‘Sâu lớp nào xào lớp nấy’ – bài học chống Covid-19 ở Nhật và niềm tin cho Việt Nam

Theo bài viết của TS. BS Phạm Nguyên Quý – Khoa Nội khoa ung thư, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản đăng trên báo điện tử Soha.

Chính phủ Nhật Bản thông báo rằng dịch bệnh đã bắt đầu sang thời kỳ 3, với mục tiêu không còn là tìm ra tất cả người nhiễm virus mà là giảm thiểu số người tử vong/biến chứng do virus.

Ngày 25 tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Nhật Bản tuyên bố chính sách chống dịch COVID-19 TẠI NHẬT BẢN đã chuyển sang giai đoạn mới, trong đó có nội dung như sau:

Những người bị sốt hay cảm lạnh, triệu chứng bệnh nhẹ thì nên tự cách ly tại nhà (hạn chế ra ngoài), ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ để tự vượt qua căn bệnh (bằng sức đề kháng của chính mình). 

Tuy nhiên, không phải tự “chịu trận” ở nhà mà nên liên hệ bệnh viện hoặc trung tâm tư vấn qua điện thoại NẾU CÓ triệu chứng hoặc sốt (> 37.5) trên 4 ngày hoặc thấy khó thở, mỏi mệt nhiều. Người già hoặc có bệnh mạn tính đi kèm thì liên hệ nếu triệu chứng kéo dài trên 2 ngày“.

Ngay lập tức, cộng đồng mạng dậy sóng với nhiều lo lắng, thậm chí giận dữ và nghi ngờ.

Vậy không cho người dân xét nghiệm ngay để chẩn đoán bệnh cho chính xác à?

Chính phủ muốn… giấu dịch hay sao mà không cho xét nghiệm đại trà?

Xét nghiệm nghe bảo đơn giản mà làm gì khó khăn thế?

Thật ra, câu chuyện xét nghiệm không đơn giản như vậy. Dù “xét nghiệm PCR” hoặc “realtime/RT-PCR” là từ ngữ phổ biến hơn trong cộng đồng trong những ngày vừa qua, có một số “góc khuất” cần lưu ý. Trong xét nghiệm này, nhân viên y tế sẽ lấy dịch ở mũi hoặc họng bệnh nhân mang đi kiểm tra xem trong đó có gene đặc hiệu của virus hay không.

Mặc dù nguyên lý xét nghiệm không quá khó hiểu, việc thực hiện cần thời gian và nhân lực. Tại Nhật Bản, vẫn cần 5-6 tiếng để chạy RT-PCR; từ khi lấy mẫu tới khi báo cáo và trả kết quả cho bệnh nhân thường tốn cả ngày, có khi là vài ngày.

Quan trọng hơn là độ chính xác của kết quả vẫn chưa cao. Theo một số báo cáo, độ nhạy, tức xác suất/khả năng xét nghiệm báo đúng người bị nhiễm SARS-CoV-2 bằng PCR đang ở mức 50-70%, tức vẫn có khá nhiều trường hợp âm tính giả (bị nhiễm thật nhưng xét nghiệm không phát hiện được). Tỉ lệ dương tính giả (không bị nhiễm nhưng xét nghiệm lại báo là có mắc bệnh) cũng còn cao, ám chỉ rằng nếu dùng xét nghiệm đại trà, không suy xét thì có thể dẫn đến báo động giả, làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người và cả những người xung quanh.

Ngoài ra, kết quả xét nghiệm còn có thể bị ảnh hưởng bởi tỉ lệ mắc bệnh trong cộng đồng và cách lấy mẫu. Như phân tích trong bài trước đây về việc không nên dùng chỉ số ung thư (tumor markers) để sàng lọc bệnh ung thư, chúng ta có thể thấy khi tỉ lệ mắc bệnh trong cộng đồng không cao thì khả năng dự đoán trúng của xét nghiệm sẽ thấp, nhiều ca bị báo động sai và sẽ gián tiếp gây nên hậu quả lớn (Hình 1).

Về cách lấy mẫu, cách thường quy là lấy qua đường lỗ mũi (chọc que bông gòn vào sâu trong lỗ mũi) nhưng cách này có thể kích thích bệnh nhân hắt xì, gây bắn mầm bệnh và …lây cho nhân viên y tế nên nhiều nơi người ta lấy qua đường họng. Tuy nhiên, qua đường này thì độ nhạy của xét nghiệm lại có thể kém đi.

