Tết xa xứ của người Việt ở Nhật Bản
Mặc dù Nhật Bản là nước châu Á nhưng họ lại chuyển sang ăn Tết theo phương Tây cách đây hơn 100 năm. Chính vì vậy mà vào dịp Tết cổ truyền của Việt Nam thì ở Nhật Bản không khí làm việc, học tập vẫn tất bật như thường lệ.
Tôi còn nhớ như in cảm giác đón giao thừa xa nhà đầu tiên trên đất Nhật cách đây 2 năm – có chút gì nghèn nghẹn trong cổ thay vì cảm giác tận hưởng cuộc sống độc thân như mình nghĩ lúc buổi chiều đi học – mấy kẻ đã có gia đình như chúng tôi còn ngồi tám chuyện cười rinh rích với nhau vì cho rằng mình đang được “relax”, “thoát” được món nợ cỗ bàn cúng bái tất niên, giao thừa… Vậy mà, buổi tối cuối năm, không ai bảo ai, nhanh chóng kết thúc cuộc nhậu nhẹt tất niên là về phòng ôm khư khư cái máy vi tính, nhìn qua webcame, thấy mọi người ở nhà tất bật mà nước mắt lưng tròng…
Đối với anh em thực tập sinh thường là ở tập trung trong ký túc xá nên vào dịp Tết, tuy mọi người không được nghỉ làm nhưng công ty cũng tạo điều kiện cho anh em nghỉ phép 1, 2 ngày để vui Tết cổ truyền. Bạn Nguyễn Đức Thanh, quê huyện An Dương, là công nhân của Công ty đóng tàu Phà Rừng, hiện làm việc tại Công ty đóng tàu Ariake, Nhật Bản cho biết: Đã 3 cái tết Thanh không được đoàn tụ với gia đình. Tuy cũng chạnh lòng nhưng bù lại anh em đồng nghiệp sống với nhau rất chan hòa, tình cảm bởi đều là cảnh xa nhà nên dễ đồng cảm hơn. Vào chiều cuối năm, anh em thực tập sinh ở ký túc xá cũng tập trung nấu nướng, gói bánh chưng (nguyên liệu do các đoàn về phép mang sang), quây quần bên bếp lửa hồng tán gẫu, hát hò khiến cho anh em phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà…
Cùng cảnh thực tập sinh như Thanh, anh Nguyễn Khắc Tú, quê Thanh Hóa, là công nhân của Công ty đóng tàu Sài Gòn, hiện làm việc tại Công ty đóng tàu Tsu, Nhật Bản chia sẻ: “Tết đến nhớ quê nhà kinh khủng, mình là đàn ông, phải cố kìm lòng không khóc, chứ một số người quen của tôi là phụ nữ tâm sự đêm giao thừa nhớ nhà, họ nhớ con khóc sưng cả mắt. Được cái, ở đây, dù xa quê nhưng Tết của chúng tôi cũng đầy đủ lắm, có mứt tết, bánh chưng, dưa hành, giò lụa, chả nem, canh măng… Một số thứ, chúng tôi có thể mua được ở siêu thị, còn lại đa phần do anh em ở các đoàn về phép mang sang nên chúng tôi có thể tự làm. Không khí chuẩn bị đón Tết cũng nhộn nhịp ra phết”. Anh Nguyễn Hữu Hòa, quê Thanh Trì, Hà Nội, là một chuyên gia, hiện làm cho Công ty Asia Kyodo Sekkei Consultant (Một công ty chuyên về phân tích xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý) đã đón 5 cái Tết ở Nhật Bản nhưng anh Hòa ấn tượng nhất là được đón Tết với anh em nghiên cứu sinh, du học sinh của Trường đại học Tsukuba – “Làng giáo sư, tiến sỹ Việt Nam ở Nhật Bản”. Mọi người tổ chức rất xôm tụ. Có cả nghi lễ hát quốc ca rồi những bài hát ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước được cất lên khiến ai cũng cảm thầy bồi hồi xúc động. Ý nghĩa hơn là trong buổi giao lưu chào mừng năm mới đó, các bạn ở Trường đại học Tsukuba còn lồng vào chương trình thiện nguyện mang tên “Betoaji” để giúp các trẻ em vùng sâu, vùng xa ở trong nước được đến trường.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, bạn Lê Thanh Huyền, nhà ở phố Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng, quyết chí sang Nhật Bản tiếp tục con đường đèn sách.
