Nhật Bản: Thiên đường của những kẻ nát rượu

"Nếu bạn là một kẻ nghiện rượu, Nhật Bản là quốc gia bạn nên tới", anh Anthony, một chuyên gia người Mỹ đã sống tại Nhật 7 năm đồng thời cũng là một người nghiện rượu, nhận định.

Nhật Bản là thiên đường của những kẻ nát rượu. Bạn nghe không có nhầm đâu, quốc gia này đang phải đối mặt với thách thức tồn tại hàng thế kỷ về văn hóa sử dụng rượu bia. Việc sử dụng đồ uống có cồn để làm quen, kết bạn, ký kết hợp đồng… đã tồn tại rất lâu trong xã hội và trở thành một loại văn hóa mà chính phủ muốn xóa bỏ.

Nhật Bản: Thiên đường của những kẻ nát rượu

Ngay từ thế kỷ thứ 3, những thương nhân Trung Quốc khi đến làm ăn tại Nhật Bản đã ghi lại trong nhật ký hàng hải rằng người dân nơi đây đặc biệt thích uống rượu mạnh. Rõ ràng uống rượu bia đã thấm vào máu người Nhật từ xa xưa và ngày nay nó trở thành một tệ nạn mà nhiều người khó tránh.

Trên thực tế, rất nhiều nhân viên Nhật Bản hiện nay buộc phải tham gia những cuộc nhậu sau giờ làm để có thể thăng tiến hoặc tạo mối quan hệ với đồng nghiệp. Việc nhậu say nằm vật vã ra lề đường hay ga tàu điện ngầm xuất hiện rất nhiều vào mỗi đêm tại các thành phố lớn của Nhật. Điều đáng nói là từ một thứ đồ uống đơn thuần, rượu bia đang trở thành công cụ để bắt nạt nhân viên mới, đồng thời thành kẻ sát nhân cướp đi tính mạng của hàng nghìn thanh niên Nhật Bản mỗi năm.

Nhật Bản: Thiên đường của những kẻ nát rượu - Ảnh 1.

Uống rượu bia trở thành tệ nạn "không thể thiếu" trong xã hội Nhật

Mua rượu dễ hơn mua kẹo cao su

Vấn đề rượu bia ở Nhật là một chủ đề khá nhạy cảm. Xã hội và chính phủ nước này không muốn thừa nhận rằng người dân đang tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn dù hàng đêm, rất nhiều người say khướt nằm vật vã ở các ga tàu điện ngầm hoặc bên lề đường.

Năm 2018, Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp Nhật Bản thứ 119 về lượng tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người. Dẫu vậy, 1 đơn vị đồ có cồn theo WHO chỉ vào khoảng 10gr rượu nguyên chất, trong khi tại Nhật 1 đơn vị đồ uống có cồn thực tế tương đương 20gr rượu nguyên chất. Điều này đồng nghĩa tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn của Nhật Bản cao hơn rất nhiều so với báo cáo của WHO.

Trên thực tế, để nói người Nhật nát rượu là không thực sự chính xác bởi văn hóa rượu bia tại đây khá phức tạp. Chúng liên quan đến rất nhiều thứ chứ không chỉ là nhậu nhẹt thông thường. Rất nhiều bạn trẻ Nhật ghét rượu bia nhưng buộc phải uống nếu muốn thăng tiến hoặc xin được việc làm.

Tại Nhật Bản, người tiêu dùng có thể tìm mua rượu bia dễ hơn cả kẹo cao su. Chúng được bán tràn lan trong các cửa hàng tiện lợi hay những siêu thị nhỏ mở cửa 24/7. Yêu cầu giấy phép kinh doanh rượu tại Nhật không có nhiều và người bán hàng chả mấy khi kiểm tra độ tuổi của người mua chúng. Bởi vậy, bạn sẽ thấy đồ uống có cồn xuất hiện gần như ở mọi sự kiện trong văn hóa Nhật.