Như vậy, xét nghiệm PCR như hiện nay có độ chính xác chưa đủ cao và các bác sĩ sẽ không xét nghiệm “đại trà”, hay làm “vì bệnh nhân lo lắng/yêu cầu” mà cần kết hợp thông tin lâm sàng, yếu tố dịch tễ để chọn ra các đối tượng thật sự cần để việc xét nghiệm là có ích nhất trên tổng thể.

Sâu lớp nào xào lớp nấy - bài học chống Covid-19 ở Nhật và niềm tin cho Việt Nam - Ảnh 2.

Hình 1. Minh họa khả năng chẩn đoán đúng COVID-19 của xét nghiệm PCR.

Cách tính tỉ lệ đoán đúng của xét nghiệm. Nếu tỉ lệ mắc bệnh là 1%, độ nhạy 70% và độ đặc hiệu 80% thì tỉ lệ đoán đúng của test là 3.4%. Nếu tỉ lệ mắc bệnh là 10% thì tỉ lệ đoán đúng của test là 28%.

Dịch bệnh ở Nhật đã qua giai đoạn mới?

Nhưng trên hết, cần hiểu rằng chiến lược chống dịch COVID-19 ở Nhật đã sang giai đoạn mới, mà việc chẩn đoán chính xác từng ca bệnh để cách ly trong bệnh viện không còn hiệu quả và cũng không còn là ưu tiên.

Như minh họa ở hình 2, thật ra Nhật Bản đã vạch ra chiến lược phòng vệ-ứng phó với những loại dịch như thế này từ nhiều năm trước. Chiến lược này đã cho thấy hiệu quả ở các đại dịch cúm mới, virus Zika,…nên người ta vẫn tin theo trong đại dịch lần này.

Chuyên đềChuyên Gia Nói về Covid-19, với những bài viết độc quyền, tin cậy, giúp bạn có kiến thức chuẩn mực, thái độ bình tĩnh để phòng chống dịch Covid-19.

Truy cập tại đây:

– Trên Soha.vn, bấm vào đây.

– Chiến dịch “Lá chắn Virus Corona” trên Lotus.vn, bấm vào đây.

Theo chiến lược này, có thể chia một cơn dịch thành 5 kỳ mà mỗi kỳ có mục tiêu và cách ứng phó khác nhau. Trong hình 2, trục tung chỉ số ca bệnh trong nước, trục hoành chỉ thời gian và đường màu đỏ là sự tăng giảm ca bệnh qua từng thời kỳ.

Kỳ 1: Phát sinh dịch ở nước ngoài. Số ca bệnh trong nước bằng 0. Thời kỳ này mục tiêu của phòng ngừa là làm chậm quá trình phát sinh bệnh trong nước.

Kỳ 2: Phát sinh dịch trong nước. Số ca bệnh trong nước là ít/rất ít. Mục tiêu thời kỳ này là ngăn ngừa dịch bệnh lan rộng.

Kỳ 3: Dịch bệnh trong nước lan rộng. Số ca bệnh trong nước tăng nhanh, đạt đỉnh và giảm dần. Mục tiêu thời kỳ này là giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh hưởng lên sức khỏe là ưu tiên hàng đầu, cân nhắc với cả ảnh hưởng về mặt kinh tế-chính trị-xã hội.

Kỳ 4: Dịch bệnh trong nước suy yếu. Số ca bệnh ít và “duy trì” ở mức thấp. Mục tiêu của thời kỳ này là nhìn lại quá trình chống dịch để cân nhắc sửa đổi chiến lược chống dịch sắp tới.

Kỳ 5: Dịch bệnh tái diễn. Tương ứng với hiện tượng tái phát nhưng có thể không xảy ra.

Sâu lớp nào xào lớp nấy - bài học chống Covid-19 ở Nhật và niềm tin cho Việt Nam - Ảnh 5.

Hình 2. Tiếp cận 5 kỳ của Nhật Bản đối với bệnh dịch.

