Nhiều công ty Nhật không muốn tuyển lao động nước ngoài theo chế độ visa mới
Nhiều phụ nữ Philippines sang Nhật làm nghề giúp việc nhà - Ảnh: GETTY IMAGES
Điều này làm phức tạp thêm nỗ lực làm giảm thiếu hụt về nhân lực trong thị trường lao động Nhật Bản của Thủ tướng Shinzo Abe.
Đối với người lao động Việt Nam, chương trình visa mới của thực chất không khác chế độ thực tập sinh cũ là mấy, và thậm chí còn có nhiều rào cản hơn về tiếng Nhật và kỹ năng, một blogger và kỹ sư IT người Việt sống ở Nhật lâu năm bình luận với BBC.
Chính sách thị thực mới của Nhật, có hiệu lực từ tháng Tư, đưa ra hai loại visa mới cho người lao động ở 14 ngành nghề như xây dựng, điều dưỡng viên - những ngành đang thiếu lao động trầm trọng. Chính sách mới được kỳ vọng sẽ thu hút tới 345 ngàn người lao động chân tay sang Nhật trong 5 năm tới.
Theo luật mới, những người sang Nhật theo loại visa kỹ năng đặc định có thể ở Nhật đến 5 năm nhưng không được đưa gia đình sang.
Một loại visa khác dành cho những người có trình độ và kỹ năng cao hơn. Họ có thể đưa gia đình theo và được ở Nhật làm việc lâu hơn.
Cuộc Khảo sát Doanh nghiệp của Reuters cho thấy đa số các hãng xưởng Nhật sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài không dự định hỗ trợ họ về chỗ ăn ở, học tiếng Nhật hay tìm thông tin về cuộc sống ở Nhật Bản.
Lao động nhập cư ở Nhật tham gia tuần hành hàng năm vào tháng Ba để kêu gọi xóa tình trạng đối xử bất công với người lao động nước ngoài- Ảnh: GETTY IMAGES
Chế độ thị thực mới không khác chế độ TTS cũ là mấy
Theo chế độ thị thực mới, những ai muốn sang Nhật lao động cần phải thi tiếng Nhật và thi tay nghề.
Về mặt nguyên tắc, chính phủ Nhật có kế hoạch tổ chức thi ở chín quốc gia - Phillippines, Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Cambodia, Nepal và Mông Cổ,
Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về kỳ thi nào sẽ được tổ chức ở nước nào, theo tờ Asahi Shimbun.
Blogger Mai PB bình luận với BBC về chế độ thị thực mới:
"Cái visa mới này được báo chí và chính phủ Nhật nói rộng rãi rằng đây là 'chế độ tiếp nhận lao động một cách có hạn chế'. Lần đầu tiên họ sử dụng từ lao động, chứ không nói là thực tập sinh. Đây cũng là một cái tích cực và như vậy người lao động sẽ có quyền lợi về mặt pháp luật.
"Thế nhưng trên quan điểm của người lao động, chúng ta có thể thấy là chế độ mới này gần như không khác gì chế độ TTS là mấy. Nó như là một chương trình TTS kéo dài mà thôi.
"Ví dụ theo visa mới họ được ở Nhật 5 năm. Nhưng trong 5 năm đó họ cũng không được dẫn theo gia đình, họ phải đi một mình. Bạn tưởng tượng một thời gian 3 hay 5 năm như thế, một thời tuổi trẻ đi mà không được lập gia đình, cũng rất khó để về nước thăm nhà, thì cuộc sống sẽ như thế nào?
"Và visa mới, cũng như chế độ TTS, đều áp dụng cho các ngành nghề chân tay là chủ yếu. Những ngành nghề nào, mỗi ngành nhận bao nhiêu lao động đều được khống chế về con số trước chứ không phải cứ thiếu là nhận vào."
Ông Mai PB cũng chỉ ra rằng theo chế độ TTS, người lao động có thể đi Nhật một cách dễ dàng hơn vì các nghiệp đoàn và công ty tiếp nhận của Nhật bỏ qua những điều kiện chặt chẽ về tiếng Nhật hay kỹ năng.
"Thâm chí họ có thể chấp nhận sự dối trá của các công ty môi giới ở trong nước. (Ví dụ người ta cần người có trình độ về hàn thì họ giả vờ trên hồ sơ là biết một chút về hàn, rồi đi học tiếp).