Bạn sẽ thấy người Nhật uống rượu bia trên phố, ngoài bãi biển, trong công viên, trên tàu điện ngầm hay bất cứ nơi nào trên đất nước. Thậm chí máy bán hàng tự động rượu bia cũng là loại phổ biến nhất ở Nhật Bản và đương nhiên chúng chả thể phân biệt người mua có trên 20 tuổi theo luật định hay không.

Nhật Bản: Thiên đường của những kẻ nát rượu - Ảnh 2.

Mua rượu bia tại Nhật vô cùng dễ dàng

Trong khi tại Mỹ, quốc gia nổi tiếng tự do trên thế giới, xã hội có những luật lệ nhất định về thời gian và địa điểm không nên uống rượu, hay thậm chí còn có tôn giáo ràng buộc. Tuy nhiên ở Nhật, lằn ranh giới hạn này khá nhỏ và tôn giáo cũng không quá khắt khe trong việc uống rượu. Thậm chí một số ngôi đền tại Nhật còn cho phép các nhà sư tiêu thụ rượu bia.

Một cuộc khảo sát của Viện Pew từng thực hiện ở 40 quốc gia trên thế giới, qua đó đặt câu hỏi rằng liệu uống rượu bia có được chấp nhận về mặt đạo đức hay không, cho thấy Nhật Bản đứng đầu với tỷ lệ cao đáng ngạc nhiên. Khoảng 66% người Nhật cho rằng nhậu nhẹt là điều chấp nhận được về mặt đạo đức, trong khi nước xếp thứ 2 là Cộng hòa Czech với chỉ 46%.

Không dám thừa nhận mình nát rượu?

Tại Nhật những bữa tiệc rượu, hay còn gọi Nomikai đã trở thành một văn hóa không thể thiếu trong xã hội. Thậm chí người ta còn gọi chúng là "Nomication" để ám chỉ văn hóa xã giao qua những chén rượu.

Trong một xã hội chú trọng phép tắc như Nhật Bản, rượu bia là công cụ dễ nhất để phá băng các mối quan hệ cũng như tạo nên sự gần gũi. Người Nhật hoàn toàn có thể lấy cớ say rượu để có những hành động trái quy tắc theo một khía cạnh nào đó nhằm giải tỏa tâm lý hoặc kéo gần thêm quan hệ.

Đặc biệt, nền kinh tế Nhật đang tăng trưởng chậm và người dân gặp đủ vấn đề từ mức lương, việc làm, chăm con, giá cả sinh hoạt cho đến chuyện tình duyên. Một xã hội lịch sự thái quá cũng như văn hóa cứng nhắc khiến nhiều người muốn uống rượu để giải tỏa tâm lý, bởi xã hội chấp nhận những kẻ say làm điều ngu ngốc.

Nhật Bản: Thiên đường của những kẻ nát rượu - Ảnh 3.

Người say nằm vạ vật tại Nhật Bản là chuyện thường thấy

Bên cạnh đó, trái với văn hóa Phương Tây khi các cá nhân có thể tự chủ quyết định khi nào thì nên uống và lúc nào nên dừng, những bữa nhậu tại Nhật hay các quốc gia Châu Á thường mang nặng tính cả nể. Những người tham gia bữa tiệc khó lòng kiểm soát lượng rượu mình uống do bị ép, bị khích hay đơn giản là do "văn hóa" từ xưa là thế.

Tuy nhiên chính điều này đã tạo nên những kẻ nát rượu ở Nhật Bản. Dù muốn hay không, việc tiêu thụ rượu thường xuyên khiến người Nhật quen với sự hiện diện của đồ uống có cồn và nhiều người lâm vào cảnh nghiện rượu lúc nào không hay. Đi kèm với đó là hàng loạt các chứng bệnh như giảm thị lực, rối loạn tâm lý, bạo hành gia đình, stress…

Tệ hơn, vấn nạn học sinh uống rượu bia tại Nhật đã chẳng còn gì mới bởi xã hội không đặt nặng chuyện này. Trong khi đó, tình trạng bạo hành gia đình ngày một tăng ở Nhật với khoảng 9.088 vụ được thông báo đến cảnh sát vào năm 2018. Trên thực tế bạo hành gia đình chỉ được coi là phạm pháp ở Nhật từ năm 2002.