Nếu trở lại thời điểm đầu tháng 1 vừa qua, chúng ta hẳn còn nhớ Chính phủ Nhật tuyên bố “hào phóng” là sẽ chịu TOÀN BỘ chi phí điều trị trong bệnh viện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus mới (không phân biệt quốc tịch). Thật ra, đây là hình thức “CHIÊU MỘ” TẤT CẢ những đối tượng tình nghi đi xét nghiệm để tích cực cách ly mầm bệnh triệt để trong kỳ 2.

Cần nhấn mạnh chữ “chiêu mộ” vì việc bị cách ly tới mấy tuần trong bệnh viện không hề là một trải nghiệm dễ chịu và không phải ai cũng hợp tác. Đã có một số bệnh nhân phản đối vì mất tự do, bị stress hay hoảng sợ và nhân viên y tế phải rất vất vả hỗ trợ để cùng bệnh nhân vượt qua thử thách.

Chiến lược trong kỳ 2 này cũng kèm các bước khảo sát yếu tố dịch tễ để tìm ra manh mối/đường lây truyền để ngăn chặn sớm. Ở thời điểm này, hầu hết ca bệnh được cho là có liên quan tới Vũ Hán, Trung Quốc. Những con số tăng nhanh về ca lây nhiễm trên du thuyền Diamond Princess là đáng lo ngại, nhưng Chính phủ đã “bất đắc dĩ” cho cách ly toàn bộ con thuyền cũng là để cố gắng dập dịch ngay tại chỗ.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã thay đổi, với những ca bệnh xuất hiện từ TRONG NƯỚC và việc lần tìm manh mối đường lây nhiễm đã trở nên BẤT KHẢ THI. Đây là điểm mấu chốt khiến chính phủ Nhật Bản thông báo rằng dịch bệnh đã bắt đầu sang thời kỳ 3, với mục tiêu không còn là tìm ra tất cả người nhiễm virus mà là giảm thiểu số người tử vong/biến chứng do virus. Theo những báo cáo vừa qua về yếu tố nguy cơ liên quan tới tử vong do COVID-19, người ta đã biết cần ưu tiên bảo vệ và chăm sóc những người có hệ miễn dịch suy yếu như người già (trên 65 tuổi), hoặc người đang mắc các bệnh mạn tính.

Vì thế, chính phủ Nhật Bản khuyến cáo người không thuộc các nhóm trên, hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ không nên lui tới cơ sở y tế yêu cầu làm xét nghiệm để gây quá tải cho hệ thống y tế, thậm chí làm lây lan thêm bệnh dịch tại bệnh viện.

Những người lo lắng muốn xét nghiệm có thể không hài lòng với khuyến cáo này, nhưng cần hiểu rằng dù xét nghiệm có ra kết quả “Dương tính” với bệnh COVID-19 thì ai bệnh nhẹ, còn khỏe cũng sẽ được khuyên về nhà tự cách ly (hạn chế ra ngoài), thực hiện vệ sinh phòng lây bệnh theo khuyến cáo và chờ cơ thể dần hồi phục. Chỉ người nào già yếu, nhiều bệnh mạn tính, có dấu hiệu suy hô hấp mới cần làm xét nghiệm để cân nhắc nhập viện theo dõi và điều trị bổ trợ.

Như vậy, ở đối tượng “trẻ-khỏe”, việc xét nghiệm KHÔNG làm thay đổi chiến lược điều trị và vì thế xét nghiệm sẽ là không cần thiết. Một số độc giả vẫn nghĩ “vào viện cách ly” cho yên tâm, nhưng thật ra khi số người nhiễm quá đông (vì tính cả ca nhẹ) thì sẽ không đủ phòng bệnh cách ly, không đủ nhân viên y tế để săn sóc. Việc nhập viện dài ngày cũng sẽ gây bất tiện cho những người đang khỏe vì nội dung chăm sóc giai đoạn này (chủ yếu là ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ để tăng cường miễn dịch), có thể thực hiện tại nhà; trong khi nhập viện sẽ làm xáo trộn sinh hoạt gia đình (như con cái không ai chăm sóc).

Một số chuyên gia phỏng đoán số ca tử vong ở Vũ Hán cao có thể là do “vỡ trận” vì đã không thể phân luồng săn sóc bệnh nặng/nhẹ, làm người bệnh nặng tử vong vì không được chăm sóc kịp thời, trong khi người bệnh nhẹ lại chuyển nặng hơn vì phải chen chúc chờ đợi trong bệnh viện quá tải (Hình 3).

