Nhật đau đầu với nạn nữ sinh viên bị ép 'đổi tình lấy việc'
Các nhà hoạt động, bao gồm giáo sư và sinh viên của nhiều trường đại học ở Nhật, cho rằng đây là một vấn đề nan giải vì bị ẩn giấu trong bóng tối do các nạn nhân sợ nói ra.
Bộ Lao động Nhật Bản dự kiến sẽ hoàn tất chỉ dẫn nhằm ngăn chặn vấn nạn cậy quyền lực để quấy rối nơi công sở trong tháng 12 này. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho rằng cần có các biện pháp tương tự với bản chỉ dẫn được soạn thảo hồi tháng 10 này, cho đối tượng là sinh viên và những người không phải là nhân viên khác.
Theo truyền thông Nhật Bản, nhiều công ty nước này đang có xu hướng tuyển dụng những người mới tốt nghiệp - những đối tượng thậm chí bắt đầu săn việc làm khi vẫn còn học đại học.
Nhiều người cảm thấy quá dễ bị tổn thương nếu lên tiếng về việc bị quấy rối, các thành viên của Mạng lưới Safe Campus Youth Network (SAY) - một tổ chức tình nguyện của các giáo sư và sinh viên của 6 đại học ở Tokyo, nói tại cuộc họp báo về chủ đề này hôm 2/12.
Các sinh viên đại học ở Tokyo tổ chức họp báo kêu gọi kết thúc quấy rối tình dục trong tuyển dụng việc làm. Ảnh: Kyodo.
“Ngày nay, vấn đề quấy rối đối với các sinh viên săn việc làm, đặc biệt là quấy rối tình dục nhằm vào các sinh viên nữ là vấn đề nghiêm trọng có thể ảnh hưởng tới những lựa chọn cuộc đời đối với con đường sự nghiệp của họ”, SAY nêu rõ trong một tuyên bố kêu gọi hành động.
“Những vụ việc như vậy hầu như không bao giờ được đưa ra ánh sáng và các nhân viên không thể nói bất cứ điều gì họ muốn bởi sinh viên đi làm là những đối tượng ở thế yếu”. Rhea Endo, sinh viên 19 tuổi tại Đại học International Christian ở Tokyo, nói.
“Những nạn nhân phải chịu đựng trong im lặng và kẻ phạm tội không bị trừng phạt”.
Các hành động quấy rối bao gồm từ cưỡng ép quan hệ tình dục và những động chạm không thích hợp, tới quấy rối bằng lời nói, chẳng hạn đặt câu hỏi cho những ứng viên xin việc về quan hệ tình dục, SAY cho biết.
Một nữ sinh viên từng trải qua quy trình săn việc làm trong năm nay, nói tại cuộc họp báo rằng khi cô ăn tối với các nhân viên của công ty, họ thường xuyên hỏi cô những câu hỏi như cô có bạn trai hay chưa, và họ còn hỏi về mối quan hệ của cô với bạn đời.
“Tôi cảm thấy tức giận vì những lời lẽ không phù hợp như vậy có thể được bỏ qua bằng lý do coi đó là chuyện đùa”, sinh viên này bức xúc.
Mạng lưới SAY cho rằng những ứng dụng công nghệ cho sinh viên kết nối với các tiền bối cùng trường để tìm kiếm lời khuyên về xin việc - lẽ ra nên được sử dụng cho mục đích trong sáng này, thực tế đang bị biến tướng thành công cụ hẹn hò và ghép đôi.
Họ cho rằng những dịch vụ như vậy đang dung dưỡng nền móng cho các vụ quấy rối tình dục và tấn công tình dục, với một số sinh viên bị đề nghị đổi tình để lấy sự giúp đỡ xin việc làm.
“Cần có sự bảo vệ tương tự cho những sinh viên đang tìm kiếm việc làm”, Giáo sư Mari Miura tại Đại học Sophia nói về các chỉ dẫn của Bộ Lao động tại cuộc họp báo.
Bản chỉ dẫn của Bộ Lao động dự kiến được kiện toàn trong tháng 12 sau giai đoạn lấy phản hồi của công chúng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng khái niệm về quấy rối quyền lực trong chỉ dẫn này đang quá hẹp.
Theo: news.zing
Dịch do virus corona có thể làm GDP của Nhật Bản mất 1.000 tỷ Yen
Kết quả phân tích mới nhất của các viện nghiên cứu tại Nhật Bản cho thấy, dịch viêm đường hô hấp do virus corona chủng mới (nCoV) gây ra có thể gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.