Nɦữпց пցười ցiàᴜ, ρɦầп Ɩớп ʋì ɓiếɫ cácɦ qᴜảп ɫiềп, ցiữ ɫiềп ƙɦôп ƙɦéo: Tɾước ɦọc cácɦ GIỮ ɫiềп, sɑᴜ ɦọc cácɦ KIẾM ɫiềп ɱới ɱoпց sự пցɦiệρ ɓềп Ɩâᴜ
Tiền mồ hôi xương máu còn không quản lý nổi, thì tư cách gì để nói chuyện dựng đại sự, làm nghiệp lớn!
01
Bạn nhọc công nhọc sức đổ không biết bao nhiêu mồ hôi xương máu mới kiếm được đồng tiền mà tiêu vèo một cái hết bạn không thấy tiếc hay sao?
Nhiều bạn trẻ ngồi mài mông quần ở văn phòng 8 tiếng tháng đều đều nhận 6-7 triệu nhưng cứ hễ có lương là lên mạng order tỉ thứ trên đời, ăn uống xa hoa cứ như là rich kid: Ngày nào cũng order trà sữa, rồi đi ăn uống, rồi quần áo, hứng lên bắt trend thì thay điện thoại.
Tôi nói thật với mức thu nhập như vậy sau khi trừ đi chi phí thuê nhà, điện nước, xăng xe..., số tiền còn lại của bạn chắc gì đã nhiều hơn người nghèo là mấy. Thu nhập người nghèo mà sống như tỷ phú, cuộc sống dễ dãi bạn đang tận hưởng thực ra chỉ là cái miếng phô mai để bẫy chuột thôi, chén hết miếng phô mai cũng là lúc bạn mắc kẹt trong cái bẫy êm ái giả tạo của cuộc sống.
Có một sự thật là càng những bạn thu nhập lìu tìu, làm công ăn lương lại có xu hướng vung tay quá trán, chi tiêu không biết giới hạn là gì.
Đành rằng bây giờ bạn còn trẻ chưa vướng bận nhiều nhưng rồi ai cũng phải lập gia đình, cha mẹ già..., là người có hiếu đương nhiên phải lo lắng phụng dưỡng. Thử hỏi với kiểu sống tạm bợ như vậy bạn lo được cho ai?
Công ty tôi có một nữ nhân viên tên Kim, thuộc mẫu người như vậy. Tạm bỏ nói chuyện năng lực chuyên môn sang một bên, tôi thấy bạn này có vấn đề rất lớn về quản lý tiền bạc. Lương tháng lúc nào cũng kêu hết chỉ trong một nốt nhạc, hôm trước nhận lương hôm sau đã kêu hết. Bản thân tôi đi đâu mua sắm cái gì hay ăn uống chỗ nào cũng phải đắn đo lắm nhưng Kim thì checkin facebook đi ăn uống "chanh sả" suốt, nhiều chỗ ăn chơi tôi còn không biết nhưng bạn này xem ra có vẻ rất sành.
Cuộc sống cá nhân của nhân viên trước giờ tôi không bao giờ can thiệp nhưng có lần tôi ngồi riêng với Kim và khuyên Kim nên dành tiền để mua sách hay tiết kiệm đầu tư cho tương lai. Mỗi khi tiêu tiền nên có mục đích rõ ràng và cân nhắc thật kỹ bởi lẽ kiếm được đồng tiền đâu dễ. Bạn ý vâng dạ nghe chừng hiểu ra vấn đề nhưng vẫn thói quen tiêu hoang thì tôi thấy "nguyễn y vân - vẫn y nguyên". Giờ nhiều bạn trẻ như vậy lắm. Tôi thấy đáng tiếc và đáng lo cho tương lại của họ.
Nếu bạn muốn cuộc sống đủ đầy hơn bằng cách phát triển sự nghiệp kinh doanh, đầu tư thứ gì đó thì khoan vội nghĩ đến chuyện kiếm tiền, nhất định phải biết cách giữ tiền trước đã, đó mới là điều quan trọng nhất.
Biết cách giữ tiền chứng tỏ bạn là người biết kiểm soát bản thân, tiêu xài hoang phí chứng tỏ bạn khá phóng túng, nuông chiêu bản thân quá mức.
02
Đừng ngạc nhiên nếu bạn phát hiện ra rằng chính những người giàu có lại có lối sống vô cùng giản dị. Họ từ chối mọi thứ vật chất làm họ bị ràng buộc, mất đi tự do.
Bạn có biết Warren Buffett - vị tài phiệt giàu thứ 3 thế giới vẫn giữ thói quen ăn sáng không quá 3,17 USD. "Khi cảm thấy không dư dả lắm, tôi chỉ mua suất ăn loại 2,61 USD – gồm 2 miếng thịt chiên. Tôi chập cả 2 lại và rót cho mình thêm cốc Coca Cola nữa. Loại 3,17 USD thì có thịt nướng, trứng và bánh quy phô mai. Nếu thị trường đi xuống, tôi sẽ bỏ qua loại 3,17 USD và chuyển xuống 2,95 USD" – vị tỷ phú chia sẻ.
Người giàu sống rất tiết kiệm không phải vì "giàu mà ki bo" nhưng chính khả năng biết mình thật sự cần gì, điều gì nên có trong cuộc sống; thứ gì thừa thãi, không cần thiết, không mang lại lợi ích, họ sẵn sàng loại trừ.
Phần đa những người nghèo là những người rất dễ thỏa hiệp với mong muốn nhất thời của họ, muốn được hưởng thụ, được nhét đầy cái bụng đói, thỏa mãn cái tính sĩ diện. Họ có xu hướng tiêu tiền cho những mong muốn nhất thời.
Xin kể bạn nghe một câu chuyện thế này:
Có một người nghèo luôn than trách về số phận hẩm hiu của mình. Anh ta thường xuyên thắc mắc vì sao mình vất vả lắm mới có manh áo để mặc, miếng cơm để ăn. Những lúc thiên thời không thuận lợi thì lại đói rách. Trong khi đó có những người vẫn ăn sung mặc sướng chẳng phải lo nghĩ gì. Người này đã thỉnh cầu Phật tới giúp để giải đáp nỗi oan khuất của mình.
Trước mặt Phật, người nghèo khóc lóc kể về những cơ cực hàng ngày, làm việc mệt tưởng chết nhưng vẫn chỉ đủ ăn từng bữa mà không có của để dành.
Sau một hồi kể lể, người nghèo mới bình luận: "Con thấy đời thật bất công, tại sao lại có những kẻ giàu sang ung dung hưởng thụ còn người nghèo như chúng con đây làm việc cật lực quanh năm suốt tháng vẫn không thể được như họ?"
Phật mỉm cười và hỏi: "Vậy theo con như thế nào mới là công bằng?"
Người nghèo nhanh chóng đáp: "Dạ, con muốn Ngài để người nghèo và người giàu cùng có xuất phát điểm như nhau để xem họ sống ra sao. Nếu sau một thời gian người giàu vẫn giàu thì con sẽ không còn gì để phàn nàn nữa ạ".
Phật gật đầu rồi nói: "Được rồi!" và Phật biến thành một người cùng xuất phát điểm như người nghèo. Mỗi người tới một ngọn núi để tìm kế sinh nhai. Núi có mỏ than nên hàng ngày hai người đó có thể khai thác than đem ra chợ bán đổi lấy tiền. Sau một tháng sẽ xem kết quả ra sao.
Hai người cùng nhau đào than. Người nghèo rất chăm chỉ làm việc và chẳng mấy chốc đào được đầy một xe than, chở ra chợ bán lấy tiền. Anh lấy số tiền đó mua hết đồ ăn ngon mang về cho vợ và con cùng hưởng.
Người còn lại không làm tích cực được như vậy, đào một lát đã thấy mệt và toát hết mồ hôi. Đến chiều muộn mới đào xong được gần đầy xe than, cũng đem ra chợ bán lấy tiền. Tuy nhiên anh chỉ mua một ít bánh mỳ thô, số còn lại để dành.
Sang ngày hôm sau người nghèo lại cật lực đào xới than, còn người kia ra chợ. Một lát sau anh trở về với hai người đàn ông rất khỏe mạnh và đang cần kiếm tiền. Họ cùng tới mỏ than, người đàn ông chỉ đứng và chỉ đạo hai người kia làm việc.
Chỉ trong buổi sáng, người đàn ông đã có hai xe than đầy. Anh lại mang ra chợ bán đổi lấy tiền và thuê thêm nhân công. Cứ thế số than anh khai thác ngày một nhiều, trừ đi tiền trả cho người làm thuê cũng còn kha khá.
Một tháng trôi đi nhanh chóng và người nghèo vẫn vậy, hàng ngày mua được đồ ăn ngon, rượu ngọt nhưng không dành dụm được gì. Ngược lại người kia đã trở nên giàu có, sở hữu trong tay một đội quân khỏe mạnh để hàng ngày khai thác rất nhiều than chở ra chợ bán, thu về rất nhiều tiền.
Và có lẽ người nghèo không còn phàn nàn gì nữa.
Bạn thấy sự khác biệt gì trong câu chuyện trên không? Bên cạnh sự khác nhau giữ tư duy linh hoạt và nhạy bén của người giàu để tối ưu hóa nguồn nhân lực thì tư duy về tiền bạc thể hiện rất rõ trong câu chuyện. Người nghèo "lấy số tiền đó mua hết đồ ăn ngon mang về cho vợ và con cùng hưởng" còn người giàu chỉ "mua một ít bánh mỳ thô, số còn lại để dành."
Bạn dễ dãi thỏa mãn mong muốn nhất thời bằng việc mua sắm và hưởng thụ bạn sẽ không bao giờ bắt đầu xây dựng sự nghiệp riêng bằng công việc kinh doanh được. Khôn ngoan nhất là hãy dành tiền cho những trải nghiệm và kiến thức, bạn sẽ không bao giờ lỗ được mà sau này chỉ có lợi nhuận thôi, như Warren Buffet đã từng nói: "Đầu tư cho bản thân là khoản đầu tư quý giá nhất".
Nguồn: Cafebiz