Vì thế, thay vì lo lắng mình có mắc bệnh hay không, chúng ta nên tập trung tìm hiểu cách tự chăm sóc tại nhà khi mắc bệnh (tương tự như cúm mùa) và triệt để thực thi các phương pháp phòng ngừa đã được khuyến cáo để không lây tiếp bệnh cho người khác. Đây cũng là thông điệp mà tác giả đã chuyển tải trong bài viết ngày 3 tháng 2 vừa qua, cũng là thông điệp mà chính phủ Nhật Bản muốn nhấn mạnh hiện nay.

Sâu lớp nào xào lớp nấy - bài học chống Covid-19 ở Nhật và niềm tin cho Việt Nam - Ảnh 7.

Hình 3. Cảnh chen chúc do quá tải ở một bệnh viện tại Vũ Hán.

Người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng thì nên làm thế nào?

Tỉ lệ người mắc bệnh nhưng không có triệu chứng gì đang được báo cáo là khoảng 1.2% tổng số ca bệnh, tức không quá phổ biến. Dù vậy, Chính phủ Nhật Bản vẫn thận trọng khuyến cáo rằng ngay cả khi không có triệu chứng, người dân nên xem lại hình thức sinh hoạt hằng ngày để hạn chế tiếp xúc gần (dưới 1m) với những người khác. Đó cũng là một trong những lý do mà hàng loạt sự kiện vui chơi giải trí, giao lưu học thuật… đã bị hoãn/hủy trong tuần qua, phản ánh cố gắng của Nhật Bản trong việc chặn dịch bằng hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết và không cấp bách.

Ngoài ra, người dân nên ý thức hơn với hành vi chùi quẹt, khạc nhổ của mình vì mầm bệnh có thể bắn ra/dính lên các bề mặt nơi công cộng. Vì nhân viên ở các cơ quan giáo dục, các xí nghiệp sản xuất,…được xem là chiến tuyến quan trọng để ngăn ngừa dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản nói rằng nên thay đổi cả cách giao tiếp như làm việc và họp hành qua mạng (Telework) tùy vào đặc thù công việc.

Sâu lớp nào xào lớp nấy - bài học chống Covid-19 ở Nhật và niềm tin cho Việt Nam - Ảnh 9.

Chúng ta có quyền hi vọng

Bài viết này cung cấp thông tin về chiến lược ứng phó bệnh dịch theo kỳ, theo lớp tại Nhật Bản để quý độc giả có thêm góc nhìn và không quá lo lắng.

Trong khi nhiều người hoài nghi về khả năng kiểm soát COVID-19 tại Nhật, một tin tốt đáng lưu ý là số người mắc influenza/cúm mùa tại Nhật Bản năm nay đã giảm tới 50%, từ 140,000 ca xuống 70,000 ca, có lẽ là nhờ tích cực kêu gọi thực thi triệt để các phương pháp phòng ngừa kinh điển như rửa tay và đeo khẩu trang đúng cách trên đài báo. Vì lời khuyên tự nghỉ dưỡng tại nhà và vệ sinh phòng bệnh như hiện nay là giống với cách xử trí dịch cúm mùa, chúng ta có thể hi vọng Nhật Bản, một quốc gia với nhiều người già, sẽ không chịu tổn thất về người quá lớn do COVID-19.

Nhìn về Việt Nam, theo góc nhìn nói trên, có thể nhận định rằng chúng ta đang ở giai đoạn 2 và chiến lược cách ly-khoanh vùng-dập dịch tại chỗ đang có hiệu quả tốt. Người viết bài tin rằng cho dù bệnh dịch có chuyển sang giai đoạn 3 như ở Nhật Bản, Việt Nam vẫn có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, bằng tình thương mà mỗi người dân dành cho người yếu thế hơn trong cộng đồng, bằng tinh thần trách nhiệm thể hiện qua việc tuân thủ rửa tay, đeo khẩu trang theo đúng khuyến nghị.

Nguồn: isenpai.jp

Tags:
Mẹ chống SARS, con chống nCoV

Mẹ chống SARS, con chống nCoV

Thấy con gái xách vali ra khỏi nhà và dặn "Con đi công tác", bà Thục hiểu con sắp bước vào cuộc chiến giống mình 17 năm trước.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất