Nhật ký của bác sĩ nơi tuyến đầu chống Covid-19: Tất cả chúng tôi đều sống "cuộc sống 4 mới..."

"Ai cũng hỏi chúng tôi sẽ trụ được bao lâu sau 4 hàng rào bệnh viện khi công việc chính của chúng tôi chỉ là "nhìn - sờ - gõ - nghe" để chẩn đoán và điều trị bệnh.

Giờ đây, chúng tôi phải tính toán cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống chúng tôi và bệnh nhân".

Nhật ký của bác sĩ nơi tuyến đầu chống Covid-19: Tất cả chúng tôi đều sống

Những ngày vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các ca nhiễm COVID-19 mới , trong đó thành phố Đà Nẵng đang là địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm mới nhất.

Để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, Thủ tướng đồng ý thực hiện giãn cách xã hội trên toàn TP. Đà Nẵng từ ngày 24/4/2020. Trong đó, thực hiện phong tỏa một số bệnh viện của Đà Nẵng, trong đó Bệnh viện C đang là "điểm nóng" COVID-19.

Trong bối cảnh đó, có một vị bác sĩ vẫn ngày ngày ghi lại những dòng "Nhật ký phong tỏa bệnh viện", rất chân thật nhưng lại vô cùng cảm xúc. Đó là bác sĩ Đặng Văn Trí, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện C.

Nhật ký của bác sĩ nơi tuyến đầu chống Covid-19: Tất cả chúng tôi đều sống cuộc sống 4 mới... - Ảnh 1.

Bệnh viện C Đà Nẵng.

Chúng tôi xin phép được trích một phần nhật ký của bác sĩ Trí:

Nhật ký phong tỏa bệnh viện

26/7/2020

Ngày đầu, mọi việc tưởng như vỡ òa khi nghe hung tin. Ai nấy bần thần, cái cảm giác bần thần trong lo âu của một đại gia đình lớn - khi chỉ riêng về lượng lương thực thực phẩm cho cả 14 ngày là con số khủng.

Ngày đầu, chúng tôi tập trung tái thiết khu vực trọng điểm cho bệnh nhân COVID-19 và phải vừa lo lắng hậu cần cho cả đội quân khổng lồ.

Ngày thứ hai, chúng tôi đã lấy lại tự tin, nhanh chóng kiểm soát chuyên môn, triển khai đồng loạt từ thể chế, đến quy trình, tái phân bố nhân lực, tổ chức lại cấu trúc cho phù hợp với điều kiện mới bởi khu cách ly F1 nằm ngay giữa tòa nhà.

Tính chuyên nghiệp đã hình thành hẳn một bậc ở một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực hậu cần, dinh dưỡng. Kết quả là những bữa cơm nóng hổi do chính tay những y bác sĩ nấu nướng - mà hàng ngày họ chỉ được bệnh nhân biết qua khám bệnh, phát thuốc, mổ xẻ.

Với sự động viên của và an tâm của bệnh nhân, tất cả chúng tôi đã sống và làm việc bên nhau như một đại gia đình đã gắn bó nhau hơn trong khuôn viên 4 vách tường rào bệnh viện.

Ngày hôm nay đã là ngày thứ ba, và cũng như dự đoán, tình hình sẽ còn phức tạp khi có thêm một bệnh viện thực hiện phong tỏa.

28/7/2020

Vậy là thời khắc 0 giờ 00 ngày 28/7/2020 đã đi vào lịch sử của Đà Nẵng khi lần đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa 3 bệnh viện lớn tại Thành phố. Ai cũng hỏi, chúng tôi sống như thế nào phía bên trong 4 tường rào bệnh viện đã thực hiện phong toả?

Đã 4 ngày đi qua, kể từ khi chúng tôi nhận được 3 chìa khóa và khi cả 3 cổng vào Bệnh viện đều đóng lại:

Dẫu biết là "tạm thời" nhưng tất cả đều chạnh lòng.