Đó là chưa kể đến những vụ cưỡng bức, quấy rối tình dục, tự tử… không được báo với cảnh sát do xã hội không có một cơ chế hay nhận thức bảo vệ các nạn nhân. Phụ nữ uống say bị cưỡng bức tại Nhật vẫn bị xã hội coi là "gái hư" thay vì một nạn nhân cần được bảo vệ.

Điều đáng ngạc nhiên là xã hội và chính phủ Nhật dường như ngại đề cập đến vấn đề này, hay nói chính xác hơn là họ không muốn thừa nhận mình gặp vấn đề về rượu bia. Báo cáo của Bộ y tế Nhật cho thấy 1,09 triệu người nước này đang nghiện rượu nhưng chỉ 40% thực sự điều trị, đó là chưa kể đến rất nhiều người nghiện rượu nhưng không nhận ra hoặc không dám thừa nhận vì tính sĩ diện, vì tinh thần "Samurai".

"Nhật Bản cần thay đổi cách nhìn về người nghiện rượu khi họ vẫn bị coi là thứ gì đó đáng xấu hổ cần che dấu…Điều đáng buồn nhất với những người nghiện rượu tại Nhật là họ bị xã hội và gia đình bỏ rơi", Chủ tịch Tomomi Imanari của tổ chức phi lợi nhuận ASK chuyên trợ giúp những người nghiện rượu nói.

Nhật Bản: Thiên đường của những kẻ nát rượu - Ảnh 4.

Xã hội an toàn cao cùng sự tôn trọng không gian riêng tư khiến người Nhật thoải mái say

Một yếu tố nữa khiến nhiều người ngạc nhiên là chính sự an toàn cũng như văn hóa tôn trọng không gian cá nhân, hệ thống giao thông công cộng hiện đại lại đang khiến người Nhật thoải mái say bí tỉ. Sự an toàn khiến con nhậu thoải mái uống tới tận đêm khuya, sự tôn trọng cá nhân khiến họ vô tư ngủ bên lề đường và hệ thống giao thông công cộng thuận tiện khiến họ chẳng cần bị phạt vì lái xe khi say rượu.

"Nếu bạn là một kẻ nghiện rượu, Nhật Bản là quốc gia bạn nên tới", anh Anthony, một chuyên gia người Mỹ đã sống tại Nhật 7 năm đồng thời cũng là một người nghiện rượu, nhận định.

Bạn có thể thấy rõ điều này trên những chương trình truyền thông. Trong khi Mỹ và một số nước giới hạn hoặc thậm chí cấm quảng cáo rượu bia thì tại Nhật, bạn có thể thấy chúng ngập tràn trên các biển quảng cáo hay tivi ngoài khung giờ 5-18h.

"Xã hội Nhật thích ép con người ta uống nhiều rượu, nhưng khi ai đó bị ép trở thành kẻ nghiện rượu thì họ lại bị coi thường và rất khó để lấy lại vai trò của mình trong xã hội", Giám đốc Susumu Higuchi của Trung tâm cai nghiện thuộc bệnh viện Kirihama nhận định.

Theo: cafebiz.vn

Tags:
Tâm an vạn sự an, ung dung tự tại, tâm rộng thiên địa rộng, không người hiềm khích

Tâm an vạn sự an, ung dung tự tại, tâm rộng thiên địa rộng, không người hiềm khích

Cuộc sống không thể lúc nào cũng thuận tâm vừa ý, không thể chỗ nào cũng hoàn mỹ tinh khôi. Có lúc gặp phải những chuyện thị phi mà chúng ta có giải thích cỡ nào cũng chỉ là uổng sức phí công. Vậy chi bằng chúng ta hãy cười mà bỏ qua, thời gian sẽ trả lời tất cả.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất