Những nữ sinh bị cô lập ở đại học số một Nhật Bản
Satomi Hayashi luôn chăm chỉ học tập và có thành tích xuất sắc ở trường trung học, bởi cô muốn giống như bố, trở thành sinh viên Đại học Tokyo (hay còn gọi là Todai).
Nhưng ngay khi Hayashi đỗ vào Todai, bạn bè đã cảnh báo điều này không tốt cho chuyện chồng con sau này của cô, bởi đàn ông thường thấy tự ti trước một cô gái tốt nghiệp từ trường danh tiếng như Todai. Cô đã tìm kiếm trên Google "Phụ nữ tốt nghiệp Todai có thể kết hôn?" và nhận ra đây là mối quan tâm phổ biến.
Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản cô. Hayashi, giờ đây đã 21 tuổi, khi đó chỉ thắc mắc liệu những phụ nữ khác có sợ chuyện này mà không dám thi vào Todai hay không.
Khi Hayashi nhập học ở Todai ba năm trước, chưa đầy 20% sinh viên của trường là nữ. Sự vắng bóng của nữ giới ở Todai là một hệ quả của bất bình đẳng giới ở Nhật Bản, nơi phụ nữ không được kỳ vọng sẽ đạt thành công như nam giới và đôi khi họ tự kìm hãm sự phát triển của bản thân.
Một nữ sinh học nhóm cùng các sinh viên nam tại Đại học Todai. Ảnh: NY Times.
Thủ tưởng Shinzo Abe đã thúc đẩy chương trình nghị sự về trao quyền cho phụ nữ, qua đó tự hào tuyên bố rằng tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tham gia vào lực lượng lao động vượt xa Mỹ. Nhưng thực tế, rất ít phụ nữ tham gia vào vị trí lãnh đạo hay đảm nhận các vị trí cao nhất trong bộ máy chính phủ.
Sự bất bình đẳng giới có thể thấy ngay ở các trường học. Dù nữ giới chiếm gần một nửa số sinh viên ở Nhật Bản, tỷ lệ này rất thấp tại các trường đại học danh giá nhất.
Trong gần hai thập kỷ, tỷ lệ nữ giới theo học ở Todai chỉ dao động khoảng 20%. Trong số 7 viện nghiên cứu quốc gia, các nghiên cứu sinh nữ chỉ chiếm khoảng 1/4. Còn tại các trường đại học tư thục như Keio và Waseda, tỷ lệ này vào khoảng 1/3. Những con số này là quá nhỏ so với các cơ sở giáo dục ở châu Á. Sinh viên nữ chiếm gần 50% tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), 40% tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), và tại Đại học Quốc gia Singapore là 51%.
"Bạn có thể thấy sự mất cân bằng tại Todai", Hayashi, sinh viên chuyên ngành văn học, nói. "Trong khi 1/2 dân số là phụ nữ, sinh viên nữ ở trường chỉ chiếm 1/5".
Đối với người Nhật Bản, tấm bằng Todai danh giá giống như bằng đại học Harvard, Stanford hay MIT ở Mỹ. Nó mở ra cánh cửa cho nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh doanh, luật và công nghệ.
Nhiều thủ tướng Nhật Bản xuất thân từ Todai hơn từ các trường đại học khác, một nửa thẩm phán Tòa án Tối cao cũng là cựu sinh viên của ngôi trường này. Todai cũng tự hào là đại học có sinh viên tốt nghiệp làm việc trong quốc hội và giành giải Nobel nhiều nhất.
"Chúng tôi được hưởng nền giáo dục chất lượng nhất nên luôn là ứng viên sáng giá đối với bất kỳ công việc nào", Nobuko Kobayashi, cựu sinh viên Todai và hiện làm việc tại hãng dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia EY Nhật Bản, cho biết. "Chúng tôi trở nên có giá nhờ thương hiệu của trường".
Trong cuộc nói chuyện với sinh viên năm nhất ở Todai năm nay, Chizuko Ueno, giáo sư về nghiên cứu giới hiện đã nghỉ hưu, cho rằng sự mất cân bằng về số lượng sinh viên chính là dấu hiệu của bất bình đẳng giới đã vươn tới các trường đại học.
"Thậm chí trước khi các sinh viên bước vào đại học, ở đây đã tồn tại sẵn sự phân biệt giới tính", bà Ueno nhận định. "Thật đáng tiếc khi Todai là một ví dụ điển hình của tình trạng đó".
Nhận định của giáo sư Ueno đã vấp phải một số phản ứng của nam sinh viên trong trường. Trên Twitter, một nam sinh viên phàn nàn "Tại sao bà ấy không cổ vũ những sinh viên nam như chúng tôi?". Một sinh viên khác thì cho rằng giáo sư Ueno đang "tuyên truyền cho nữ quyền".
Trong bài phát biểu, bà Ueno nhắc lại vụ bê bối phân biệt giới tính tại Đại học Y Tokyo, nơi bị phát hiện "đánh trượt" nhiều thí sinh nữ trong cuộc thi đầu vào suốt nhiều năm. Theo điều tra, các nhà tuyển sinh muốn hạn chế số lượng sinh viên nữ ở mức 30% vì cho rằng bác sĩ nữ có nguy cơ nghỉ việc cao sau khi kết hôn hoặc sinh con. Một năm sau vụ bê bối, tỷ lệ thí sinh nữ trúng tuyển vào trường cao hơn nam giới.
"Chúng tôi giống như các cửa hàng vắng khách", Akiko Kumada, một trong số ít nữ giáo sư về kỹ thuật tại Todai và là thành viên của ủy ban bình đẳng giới của trường, cho biết. "Và hiện giờ, chúng tôi không có đủ khách hàng nữ".
Aine Adachi (áo hồng) đi cùng bạn cùng lớp tại khuôn viên Đại học Tokyo. Ảnh: NY Times.
Giáo sư Kumada đưa ra một số giả thuyết giải thích cho tình trạng này. Theo bà, các cô gái trẻ cho rằng thành tích học tập không phải là thước đo của sự nữ tính. Một số cô gái lo sợ phía sau tấm bằng Todai là một vị trí công việc cao với đầy áp lực, căng thẳng tại đất nước có văn hóa làm việc điên cuồng như Nhật Bản. Một sinh viên tốt nghiệp đã tự tử sau khi tâm sự với bạn bè rằng cô bị quấy rối và làm việc vô cùng mệt mỏi tại một công ty quảng cáo.
Todai đã thử nhiều biện pháp nhằm thu hút sinh viên nữ. Họ cử sinh viên nữ quay về trường trung học để khuyến khích học sinh nữ tham gia tuyển sinh vào Todai. Khi thiết kế sổ tay giới thiệu về Todai, họ đã cố gắng cân bằng giữa các bức ảnh về sinh viên nam và nữ trong đó.
Một chính sách nổi bật khác để chiêu mộ sinh viên nữ là trợ cấp tiền nhà ở cho sinh viên nữ có gia đình sống ngoài khu vực thủ đô Tokyo. Đây là biện pháp nhằm giúp nhiều bậc cha mẹ cảm thấy yên tâm khi cho con cái theo học trong thành phố lớn. Trường đại học trợ cấp 30.000 yên (khoảng 275 USD) mỗi tháng cho khoảng 100 sinh viên nữ. Tuy nhiên, chính sách này vấp phải sự phản đối vì cho rằng phân biệt đối xử với sinh viên nam.
"Chúng tôi liệu có thực sự muốn trao ưu đãi này cho những nữ sinh viên có thành tích học tập kém hơn nam giới hay không?", Kumada nói.
Todai từ trước đến nay hầu như chỉ có thí sinh ứng tuyển đến từ một số trường trung học nhất định. Hơn 1/4 số sinh viên theo học ở Todai năm 2019 đến từ 10 trường trung học, trong đó có 7 trường chỉ có nam giới. Nhiều nhà quản lý trường học cho rằng các bậc phụ huynh thường khuyến khích con trai học nhiều hơn.
"Bố mẹ thường kỳ vọng nhiều vào con trai, mong chúng cố gắng hết sức và đạt được thành tích cao nhất có thể", Hiroshi Ono, hiệu trưởng trường trung học phổ thông thuộc Đại học Tokyo Gakugei, nơi có 45 học sinh theo học tại Todai năm nay, trong đó có 11 học sinh nữ.
Ông Ono cho biết nhiều bố mẹ Nhật Bản "cảm thấy cho con gái kết hôn và ở nhà nội trợ sẽ tốt hơn việc khuyến khích chúng theo đuổi con đường học hành".
Tại Trường Nữ sinh Oin, nơi có nhiều học sinh nữ theo học Todai hơn bất kỳ trường nào khác, nhiều học sinh nữ cũng lưỡng lự trước việc thi vào trường đại học hàng đầu.
"Cuộc sống của phụ nữ phức tạp hơn nam giới nhiều", Yukiko Saito, hiệu trưởng trường Oin, cho biết. "Họ phải quyết định kết hôn với ai, có kết hôn hoặc có con hay không".
Để vào Todai, đa số học sinh phải dành nhiều năm tháng ôn luyện cho kỳ thi đầu vào. Các lớp trung học phổ thông hay học thêm không phải là yếu tố quyết định. Zkai, một trung tâm luyện thi đại học, có tỷ lệ học sinh trúng tuyển Todai rất cao. Wataru Miyahara, giám đốc trung tâm, cho biết có rất ít học sinh nữ tham gia luyện thi.
"Thật khó để nói đâu là nguyên nhân của vấn đề này", Miyahara nói. "Nhưng càng ít sinh viên nữ học Todai thì càng khó khiến các cô gái khác muốn thi vào trường. Nhưng dù lý do gì, thực tế nữ giới vẫn ít tham vọng hơn nam giới".
Kiri Sugimoto, 24 tuổi, sinh viên vừa tốt nghiệp ngành luật Đại học Tokyo năm nay. Ảnh: NY Times.
Ba năm trước, Todai từng đề nghị các trường cấp ba đề xuất một học sinh nam và một học sinh nữ xuất sắc tham gia tuyển sinh bằng vấn đáp hoặc viết luận, thay vì tham dự kỳ thi đại học. Tuy nhiên, trong số 3.000 sinh viên của trường, chưa đến 70 sinh viên được tuyển theo chính sách này.
Aine Adachi, 21 tuổi, đã được nhận vào Todai ba năm trước theo cách trên, cho rằng việc đưa ra nhiều tiêu chí đánh giá tuyển sinh thay vì chỉ có một kỳ thi đầu vào có thể khuyến khích nhiều nữ giới học đại học. "Đánh giá năng lực một ai đó chỉ với một tiêu chí sẽ không công bằng", Adachi nói.
Adachi, sinh viên ngành luật tại Todai, chia sẻ luôn thấy bị soi xét như một thành phần thiểu số và nạn phân biệt giới tính ở đây được thể hiện dưới nhiều cách khá tinh vi. Có lần, cô cùng một bạn nam cùng lớp chúi đầu vào laptop tại một quán cà phê gần trường để lên kế hoạch buổi dã ngoại cho câu lạc bộ. Một bạn nam khác tiến vào và quan sát cuộc trò chuyện của họ, rồi nói mỉa mai "Đây giống như sếp nói chuyện cùng thư ký của anh ta". Adachi lập tức đáp trả "Tại sao bạn cho rằng tôi là thư ký? Tại sao tôi không thể là sếp?"
Sinh viên nữ ở Todai thường cảm thấy bị cô lập. Khi lớp chụp ảnh tốt nghiệp, sinh viên luật Kiri Sugimoto, 24 tuổi, là cô gái duy nhất. "Điều khiến tôi bực mình là các bạn học nam xem tôi như một điều đặc biệt, một đóa hồng trang trí trong bức ảnh của họ. Tôi không thích bị đối xử như thế", Sugimoto nói.
Trong khi đó, các nam sinh viên không để tâm đến việc có bạn học là nữ. Sinh viên ngành kỹ thuật Hiroaki Kitamura, 19 tuổi, cho rằng sinh viên nam sẽ không thay đổi cách cư xử dù lớp có nhiều con gái. "Không phải khi có ít bạn gái trong lớp thì chúng tôi mới có các cuộc nói chuyện về vấn đề tình dục", Kitamura giải thích. Tuy nhiên, sinh viên này cho rằng lớp học trông sẽ "thời trang hơn" nếu có nhiều bạn nữ.
Một số sinh viên nam ở Todai né tránh việc hòa nhập và tham gia các hoạt động cùng với các bạn nữ. Tại câu lạc bộ khiêu vũ ở Todai, sinh viên cao học Erica Nakayama, 24 tuổi, cho biết cô và các bạn nữ cùng lớp thường bị áp đảo bởi các bạn nữ từ các trường đại học khác. Cô chia sẻ sinh viên nam ở Todai thường xuyên cho rằng các bạn học nữ quá cứng nhắc. "Họ nói chúng tôi không dễ thương", Nakayama kể lại. "Một bạn nam từng nói 'Các bạn nữ ở Todai khá đáng sợ'. Lúc đó tôi chỉ cười trừ và bỏ qua chuyện đó, nhưng thật lòng tôi thấy bị tổn thương".
Nguồn: vnexpress.net
Tòa án Tokyo phạt Chính phủ bồi thường vì cấm một nhân viên chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh nữ.
Một nhân viên 50 tuổi rối loạn định dạng giới – trên giấy tờ tùy thân đăng ký là nam nhưng cảm nhận giới tính là nữ – thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thắng trong vụ kiện bãi bỏ quy định cấm người này sử dụng nhà vệ sinh nữ.