Nhật ký từ phòng cách ly: Nghe tin cách ly như 'sét đánh ngang tai', nhưng...
Mình là một du học sinh, đang theo học tại ĐH Yeungnam ở TP.Gyeongsan - một trong những vùng dịch của Hàn Quốc. Cuộc sống của mình ở đây rất ổn, vừa đến trường vừa tranh thủ đi làm thêm để có tiền trang trải học phí. Nhưng khi Covid-19 bùng phát ở đất nước này, mọi thứ đã khác đi.
Thu thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để phòng bệnh trong khu cách ly. Ảnh: Cẩm Thu
Những ngày ở vùng dịch
Đó là vào những ngày đầu tháng 2. Khi dịch bệnh Covid-19 tận Vũ Hán (Trung Quốc) xa xôi xuất hiện và lây lan nhanh chóng ở Hàn Quốc.
Từ lúc biết tin dịch bệnh bùng nổ ở đất nước này, mình và bạn bè không khỏi lo lắng, hoang mang. Nhưng mình vẫn tin rằng, Hàn Quốc sẽ nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, cho đến khi nhận được cuộc gọi từ chủ quán - nơi mình làm thêm, họ thông báo sẽ tạm thời đóng cửa. Mình mất việc. Chủ quán giải thích rằng Covid-19 đang lan rộng, quán không có khách, không thể kinh doanh. Các quán lân cận cũng trong tình thế phải đóng cửa mặc dù ngày trước lúc nào cũng có khách tấp nập ra vào.
"Quê hương là vậy, luôn có những tấm lòng ấm áp, sẵn sàng đón nhận và bảo bọc chúng ta. Vậy nên những ai có ý định muốn quay về Việt Nam thì hãy yên tâm nhé, cách ly không hề đáng sợ, ngược lại còn cho chúng ta có thêm những trải nghiệm mới nếu chúng ta biết nhìn với con mắt lạc quan và trách nhiệm"
Sau đó, mình nhận ra rằng, không chỉ quán xá, những khu mua sắm, khu vui chơi giải trí sầm uất nay cũng yên tĩnh hẳn, những con phố đông người qua lại nay cũng thưa thớt thấy rõ. Nó yên tĩnh một cách đáng sợ.
Mọi người ở đây bắt đầu phòng chống dịch bằng cách hạn chế ra ngoài, mua sẵn thức ăn đồ uống dự trữ, sắm cả khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn. Chưa bao giờ mình cảm nhận được việc dù có nhiều tiền vẫn không thể mua kịp vài cái khẩu trang chưa kể giá bán cũng rất cao. Còn với sinh viên như mình, vừa bị mất việc thì lấy đâu ra tiền để mua khẩu trang mà dùng dài lâu. Thật sự cảm thấy hoang mang.
Mỗi ngày thức dậy, mình đều nhận được tin nhắn cảnh báo khi số người nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân, thậm chí nhiều người đã chết vì dịch Covid-19. Đến lúc này mình cảm thấy lo sợ nhiều hơn, mọi thứ diễn biến quá nhanh. Ba mẹ, anh chị ở Việt Nam ngày nào cũng hối thúc về sớm, đứng ngồi không yên, lúc đó mình rối lắm.
Con số 800, 900, rồi 1.000 ca dương tính cứ thế tăng lên. Mình quyết định đổi vé về nước sớm hơn dự định. Nhưng “thôi xong”, khi chuẩn bị về nước thì mình nhận được tin những người về từ vùng dịch sẽ bị cách ly 14 ngày. Mình vốn sợ chỗ đông người, giờ nghe tin phải cách ly thì chẳng khác nào “sét đánh ngang tai”. Mình đã tưởng tượng ra đủ thứ, nếu lỡ bạn cùng phòng cách ly có bệnh thì sao, cuộc sống chật chội, tù túng trong phòng cách ly suốt hai tuần chắc sẽ chán lắm, rồi sợ việc ăn uống ở những nơi này sẽ không đảm bảo…
… và bình yên ở bệnh viện dã chiến Củ Chi
Ngày 26.2, sau 5 tiếng ngồi trên máy bay, từ Busan (Hàn Quốc) mình đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 15 giờ. Khi được hỏi thông tin đến từ vùng nào, vốn sợ cách ly nên lúc đầu mình cũng có ý định khai lệch, nhưng suy đi nghĩ lại mình đã quyết định khai đúng vì lo lắng nguy cơ lây bệnh cho gia đình, cộng đồng và cũng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Sau đó, mọi người trên chuyến bay đã phải đợi gần 6 giờ đồng hồ ở sân bay, để các nhân viên y tế sắp xếp kiểm tra và hỗ trợ xe đưa rước.
