáng trong đó là những nụ hoa vàng chớm nở. Hoa dáng như hoa thủy tiên nhưng có màu vàng như hoa cúc. Sau này tôi mới biết đó là hoa xuyên tuyết, loại hoa báo hiệu mùa xuân về và sau này, hễ cứ nhìn thấy sắc hoa đó tôi lại nhớ về những ngày gian khổ khi mới sang Đức.
Hơn hai chục năm nơi đất khách quê người, tôi có về Hà Nội ăn Tết với mẹ tôi hai lần. Nói là ăn Tết với mẹ vì bố tôi đã mất khi tôi xa nhà được ba năm.
Đúng ngày tôi bay sang Đức, trước lúc đi, tôi cùng bố lên vườn đào Nhật Tân, nơi có mộ của bà nội, để thắp hương cho bà và cầu xin bà phù hộ cho mình “chân cứng đá mềm" nơi đất khách.
Hôm đó trời mưa như vẫn thường mưa sau dịp Tết. Cả vườn đào mênh mông chỉ còn trơ những gốc cây đen thâm. Đường vào nghĩa trang lầy lội tới mức không dắt nổi xe. Bố tôi phải đứng ngoài trông xe để tôi một mình vào thắp hương cho bà. Tôi không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được đi bên bố.
Sau mười năm tha hương tôi mới về nhà vào dịp Tết. Tết ấy về không có bố, niềm vui đón năm mới vơi đi già nửa. Mẹ tôi cũng chẳng gói bánh chưng như năm nào. Mà có gói biết ai bắc bếp luộc đây? Anh em ai cũng đều có gia đình, mỗi người phiêu bạt một phương, người Nam, kẻ Bắc, người tận trời Tây.
Tết đến ai cũng lo cho mẹ, chẳng thiếu thứ gì, nhưng chẳng ai ở bên mẹ trong đêm giao thừa. Giao thừa năm đó tôi và mẹ ngồi lặng bên nhau. Ngoài phố không rộn ràng pháo nổ, chẳng ríu rít tiếng trẻ nô đùa như năm nảo năm nào. Trong khói hương và di ảnh của bố, tôi thèm biết mấy được như ngày xưa: bố mẹ đầy đủ, anh em quây quần.
Tôi và mẹ đón giao thừa tại Hà Nội
Lần thứ hai tôi về Tết là cách đây 5 năm.
Tranh thủ mấy ngày trước Tết tôi về thăm và chúc Tết bố mẹ vợ. Quê vợ tôi là một xã nằm sát ngay thị trấn Quỳnh Côi tỉnh Thái Bình. Trước khi sang Đức tôi đã nhiều lần về quê vợ ăn Tết.
Điều tôi nhớ nhất là đến nhà nào chúc Tết người ta cũng hỏi nhau về mùa màng, về thu hoạch nông sản, rồi hỏi năm nay đụng lợn chung với nhà ai? Gói bao nhiêu bánh chưng? Giò năm nay có giòn hay bở? Chỉ loay xoay mấy chuyện đó, không hơn, không kém.
Vậy mà lần về đó, chỉ sau có mấy năm đổi mới mà khác hẳn. Ngay cả nhà bố mẹ vợ tôi cũng chẳng đụng lợn, gói bánh. Hỏi ra mới biết dịch vụ ở thị trấn đầy. Muốn mua bao nhiêu giò chả, bánh chưng đều có hết, đắt hơn chẳng là bao. Vừa đỡ phải làm lích kích mà không lo giò hỏng, giò thiu. Rảnh rang thời gian, đến đâu cũng thấy “buôn“, nào nhà ông nọ vào cầu vụ buôn ớt, nhà bà kia con đi nước ngoài về cho mấy trăm triệu xây nhà. Rồi chuyện đất chỗ này lên, đất chỗ kia xuống. Nhà này nhiều vàng. Nhà kia lắm của. Có người giàu nhanh như trúng số…
Ảnh tôi chụp trong một dịp về thăm Hà Nội.
Hà Nội thì sao? Sau bao nhiêu năm xa Hà Nội, mang theo bao nhiêu nhớ nhung thèm khát một cái Tết xửa xưa, trở về tôi không khỏi có chút hẫng hụt.
Đêm giao thừa chẳng còn nhà nào háo hức, quây quần bên nồi bánh. Trẻ con chẳng hí hửng chờ manh áo mới. Hàng Tết có người mang đến tận nhà... Ai cũng bảo đó mới chính là không khí Tết thời bây giờ.
Hùng Lý (từ Berlin, Đức)
Lệ Quyên cập nhật 'giao diện' trẻ như gái 20, chứng minh đẳng cấp mỹ nhân không tuổi của Vbiz
Lệ Quyên khiến dân tình trầm trồ vì nhan sắc ngày càng xinh đẹp, trẻ trung.