Phụ nữ Việt xinh đẹp làm Cơ phó: Bỏ cuộc sống sang chảnh ở Dubai để ‘tự hào vì không bỏ cuộc’
Tiếng loa thông báo vang lên, hành khách ngạc nhiên nhìn nhau "Ồ, phi công nữ". Trên rất nhiều chuyến bay trước đó, Khánh Ly cũng khiến nhiều hành khách "giật mình" khi thấy người bước ra từ buồng lái là… một nữ phi công trẻ trung, năng động.
4 tháng trước khi tốt nghiệp Học viện Hàng không Việt Nam, tháng 3.2015, Khánh Ly thi đậu tiếp viên hàng không của Emirates Airlines ngay trong lần đầu thi tuyển. Vừa nhận tấm bằng, cô gái 9X chuyển ngay đến Dubai, ở nhà do công ty cấp và bắt đầu với những chặng bay dài.
1 năm sau, Khánh Ly chuyển ra ngoài thuê nhà sinh sống, tự học bằng lái, mua ô tô đi làm với cuộc sống sang chảnh ở thành phố xa hoa tột độ.
Nữ tiếp viên hàng không 5 sao thành phi công: Tự hào 'làm chủ bầu trời'
"Một mình ở nước ngoài, cảm giác cô đơn quanh quẩn hoài, không có người thân bên cạnh. Có những lần bệnh tôi cũng phải tự chạy xe đến bệnh viện truyền nước rồi tự chạy xe về nhà. Nhiều ngày liên tiếp chỉ đi bay, chân sưng phù vì đứng lâu, rồi cô đơn, cười như robot, tôi nhận thấy hơn 3 năm đã đi du lịch nhìn ngắm đủ nên không muốn xa nhà nữa", nữ phi công kể lại.
Trong thời gian bị "áp lực" vì sự cô đơn ấy, Khánh Ly nhận được câu hỏi của một cơ trưởng người Singapore: "Đã bao giờ cháu nghĩ sẽ tiếp tục công việc bay ở nước mình nhưng với một vị trí khác chưa?". Đó cũng là cột mốc khiến cô gái định từ bỏ cuộc đời tiếp viên hàng không quyết định nộp đơn học phi công tại Mỹ.
Cô gái xinh đẹp tâm sự: "Khi còn làm tiếp viên, đi đến nước nào tôi cũng được công ty cấp tiền tiêu ở nước đó, mỗi tháng chỉ có khoảng 10 ngày ở Dubai thì tôi hay ngủ để hồi phục sức khỏe. Tôi để dành được một khoản kha khá, cộng thêm sự hỗ trợ từ gia đình nên không bị áp lực về tài chính khi đi học phi công".
Sau 1,5 năm theo học tại Mỹ, Khánh Ly tham gia huấn luyện chuyển loại máy bay ở Singapore vào tháng 4.2021 và chính thức trở thành phi công của hãng hàng không trong nước.
Cao ráo, năng động, Khánh Ly luôn xuất hiện với vẻ ngoài tươi tắn, trẻ trung. Từ bỏ cuộc sống sang chảnh ở thành phố với những tòa nhà cao chọc trời, ngày ngày lái xe hơi đi làm, cô gái cao 1m72 về nước, mỗi ngày chạy chiếc xe số màu ngả bạc từ Q.12 đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Nữ phi công hài hước đúc kết: "Nhìn lựa chọn của tôi có thể người ta ví "lên voi xuống chó", nhưng về Việt Nam được hít thở không khí với nhiều cây xanh, xung quanh toàn người Việt, dù có đang sống một mình tôi vẫn không thấy cô đơn".
Gặp chúng tôi sau chặng bay dài từ sáng sớm, nữ cơ phó 9X xuất hiện với vẻ ngoài tràn đầy năng lượng, lạc quan. Ly cho biết, trong "văn phòng" làm việc của mình có khoảng 500 nút, cầu chì điều khiển với từng chức năng khác nhau. Trong buồng lái, cô cùng cơ trưởng sẽ liên hệ kiểm soát viên không lưu để xin lệnh đẩy nổ, di chuyển trên sân đỗ, xin lệnh cất, hạ cánh, cân bằng trọng tải,…
Xác định làm phi công, Khánh Ly không cho phép bản thân được yểu điệu, thướt tha, thậm chí bản thân cô cũng đôi lần quên luôn mình là phụ nữ vì làm việc trong môi trường hầu như đa số là đồng nghiệp nam.
Nữ phi công kể: "Khi khám sức khỏe phi công, để có thể vượt qua được vòng tiền đình, ở nhà tôi đã phải ngồi lên ghế và xoay vòng liên tục 2 phút, mỗi ngày 1 – 2 lần, sau đó đứng lên đi thẳng. Rất khó khăn, nhưng luyện tập thì sẽ làm được".
Với công việc đi sớm, về khuya, đặc thù đi làm kín lịch vào ngày lễ, tết, nữ cơ phó cho rằng cũng rất khó tìm được "một nửa của mình". 6 tháng một lần, phi công phải vượt qua những bài huấn luyện và kiểm tra trong tình huống khẩn nguy, người trong nghề gọi đây là công việc buộc phải học cả đời, sức khỏe bền bỉ.
"Cảm giác đầu tiên khi ngồi vào chiếc ghế lái rất vui, rất hào hứng. Khi ở vị trí là phi công, view của tôi với cảnh quan xung quanh đặc biệt hơn rất nhiều. Có rất nhiều ngày tôi sẽ được trải nghiệm một bầu trời đêm đầy sao, những dãy núi cao, những đám mây nhỏ như những cục bông gòn hay những cơn bão rất to, nhìn trên radar nó không như vậy, nhưng nhìn thực tế nó rất là vĩ đại", nữ phi công tâm sự.
Nhìn lại chặng đường gần 4 năm từ khi có ý định học phi công đến hôm nay, Khánh Ly luôn tự hào vì chưa bao giờ bỏ cuộc, tự hào vì vượt qua được những điều mà bản thân từng tưởng chừng như không thể.
Đến thời điểm này, Ly vẫn khẳng định lý do chính đưa mình gắn bó với ngành hàng không là "duyên". Ba mẹ là nông dân, ở xã không có trung tâm Anh ngữ, Ly tự học bằng cách nghe nhạc, xem ti vi, dần dần bỏ phụ đề để luyện nghe. Cơ hội làm việc tại Dubai cũng cho cô nhiều cơ hội thực hành với tiếng Anh mỗi ngày. Đây cũng là điều kiện đầu tiên của một phi công vì trên chuyến bay tất cả trao đổi giữa phi công với không lưu, mặt đất đều bằng tiếng Anh.
Thời điểm Khánh Ly theo học tại Mỹ, phí đào tạo phi công đã ngang ngửa giá một căn hộ tại quận nội thành TP.HCM, cô gái sinh năm 1993 quyết tâm hoàn thành chương trình học nhanh nhất có thể để tìm ngay việc làm.
Nữ cơ phó chia sẻ: "Ngày còn nhỏ, tôi là người nhút nhát, tự ti vì cao ngồng cao nghều, gầy như cây gậy không có điểm gì đặc biệt, học khá. Nhưng khi làm tiếp viên tôi được mở mang tầm nhìn, cảm thấy năng động hơn, muốn trải nghiệm, thử những điều mới lạ. Nhưng sau khi huấn luyện phi công thì tôi thấy mình trầm tính lại, cảm giác như không cần thiết phải như một ngọn lửa, cứ từ từ giải quyết, mọi thứ sẽ qua, kết quả sẽ tốt hơn là bốc đồng".
Mỗi tuần, nữ phi công thường sắp xếp thời gian về Gia Kiệm (H.Thống Nhất, Đồng Nai) thăm gia đình 2 lần, sau đó nếu còn thời gian sẽ gặp đồng nghiệp, bạn bè uống cà phê. Còn lại chủ yếu thời gian cô tự vào bếp nấu nướng, tập yoga.
Khánh Ly thừa nhận bản thân đã thay đổi nhiều, tự tin hơn từ khi trở thành phi công, đặc biệt là khi sánh bước cùng với số đông nam giới trong nghề, Ly cảm thấy được tôn trọng chia sẻ giống nhau, bình đẳng hơn.
Cơ trưởng Vũ Anh Tuấn, Hãng hàng không Pacific Airlines (cũng là thầy giáo của cơ phó Khánh Ly) cho biết, dù người ta cho rằng nghề phi công chỉ dành cho nam giới nhưng đến bây giờ, có thể thấy số lượng phi công nữ đã tăng lên đáng kể. Điều này chứng minh rằng nghề này không phân biệt phụ nữ hay đàn ông.
"Đối với tôi bay cùng đồng nghiệp nam hay nữ cùng như nhau thôi, nhiều phi công nữ có kỹ năng bay tốt – như Khánh Ly. Công việc này nhìn có vẻ dễ nhưng yêu cầu các bạn nữ phải mạnh mẽ, quyết đoán, đối mặt với nắng ở trên cao ảnh hưởng làn da nè hay đi bay mùa mưa gió", cơ trưởng Vũ Anh Tuấn nhận xét.
Du học sinh Việt bị lừa đau đớn 1,700 AUD - biết scam vẫn bị lừa
Mới đây trên group VASA - Hội Sinh Viên Việt Nam Melbourne - Vietnamese Students Australia, một bạn du học sinh Việt đã chia sẻ câu chuyện bị lừa "kinh điển" của mình. Chiêu trò không mới, đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng một phút tham lam đã khiến bạn trả giá: