Quốc gia được gọi là trại lợn của châu Âu, có nơi bình quân mỗi người nuôi tới 800 con
Khu làng Balsa de Ves tại Tây Ban Nha đang chứng kiến một chuyện lạ. Trường học của làng đã đóng cửa từ hơn 40 năm trước, 2 khách sạn lớn tại đây cũng đã phá sản từ năm 2008 nhưng ngôi làng ngày càng trở nên ầm ĩ suốt 15 năm qua.
“Chuyện gì đang diễn ra ư? Chúng tôi đang bị lũ lợn xâm chiếm. Bình quân mỗi người dân tại đây phải nuôi đến 800 con heo”, Thị trưởng Natividad Perez Garcia ngán ngẩm khi ngôi làng này sản xuất khoảng 100.000 con lợn mỗi năm.
Một chuồng lợn ở Tây Ban Nha.
Trên thực tế, đây là chiến dịch của Tây Ban Nha nhằm phát triển ngành chăn nuôi lợn, đồng thời góp phần hạn chế tình trạng đô thị hóa quá nhanh, chuyển bớt người dân về các vùng quê sinh sống. Hiện gần một nửa số lợn của ngành đang được nuôi tại nhiều khu làng, thị trấn có dân số dưới 5.000 người.
Năm 2021, Tây Ban Nha có dân số 47 triệu người nhưng mổ thịt tới 58 triệu con lợn, mức tăng 40% so với 10 năm trước và biến quốc gia này thành nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất Châu Âu.
Hút dân thành hút lợn
Trong suốt 10 năm qua, khoảng 90% số làng mạc tại Tây Ban Nha có dân số chưa đến 1.000 người khi quốc gia này đang lão hóa nhanh chóng. Bởi vậy chính phủ đã cố gắng hết sức để chia sẻ bớt dân cư về vùng làng quê, từ cấp đất miễn phí cho đến phát cả bằng đại học địa phương.
Thế nhưng tại Balsa de Ves, họ lại theo đuổi chương trình nông nghiệp của chính phủ với tham vọng thu hút được lao động về đây. Thế nhưng thay vì gia tăng dân số, ngôi làng lại trở thành “chuồng lợn” cho cả nước.
“Đó là điểm khởi đầu cho chuỗi ngày ác mộng của dân làng chúng tôi. Các chuồng lợn cỡ lớn được xây dựng khiến mùi xung quanh ngôi làng hôi quanh năm, thế rồi những chiếc xe tải chở heo đi lại liên tục phá hỏng con đường chính”, Thị trưởng Perez Garcia than thở.
Những trang trại lợn quanh ngôi làng tuyển rất ít lao động bởi ngành chăn nuôi được tự động hóa và áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến. Hậu quả là người đến chẳng thấy đâu mà dân bản địa cứ rời khỏi nơi này. Tổng dân số của Balsa de Bes đã giảm 40% kể từ khi nơi đây thành trung tâm nuôi lợn.
Thậm chí vào tháng 5/2022, xét nghiệm của Greenpeace cho thấy hàm lượng Nitrat trong nguồn nước của Balsa de Ves cao tới 120 mg/lít, lớn hơn nhiều so với tiêu chuẩn 50 mg/l của Liên minh Châu Âu (EU) và buộc thị trưởng Garcia phải hối thúc người dân sử dụng nguồn nước khác.
Tại miền Đông Bắc Aragon-Tây Ban Nha, nơi bình quân mỗi người dân phải nuôi 7 con lợn, các nghiên cứu cho thấy gần 50 ngôi làng đã có hàm lượng Nitrat ở mức cao nguy hiểm trong khoảng 2016-2020.
Trong khi đó, một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy gần 74% trong số những làng xã, thị trấn nhỏ nuôi nhiều lợn hơn số dân tại Tây Ban Nha đang chứng kiến cảnh người dân ra đi suốt 20 năm qua.
“Cũng dễ hiểu thôi, bạn thích mùi của phân lợn hơn hay mùi thiên nhiên làng quê hơn?”, thị trưởng Garcia mỉa mai.
Trang trại nuôi lợn gần làng Balsa de Ves-Tây Ban Nha.
Trỗi dậy
Số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tổng sản lượng thịt lợn toàn cầu đã tăng từ 120 nghìn tấn năm 2021 lên 123 nghìn tấn năm 2022. Trung Quốc và Mỹ xếp thứ 1-2 trong khi Tây Ban Nha đứng thứ 3. Tuy nhiên, Tây Ban Nha đang trỗi dậy cực kỳ mạnh mẽ khi sản lượng thịt lợn đã tăng 40% trong 10 năm trở lại đây, chân chính trở thành “chuồng lợn” của Châu Âu.
Quay ngược dòng lịch sử, ngành chăn lợn của Tây Ban Nha bắt đầu tăng tốc khi nền kinh tế này gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 1986. Ngay lập tức, EU có sự dịch chuyển về hoạt động chăn lợn khi Tây Ban Nha có lợi thế về nhân công giá rẻ, chi phí thức ăn chăn nuôi thấp, mức độ tập trung dân số không cao và đặc biệt là các quy định luật pháp về môi trường còn khá lỏng lẻo.
Thậm chí để có thể đánh bại những cường quốc chăn lợn tại Châu Âu khác như Đức, chính phủ Tây Ban Nha đã đầu tư lớn cho mảng công nghệ nông nghiệp nhằm gia tăng năng suất, giảm số nhân công cần thiết.
Ngoài ra, nhu cầu thịt lợn nội địa cũng tăng. Trong khoảng 1985-2002, lượng tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người hàng năm tại Tây Ban Nha đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu là do thu nhập của người dân đi lên sau khi gia nhập EU.
Báo cáo của Bộ nông nghiệp Mỹ năm 2021 cho thấy trong 20 năm trở lại đây, ngành chăn lợn Tây Ban Nha tiếp tục bùng nổ và thậm chí vượt qua được cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19. Dù xuất khẩu bị gián đoạn vì cách ly nhưng các trang trại lợn vẫn bán hàng được ở mức bình thường cho người tiêu dùng nội địa. Xuất khẩu thịt lợn dù chịu ảnh hưởng nhưng vẫn ổn định.
Đây là điều hoàn toàn trái ngược với ngành thịt của Mỹ khi bị gián đoạn mạnh, tạo nên tình trạng tăng giá cục bộ vì dùng nhiều nhân công, dễ bị lây nhiễm.
Trong năm 2020 khi đại dịch diễn ra, sản lượng thịt lợn tại Tây Ban Nha đã tăng 6% so với năm 2019.
Một yếu tố nữa kích thích ngành chăn heo Tây Ban Nha là đại dịch cúm lợn đang bùng phát ở Trung Quốc khiến “chuồng lợn” Châu Âu trở thành người chơi lớn được lợi nhất trên thị trường hiện nay.
Đại dịch cúm lợn đã lan tràn tại Trung Quốc từ năm 2018, qua đó buộc nền kinh tế số 2 thế giới này phải phụ thuộc vào nhập khẩu thịt heo từ những nước như Tây Ban Nha.
Xin được nhắc Trung Quốc không chỉ là nước sản xuất thịt lợn đứng đầu thế giới mà còn là thị trường tiêu thụ heo nhiều nhất toàn cầu.
Thế rồi đối thủ Đức cũng dính dịch cúm lợn vào tháng 9/2020, khiến Tây Ban Nha càng được lợi. Hiện một nửa sản lượng heo của nước này là dành cho xuất khẩu và chủ yếu là sang thịt trường Trung Quốc.
Cafebiz (nguồn: The Guardian)
Tôi không chấp nhận con 'mù' tiếng Việt dù sống ở nước ngoài
Thời gian ở trường và ngoài xã hội là thừa để trẻ hòa nhập với môi trường bản xứ, nhưng chúng không thể sống mà không hiểu về gốc gác.