Những người giữ hồn Việt ở Latvia và Lithuania
1. Cuối tháng 9.2022, tôi có dịp sang 3 nước Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia theo lời rủ rê của My, em gái đồng hương Khánh Hòa đã sống và định cư ở đó chục năm trời. Baltic chớm thu, trời dàu dàu, ít nắng, nhiều mưa. Đêm nhiệt độ giảm sâu, lạnh buốt không thể nào tả nổi. Những ngày ít ỏi ở đó, mẹ con My cùng bạn trai chở tôi đi dạo hết 3 nước. Nói thì gần, nhưng từ thủ đô nước này lái tới thủ đô nước kia cũng gần 3 giờ đồng hồ.
Dự định đi Nga và Ukraine của tôi bị hoãn lại vì Covid-19 rồi xung đột, nên trong mấy ngày ở đây, tôi cũng tận hưởng không khí Liên Xô thuở xưa bằng việc đi chợ chồm hổm cuối tuần, đi hội chợ ở phố cổ và qua những món ăn đậm chất Xô Viết như thịt heo, bò, cừu, rau xanh thiệt tươi, các loại cá muối ăn sống, uống bia và đặc biệt bánh mì trắng với bánh mì đen ở đây siêu ngon, nhờ những cánh đồng lúa mì bạt ngàn, tươi tốt.
Chị Lin (trái) và My trong nhà hàng Phở Ha Nôi
Nhưng dù sao đi nữa, gốc gác của bọn tôi cũng là Việt Nam. Cái máu mê ăn đồ miền Trung chảy tràn khắp người. Trong nhà My có sẵn các thể loại mắm quê từ mắm ruột, mắm ruốc, mắm nêm với mấy chồng bánh tráng dẻo ngon. Giữa trời lạnh xứ người, hai đứa vừa ăn bánh tráng chấm mắm kèm ly vang hơi Tây và kể chuyện đời xa xứ, thiệt tình không có gì ngon bằng.
My có một nhà hàng nằm ở thủ đô Riga (Latvia) với cái tên nghe đã biết Việt Nam, hổng cần quảng cáo: Banh mi. Nhà hàng nhỏ thôi, nằm đối diện nhà thờ. Nhưng khách thì đông nườm nượp. Quán tên Banh mi nhưng tập trung vào các món ăn trưa với tối như cơm sườn, phở, chả giò, hủ tiếu hay các loại bún.
Có vài món My và đầu bếp biến tấu. Bánh bèo chén thay vì đúc bằng bột gạo như ở bên nhà, cô dùng bánh... phồng tôm chiên, ngâm nước rồi bỏ chén mang đi hấp. Bánh bột lọc thì dùng bánh tráng nhúng ướt, cuốn thịt và tôm ram, sau đó đem hấp lại. Tôi cười khi nghe My kể về những món ăn kiểu này. Nhưng bù lại khách Tây lại mê quá trời, làm không kịp bán.
My bảo vừa điều chỉnh giá lại, tăng giá 100%. Một tô phở trước kia khoảng 4 euro, bây giờ lên tới 8 euro. Lương bình quân ở Riga khoảng 450 euro mỗi tháng. Nghĩa là ngày làm 8 tiếng khoảng 22 euro. Ăn tô phở hết gần 1/3 ngày lương, nhưng khách vẫn đông lắm.
Phải quý lắm My mới đãi tôi bằng chả giò kèm 2 ổ bánh mì thịt vịt ướp thấm, chiên giòn và chả cá hồi trộn thì là kiểu Thái. Tôi đặc biệt mê bánh mì thịt vịt vì nó lạ và rất ngon. Vịt sau khi ướp kỹ, lăn qua một lớp bột mỏng, chiên bên ngoài da thật giòn, sau đó nhét vào ổ bánh mì nóng giòn hảo hạng của Đông Âu, thêm hành, ngò, ớt và rưới thêm một chút nước chấm chua ngọt đặc trưng cùng mấy loại nước ép nhập từ bên nhà sang. Trời ơi, phải nói là siêu ngon. Vịt vừa béo vừa giòn. Ta nói đúng là món ăn đãi khách quý.
2. Từ Riga tới thủ đô Vilnius của Lithuania khoảng 3 tiếng đồng hồ. My chiều ý tôi, chạy thẳng một lèo tới Maisto turgus (turgus nghĩa là chợ) xem tình hình bà con Việt Nam buôn bán và ăn tô bún bò hay phở. Tới nơi, cuối tuần, chợ đóng cửa sớm. Thế là ước mơ ăn tô phở sắp lung lay. Bỗng nhiên, My nhớ ra có một người bạn mở nhà hàng. Cô gọi điện thoại. Trong vòng 10 phút, chúng tôi đã có mặt trước Phở Ha Nôi sạch sẽ, dễ thương, thơm nồng mùi đồ ăn Việt.