"Còn ở chương trình visa mới, không còn tồn tại các nghiệp đoàn nữa, mà chỉ có các công ty tiếp nhận đằng sau ... Nên tôi cho rằng, về kết quả, nhiều người lao động vẫn chọn chương trình TTS để đi một cách dễ dàng hơn," blogger nhận định.
Xây dựng là ngành thu hút nhiều thực tập sinh nước ngoài, từ các nước như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia- Ảnh: GETTY IMAGES
Vì sao nhiều công ty Nhật không mặn mà với chế độ visa mới?
Khảo sát của Reuters cũng cho thấy tiếng Nhật yếu, khoảng cách về văn hóa, chi phí đào tạo, sự khập khiễng về kỹ năng và tình trạng nhiều người lao động không được ở Nhật lâu dài theo chế độ mới là những nhân tố khiến các doanh nghiệp ngần ngại tuyển dụng lao động nước ngoài.
Khảo sát của Reuters cho thấy chính phủ Nhật khó có thể thu hút người lao động trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực, nơi cứ một người tìm việc thì có tới có 1.63 việc làm, tỷ lệ cao nhất từ năm 1974.
"Tính cả chi phí giáo dục, rủi ro về chất lượng người lao động và sản lượng, chi phí sẽ tăng lên" nếu thuê lao động nước ngoài, một giám đốc công ty sản xuất cao su viết. Ông cũng cho biết công ty ông không có kế hoạch thuê lao động nước ngoài.
"Trước đây, chúng tôi đã gặp thất bại khi thuê lao động nước ngoài mà họ không thể hòa nhập với một nền văn hóa khác," một quản lý của hãng sản xuất mặt hàng kim loại viết.
Nhật Bản đang thiếu lao động trầm trọng do dân số ngày một giảm và già đi nhanh chóng- Ảnh: GETTY IMAGES
Khoảng 41% các doanh nghiệp không tính đến chuyện thuê người nước ngoài, 34% không định thuê nhiều lao động nước ngoài và 26% dự định sẽ thuê nhiều, khảo sát được thực hiện từ ngày 8 đên 17 tháng Năm cho thấy.
Cuộc khảo sát, được Nikkei Research thực hiện hàng tháng cho Reuters, hỏi ý kiến 477 công ty vừa và lớn, với các giám đốc hay trưởng phòng trả lời với điều kiện ẩn danh. Khoảng 220 công ty trả lời các câu hỏi về người lao động nước ngoài.
Mặc dù lao động nước ngoài được coi là nguồn lao động rẻ ở Nhật, 77% các công ty không thấy có thay đổi về mức lương nói chung khi thuê các lao động đặc định. Khoảng 16% trông đợi mức lương sẽ giảm và chỉ 6% cho rằng lương sẽ tăng.
Nhiều lao động nhập cư làm việc trong ngành sản xuất gang thép (hình minh họa)- Ảnh: GETTY IMAGES
Lao động nước ngoài sẽ "giúp làm giảm tình trạng thiếu lao động, làm giảm mức lương chung," một chủ doanh nghiệp sản xuất thép viết trong phiếu khảo sát.
Những người ủng hộ Thủ tướng Abe lo ngại tình trạng tội phạm tăng và đe dọa thay đổi kết cấu của xã hội. Nhưng ông khẳng định rằng luật mới sẽ không dẫn đến "một chính sách nhập cư".
Nhật Bản hiện có khoảng 1,28 triệu lao động nước ngoài, tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Tuy nhiên họ vẫn chỉ chiếm 2% tổng lực lượng lao động.
Trong số này, khoảng 260.000 lao động là thực tập sinh từ các nước như Việt Nam và Trung Quốc, những người có thể ở Nhật từ ba đến 5 năm.
Theo: bbc.com
Nhật: Hiệu trưởng lên án vụ đâm dao làm học sinh tử vong
Hiệu trưởng một trường học ở Nhật đã lên án vụ tấn công “man rợ” bằng dao nhắm vào các học sinh đang đợi xe buýt, làm một học sinh lớp sáu và một phụ huynh thiệt mạng hôm 28/5.