Mới đầu, chỉ có ý định học thạc sỹ ở Đại học Hosei xong rồi về nước nhưng cái chữ đưa đẩy thế nào Huyền lại làm một mạch lên tiến sỹ. Vậy là, ở Nhật ngót nghét 7 năm thì có đến 5 năm Huyền ăn tết Nhật Bản. “Phần vì bài vở cứ cuốn đi, phần vì tiết kiệm chi phí nên thôi buồn thì có buồn nhưng đành ru lòng mình vậy…” – Huyền cười chia sẻ. “Hơn nữa, ở đây có Hội Sinh viên Việt Nam (VYSA) hàng năm tổ chức đón Tết cho sinh viên. Rồi tụi bạn em ở đây có khoảng chục người, sẽ tụ tập ở nhà một bạn nào đó rộng rãi nhất để nấu các món ăn truyền thống, mời cả các bạn sinh viên quốc tế đến chơi, giới thiệu cho họ một vài nét văn hoá, phong tục, tập quán của người Việt khi Tết đến Xuân về. Riết rồi quen, chứ em còn nhớ Tết đầu tiên xa nhà, gọi điện về chúc Tết bố mẹ mà nghẹn ngào, nói không nên lời…”. Tiếp lời bạn Huyền, Thuỳ Linh – cô bạn cùng phòng, quê ở Quảng Ninh, đang học tiếng Nhật tại Trường ngôn ngữ Shurin, Tokyo nói thêm: “Ở Việt Nam mình thì từ 23 tháng Chạp là không khí Tết rộn rã lắm rồi. Nhưng ở bên này, nhịp sống cứ cuốn mình trôi theo mỗi ngày nên chẳng còn để ý ngày nào với ngày nào nữa. Chỉ đến khi gọi điện cho bố mẹ, lên mạng chat chít với bạn bè thì mới thấy Tết cổ truyền đến nơi rồi. Có lúc cũng thần người ra, nhớ không khí hối hả, đường phố đông đúc, nhộn nhịp đi mua sắm Tết của bên nhà. Chứ ở đây, em để ý, người Nhật họ đi sắm Tết trong các siêu thị cũng không đông hơn ngày thường là mấy. Mà thầy cô giáo Nhật cũng bảo ngày thường họ đi làm áp lực, căng thẳng rồi nên dịp Tết nhiều người ở thành phố dành thời gian đi du lịch nước ngoài, chứ không ở nhà đón Tết như xưa nữa”.
Cũng từng là một du học sinh, sư cô Thích Tâm Trí đã có hơn chục năm học tập, sinh sống và làm việc tại Nhật Bản nên rất hiểu nỗi lòng của những người con xa xứ. Thế nên vào mỗi dịp Xuân về, sư cô và hoà thượng Yoshimizu Daichi – trụ trì chùa Nisshinkutsu (người đã cưu mang hơn 100 người Việt Nam trong đợt thảm hoạ kép năm 2011 và hiện đã tặng cho Việt Nam hàng trăm cây hoa Anh đào) đều tổ chức Lễ cầu an cho tất cả mọi người. Người Việt Nam ở đâu cũng vậy, hầu như đều giữ thói quen đi lễ đền, chùa vào ngày đầu năm nên chùa Nisshinkutsu cũng là một điểm đến quen thuộc của cộng đồng người Việt ở Tokyo và các tỉnh lân cận…
Có lẽ đối với mỗi người Việt Nam cho dù bạn là ai, cho dù bạn có đi tới năm châu, bốn bể nào thì Tết cổ truyền vẫn là một nỗi niềm in đậm trong mỗi tâm hồn người Việt…
Tết xa xứ, ấm lắm những kỷ niệm…
Yoshihito
Theo: Wow Japanese – Phiêu cùng tiếng Nhật
Việt kiều về quê ăn tết: Nụ cười và nước mắt đoàn viên giữa sân bay
Theo ghi nhận của Thanh Niên Online tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM, có rất đông người đang chờ đợi người thân từ nước ngoài về quê ăn Tết.