Nhật Bản thông tin về tư cách lưu trú mới cho người lao động Việt Nam
Nhật Bản đã thiết lập tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc định” đối với những lao động muốn làm việc ở Nhật Bản
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, từ tháng 4/2019, Nhật Bản đã thiết lập tư cách lưu trú mới là “kỹ năng đặc định” đối với những lao động muốn làm việc ở Nhật Bản nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại đây.
Ngày 1/7/2019, lãnh đạo cao cấp hai nước đã hoàn thành đàm phán và công bố Bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến “kỹ năng đặc định”.
Theo đó, khác với hình thức “thực tập” của chương trình thực tập kỹ năng trước đây và chương trình vừa đi học vừa đi làm thêm, cơ chế “kỹ năng đặc định” nhằm tiếp nhận “nguồn nhân lực nước ngoài có chuyên môn, kỹ năng nhất định có khả năng làm việc ngay”.
Người lao động khi làm việc ở Nhật Bản sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ tương đương với lao động người Nhật Bản trở lên.
Đại sứ Umeda Kunio nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản mong muốn nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của phía Việt Nam để các bạn trẻ Việt Nam có nguyện vọng đến Nhật Bản có thêm hiểu biết về chương trình kỹ năng đặc định.
Từ đó, mỗi bạn trẻ sẽ thực hiện được ước mơ của riêng mình và phát huy vai trò cầu nối, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ tương trợ lẫn nhau giữa hai nước.
Làm rõ hơn về những hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đối với chương trình này, bà Hiroko Shimizu, Bí thư thứ hai, Ban Chính trị, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, công tác thẩm định và tuyển chọn các doanh nghiệp phái cử của Việt Nam là trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam.
Trong quá trình phái cử lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, nếu có phát sinh vấn đề gì, phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ thu thập thông tin và chuyển về các đơn vị chức năng của Việt Nam để nhanh chóng có hướng giải quyết.
Theo Chương trình kỹ năng đặc định mới này phân ra hai hình thức. Theo hình thức thứ nhất, tư cách lưu trú dành cho người nước ngoài làm công việc đòi hỏi phải có kỹ năng cần thiết về kiến thức và kinh nghiệm ở một mức độ tương đối trong 12 ngành nghề: Điều dưỡng, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp vật liệu, chế tạo máy công nghiệp, điện-thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, hàng không, lưu trú, nông nghiệp, ngư nghiệp, chế biến thực phẩm-đồ uống, dịch vụ ăn uống.
Hình thứ thứ hai gồm tư cách lưu trú dành cho người nước ngoài làm công việc đòi hỏi phải có kỹ năng thành thạo trong một lĩnh vực ngành nghề nhất định.
Ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật bản, Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, 14 ngành nghề Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận 345.150 lao động trong 5 năm; trong đó, ngành xây dựng gồm 40 nghìn người, nông nghiệp 36,5 nghìn người, lưu trú khách sạn 22 nghìn người, hộ lý chăm sóc người cao tuổi 60 nghìn người, thực phẩm 34 nghìn người…/.
Nguồn: Thu Phương/TTXVN
Nhật Bản sẽ dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân thứ hai tại Fukushima
Reuters cho biết, ngày 24-7, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) có kế hoạch dỡ bỏ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daini ở tỉnh Fukushima, phía đông Nhật Bản. Quyết định trên dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng 7 này.