Số ca mắc COVID-19 tăng cao, nhiều địa phương ở Nhật Bản tự tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Tại Nhật Bản, tình hình dịch COVID-19 được Chính phủ nước này nhận định là chưa đến mức phải "quay trở lại tình trạng khẩn cấp một lần nữa". Tuy nhiên, cá biệt có địa phương đã tự tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Luật Các biện pháp đặc biệt ứng phó với dịch COVID-19 chỉ có hiệu lực khi Chính phủ đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Việc các địa phương tự đưa ra tuyên bố chủ yếu nhằm kêu gọi sự kiềm chế của người dân hầu như không có các biện pháp cưỡng chế. Tuy nhiên, điều này lại có tác động lớn tới Chính phủ và dư luận Nhật Bản.
Theo NHK, sau khi tỉnh Okinawa ghi nhận 71 trường hợp mắc COVID-19 vào ngày 31/7, số ca mắc cao nhất trong 5 ngày liên tiếp, Thống đốc Tamaki đã quyết định tự ban hành tuyên bố tình trạng khẩn cấp của riêng tỉnh này. Theo đó, từ ngày 1 - 15/8, người dân Okinawa sẽ được yêu cầu hạn chế ra ngoài khi không thực sự cần thiết, các cửa hàng ăn uống trong thành phố Naha cũng phải rút ngắn thời gian hoạt động từ 5h - 22h.
Chính quyền kêu gọi người dân hạn chế đi sang các tỉnh khác. Liên quan đến quy định đi từ bên ngoài vào tỉnh, chủ yếu tập trung vào khách du lịch, chính quyền tỉnh Okinawa chỉ dừng lại ở việc kêu gọi "có quyết định thận trọng".
Nhiều địa phương lớn của Nhật Bản áp dụng giới hạn dần theo từng lĩnh vực kinh doanh.
Theo báo Nikkei, cũng vào ngày 31/7, tỉnh Gifu đã đưa ra tuyên bố với tên gọi "tình trạng khẩn cấp với làn sóng dịch COVID-19 lần thứ hai", theo đó kêu gọi người dân tránh ăn uống tại thành phố lớn lân cận là Nagoya, theo dõi thể chất và tự kiểm soát sự lây nhiễm triệt để. Nếu cửa hàng có người bị nhiễm bệnh, tỉnh Gifu sẽ thông báo tên cửa hàng và tiến hành kiểm tra tại chỗ, yêu cầu nhân viên phải nghỉ việc. Biện pháp này dựa trên Luật Kiểm soát bệnh truyền nhiễm.
Trong tuyên bố vào ngày 31/7, tỉnh Nagasaki và Kagawa đã đưa ra lời kêu gọi người dân kiềm chế không đến các tỉnh khác. Tỉnh Kagawa cũng quyết định gia hạn cảnh báo lây nhiễm đến hết ngày 21/8.
Việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong tháng 4, tháng 5 vừa qua đã đẩy nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Các địa phương lớn như Tokyo, Osaka đang lựa chọn giới hạn dần theo từng lĩnh vực kinh doanh, thay vì hạn chế trên diện rộng như tình trạng khẩn cấp nhằm kiềm chế số người nhiễm COVID-19.
Theo: kenh14.vn
Vụ án hai bác sĩ Nhật trợ tử cho bệnh nhân mắc hội chứng ALS
Những ngày vừa qua, vụ việc hai bác sĩ ở Nhật Bản bị bắt vì bị nghi ngờ đã giúp một người phụ nữ mắc hội chứng ALS kết liễu cuộc đời gây ra cuộc tranh luận ở nước này về vấn đề trợ tử và chất lượng cuộc sống cho các bệnh nhân chiến đấu với bệnh nan y.