Bánh mì và chả giò của quán My
Trước quán, những khóm rau răm, tía tô, é quê, ngò gai, ớt tươi tốt, xanh um như một khu vườn ở làng quê bên nhà. Bên trong, quán nhỏ xíu, chỉ để khoảng 5 bàn, trong một khu thương mại khá nhỏ của dân địa phương. Ngồi đối diện với bức tường gạch trét xi măng, bên trên có hình nữ sinh mặc áo dài trắng đạp xe qua cầu sắt, khung cảnh chùa Một Cột, vựa trái cây miền Tây, lẫn những chiếc nón lá đơn sơ treo lủng lẳng trên trần, có cảm giác mình đang ngồi đâu đó ở nhà. Thân quen đến lạ! Tất cả đều do hai vợ chồng chủ quán sắp xếp và trang trí hết.
Chúng tôi vào bếp, thiệt tình, không một hạt bụi hay vết dầu mỡ, cũng chẳng có một tí mùi thức ăn thiu hay dầu cặn bã. Tất cả sạch sẽ và thơm tho đến mức lạ kỳ. Chị Lin, từ Hà Nội sang đây lao động, rồi kẹt lại sau biến cố của Liên Xô năm 1991. Trước kia chị bán hàng áo quần, kim chỉ trong chợ Maisto. Mười năm trước, bán buôn bắt đầu khó khăn, thế là chị có ý định mở nhà hàng cho ổn định. My kể từ một người không biết nấu nướng, chị đi khắp các nhà hàng Việt trong vùng, ăn thử, xem menu để học tập kinh nghiệm. Vô tình tìm đến nhà hàng My. Và thế là chị em bắt đầu làm quen, học hỏi, thân thiết với nhau từ thuở ấy.
Chị bảo chúng tôi ra ngồi đi, để chị làm thức ăn đãi khách. Nhưng bọn tôi đâu có chịu đi, đứng mãi trong bếp nhìn chị nấu nướng. Chị bảo quán nhỏ, kiểu gia đình, ngày xưa một mình một cõi bán không kịp thở. Giờ thì vắng hơn. Con cũng lớn rồi, đi làm kiếm được tiền. Hai vợ chồng cũng không nặng nề chuyện làm ăn, nên cứ bán lai rai cho vui. Vợ đứng bếp, chồng đứng quầy, con cái rảnh thì ra phụ giúp. Nói lai rai chứ trong thời gian tôi đứng chơi, khách cũng tới quá trời. Chỉ còn 2 tô phở đãi chúng tôi, nên đành báo hết. My bảo: “Chị Lin bán đúng chất gia đình, chứ bên em là công nghiệp lắm”.
Tô phở nóng của quán chị Lin
Hai món khai vị là xôi xéo và gỏi cuốn được bưng lên dằn bụng. Tô phở kiểu Hà Nội, xương hầm mỗi sáng. Thịt tái ướp kỹ rồi chần vô nước sôi sạch sẽ. Điểm khác biệt là thêm ít cọng giá chị tự trồng và có dĩa rau. Trong lúc chờ đợi phở lên, tôi ra trước hái é quế với ngò gai vô ăn cho giống kiểu miền Trung, Nam và nhâm nhi thêm ly cà phê sữa đá pha phin. Tôi húp đến muỗng nước lèo và cọng rau cuối cùng một phần vì ngon và không phụ lòng chị.
Chúng tôi ngồi đó, mùi é quế nồng thơm thoang thoảng trong cơn gió lạnh xứ người, giữa giọng Bắc, Trung, Nam (con của My) và chất giọng lơ lớ của hai đứa con chị Lin, nghe kể về những gian khổ của hồi mới tới Đông Âu, mở nhà hàng, quán ăn, quảng cáo, cạnh tranh, kể cả những ngày thức khuya, dậy sớm giữa trời tuyết tê tái bên này mà chạnh lòng quá đỗi. Tự nhiên thấy thương chị Lin, My, bản thân mình và thương tất cả người Việt thiên di đâu đó trên mọi ngóc ngách của quả địa cầu này, vẫn luôn níu giữ chút hồn quê giữa những dòng chảy văn hóa và nhịp đời vội vã.
Phản ứng tinh tế của H’Hen Niê khi gặp bạn cũ đang bán hoa lề đường
Hoa hậu H’Hen Niê đã có hành động tinh tế khi gặp người bạn cũ đang bán hoa.