Thật sự, khi phải ngồi hơn 5 giờ trên máy bay, đã rất mệt rồi nhưng lại phải đợi thêm 6 giờ nữa, thời tiết ở TP.HCM lại khá nóng khiến mình gần như kiệt sức. Nhưng, khi nhìn thấy những nhân viên ở sân bay, dù mệt mỏi vì phải hỗ trợ hàng trăm hành khách mà vẫn vui vẻ đo nhiệt độ, phát cơm, nước cho mọi người, mình đã ý thức được trách nhiệm của bản thân.
Một bữa cơm với đầy đủ dinh dưỡng trong khu cách ly của Thu. Ảnh: Cẩm Thu
Tối đó, xe đến đón, mọi người sát khuẩn tay, đồ dùng rồi lên xe và bắt đầu hành trình của chuyến “nghỉ dưỡng” đặc biệt tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
Đến khu cách ly, mọi người được hướng dẫn nhận phòng, tùy vào số lượng giường mỗi phòng thì có số người khác nhau. Có phòng 2 người, có phòng 4 người, cũng có phòng 5 người. Khác với suy nghĩ ban đầu của nhiều người, phòng cách ly được dọn dẹp sạch sẽ, mỗi góc giường của mỗi người đều có tủ đựng đồ. Mình thật sự cảm động khi họ chuẩn bị cả những dụng cụ cá nhân cần thiết cho mọi người từ khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng đến cả lược, dao cạo...
Giường chiếu cũng được chuẩn bị gọn gàng, tinh tươm. Không những thế, trước cửa phòng, nhà tắm và nhà vệ sinh đều được trang bị sẵn nước sát khuẩn. Đặc biệt, nhân viên y tế và các anh bộ đội cực kỳ thân thiện.
Những ngày trong “quân ngũ”, mỗi sáng - trưa đều có bác sĩ đến gọi bạn thức dậy mà không cần báo thức. Họ đo thân nhiệt, hỏi thăm tình hình sức khỏe. Họ quan tâm hỏi han mọi người rằng “có thấy mệt, ho, đau đầu không”, rồi lại phát cho mỗi người 2 cái khẩu trang. Thế là ở trong này, đến khẩu trang cũng không phải lo.
Nhiều khi, mình cảm giác như đang đi nghỉ dưỡng ở khu vực dành cho khách hạng sang. Mọi người đã có đầu bếp lo cơm ngày ba cữ đầy đủ dinh dưỡng, đúng giờ và được mang đến tận phòng mà không phải lo hôm nay ăn gì như khi ở Hàn Quốc.
Thậm chí, đến việc dọn dẹp rác hay vệ sinh phòng, các anh bộ đội đã làm sạch sẽ đâu vào đấy. Hễ có người cần mua gì hay có người thân gửi đồ vào, các anh đều vui vẻ giúp đỡ. Điều này khiến mình rất cảm động và biết ơn.
22 tuổi, được ăn cơm nhà nước, được chăm sóc tận tình, không cần phải lo nghĩ nhiều. Mọi người trong khu cách ly đều thân thiện. Không chỉ vậy, khu “nghỉ dưỡng” còn có khung cảnh rất đẹp để ngắm, sáng sớm mọi người có thể ra ban công tắm nắng, chiều tà thì ngắm hoàng hôn, tối đến ngồi hóng gió ngắm trăng, ở những phòng khác, mọi người còn đàn hát cho nhau nghe. Mình không còn lo lắng, sợ hãi như lúc đầu, thay vào đó là cảm giác bình yên, thấy yêu đất nước mình đến lạ.
Quê hương là vậy dù ta có đi đâu, còn nhớ hay đã quên. Ở đây luôn có những tấm lòng ấm áp, sẵn sàng đón nhận và bảo bọc chúng ta. Vậy nên những ai có ý định muốn quay về Việt Nam thì hãy yên tâm nhé, cách ly không hề đáng sợ, ngược lại còn cho chúng ta có thêm những trải nghiệm mới nếu chúng ta biết nhìn với con mắt lạc quan và trách nhiệm.
Theo: thanhnien.vn
Nhật Bản đang thể hiện sự thờ ơ trước đại dịch COVID-19?
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng Nhật Bản bắt đầu từ một vị thế bất lợi và thiếu sự chuẩn bị khi đất nước không bị ảnh hưởng bởi SARS vào năm 2003. Kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe Nhật Bản đều cho rằng COVID-19 có thể được ví như cúm và không đáng sợ.