Dẫu biết là tình cảm ngoài cộng đồng vẫn dành thật nhiều cho chúng tôi nhưng tất cả đều lưu luyến.

Bởi, những ngày tới đây, mẹ xa con, vợ xa chồng, những tình cảm ruột rà máu mủ sẽ tạm ngưng đọng lại, mang theo cái nhớ da diết khó tả.

Và, tất cả chúng tôi đều sống "cuộc sống 4 mới" để hoàn thành thiên chức thiêng liêng của các thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19.

Đầu tiên là "cách sống và làm việc mới": Tất cả chúng tôi đều làm việc gần như là 24/24 và liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc mới khi chúng tôi làm việc trong môi trường khắc nghiệt hơn. Đôi lúc cảm thấy "mất nhịp sinh học" và thoáng quên thứ ngày.

Thứ nữa là "sự quan tâm và chia sẻ mới": Tất cả chúng tôi, và những bệnh nhân của chúng tôi, ngày thường vẫn là những con người đó, những gương mặt đó, những công việc đó. Nhưng những ngày này, ai cũng dành sự quan tâm chia sẻ cho nhau, thứ tình cảm giữa người với người cảm giác gần gũi thân thương. Bữa ăn quá giờ vẫn gọi chờ nhau, kỹ thuật chuyên môn khó vẫn quyết cùng nhau hoàn thành, bệnh diễn biến nặng lại cùng nhau hội chẩn để giải quyết, vẫn những tiếng gọi nhau í ới đó nhưng rất chân thành sâu lắng.

Thêm nữa là "kỹ năng mới": Tất cả chúng tôi chưa ai trong đời thầy thuốc mà có kinh nghiệm sống và làm việc khi phong tỏa bệnh viện, phong tỏa khu phố. Tất cả đều là trải nghiệm lần đầu, nhưng với bản năng thương yêu đồng loại, thương yêu con người và bằng tri thức có được, chúng tôi đã hình thành các kỹ năng mới: Tính toán để sinh tồn.

Ai cũng hỏi chúng tôi sẽ trụ được bao lâu sau 4 hàng rào bệnh viện khi công việc chính của chúng tôi chỉ là "nhìn - sờ - gõ - nghe" để chẩn đoán và điều trị bệnh. Giờ đây, chúng tôi phải biết tính toán phải cần bao nhiêu gạo, bao nhiêu lương thực thiết yếu, bảo quản dự trữ ra sao... để nuôi sống chúng tôi và bệnh nhân.

Có được nguồn lương thực là một việc nhưng rồi làm sao chế biến trong điều kiện khắc nghiệt để bệnh nhân có được chế độ ăn bệnh lý và đúng giờ, người bệnh tim mạch phải bớt tí muối, bớt tí mỡ nhưng bớt ít là bao nhiêu...

Sau nữa nhưng chưa phải cuối, đó là "công nghệ mới": Khi chưa cách ly y tế, cứ mỗi sáng đầu ngày làm việc chúng tôi đều giao ban chuyên môn bằng cách cùng ngồi quanh một bàn để trao đổi về những bệnh nhân trong đêm trực qua.

Còn giờ đây, đã cách ly y tế, không được tụ họp đông người. Vậy là, chúng tôi tìm đến với "công nghệ mới", nào là Meeting Zoom, Google Meeting, vân vân mây mây. Tất cả cũng chỉ để hiểu biết nhiều nhất, chắc chắn nhất về tình hình bệnh tật của những bệnh nhân chúng tôi.

Chưa dừng lại ở đó, tại "Khu vực cách ly đặc biệt" thì rất hạn chế vào - ra vì nguy cơ lây nhiễm rất cao cho thầy thuốc và lây chéo cho người khác. Nhưng, bệnh nhân cần chúng tôi "luôn ở bên cạnh người bệnh". Vậy là, những thế hệ "công nghệ mới" về camera đã được chúng tôi dùng đến như là cứu cánh "kề vai sát cánh" với những bệnh nhân này.

1/8/2020

Một tuần trôi qua với những cung bậc cảm xúc của các thầy thuốc nơi tuyến đầu chống dịch.

Nơi tuyến đầu, chúng tôi luôn được sống và làm việc trong sự sẻ chia, đùm bọc của cả cộng đồng. Từ cụ bà đã 81 tuổi đem theo 2 bao gạo ủng hộ các bác sĩ "ăn đỡ đói để chống dịch", đến những lời động viên chân tình "cố lên nghe mi" hay những tin nhắn vội vàng "ở trong nớ cần bất cứ thứ chi thì mi cứ nhắn"...

Cứ thế và cứ thế cuồn cuộn lên những dòng người và xe hối hả vận động thiện nguyện để chi viện cho "tuyến đầu chống dịch". Mỗi ngày hàng chục hàng chục tấn hàng nhu yếu phẩm, thuốc men, phương tiện bảo hộ chống dịch được chuyển về khu vực bị phong toả. Tình người trong khó khăn kể làm sao siết!

Còn phần chúng tôi, những ngày đầu cứ thấp thỏm lo âu khi mỗi sớm mai thức giấc đều nghe tin các con số tăng lên, giờ đây đã quen dần và có sẵn phương án để nếu như là thế này, nếu như là thế nọ. Dần dần, về cơ bản chúng tôi đã khoanh vùng, "cách ly trong cách ly", kiểm soát chặt chẽ từng khu vực, hạn chế và tuyệt đối việc di chuyển giữa các phân khu, triển khai công tác kiểm soát nhiễm khuẩn chống lây chéo trong bệnh viện.

Và rồi, chúng tôi đã điều trị ổn định các bệnh nhân dương tính, tất cả đều hết sốt, các dấu sinh tồn trong giới hạn bình thường, và nhất là tâm lý rất ổn định và đặt trọn niềm tin vào các thầy thuốc.

Đã thấm mệt, nhưng vẫn còn tiếp tục cho đến ngày cuối cùng. Giờ đây, cái sợ sệt đã lui dần, đã biết cách làm cách nghỉ hợp lý hơn để "trường kỳ kháng chiến" nếu còn "giặc".

2/8/2020

Chủ nhật tuần này đã "bắt tay" chủ nhật tuần trước rồi!

Vậy là đã 10 ngày ròng rã ở Bệnh viện kể từ khi cảnh giác "có dấu hiệu".

Y bác sĩ đã "trở lại tuổi thơ" với game điều khiển xe nhưng bây giờ là xe điều khiển tự động phục vụ chống dịch COVID-19. Đây là phương tiện đưa thức ăn, đồ dùng và các thứ cần thiết khác đến với các bệnh nhân ở phòng cách ly. Sau đó, lấy quần áo cũ bệnh nhân thay ra và các rác thải y tế đem ra ngoài.

Như vậy sẽ hạn chế tiếp xúc gần của y bác sĩ với các bệnh nhân. Điều khiển xe này không phải khó, chỉ khó cái là trong các bài giảng y khoa không có "món" này. Tuổi thơ thì đã qua lâu, bây giờ y bác sĩ phải học lại "kỹ năng mới" là như thế. Dẫu sao cũng rất hữu ích và thích thú, người bệnh cũng vui hơn và cùng chia sẻ với các thầy thuốc.

Theo: cafebiz.vn

Tags:
COVID-19 ngày 3/8: Nhật Bản thêm hơn 1300 ca nhiễm mới

COVID-19 ngày 3/8: Nhật Bản thêm hơn 1300 ca nhiễm mới

Nhật Bản ngày 02/8 ghi nhận thêm 1.331 ca mắc Covid-19, số ca nhiễm đã giảm nhẹ so với 2 ngày trước đó khi đều vượt mốc 1.500. Nâng tổng số người nhiễm lên 39.968 và 1.026 trường hợp tử vong.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất